Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo các nền kinh tế mới nổi châu Á tăng trưởng 5,2% trong năm 2024, trong khi kinh tế toàn cầu có thể hạ cánh mềm.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng khả năng kinh tế thế giới sẽ hạ cánh mềm đang tăng lên - Ảnh: AFP
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất ngày 30-1, IMF dự đoán các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, tăng so với dự báo 3 tháng trước do tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,4% của năm 2023.
Hồi tháng 10-2023, IMF dự đoán khu vực sẽ tăng 4,8% trong năm 2024. Trong năm 2025, khu vực các nước châu Á mới nổi và đang phát triển dự kiến tăng trưởng 4,8%.
Trong đó, tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay đã được IMF điều chỉnh tăng 0,4 điểm % lên 4,6% do chi tiêu chính phủ tăng, mặc dù vẫn chậm hơn so với mức 5,2% của năm ngoái.
IMF đánh giá nền kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi nhanh hơn dự kiến nếu Bắc Kinh tiến hành thêm các cải cách trong lĩnh vực bất động sản, chẳng hạn như tái cơ cấu các nhà phát triển bất động sản mất khả năng thanh toán, hoặc chi nhiều hơn để thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo nguy cơ Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng nếu chính quyền áp dụng biện pháp "thắt chặt tài chính ngoài ý muốn" có thể gây tổn hại đến tiêu dùng.
Trong khi đó, báo cáo cho rằng tăng trưởng ở Ấn Độ sẽ duy trì ở mức 6,5% trong cả năm 2024 và 2025, tăng 0,2 điểm % so với tháng 10 cho cả hai năm, do nhu cầu trong nước ổn định.
Nhìn chung, IMF đánh giá tăng trưởng toàn cầu năm 2024 sẽ vào khoảng 3,1%, tăng so với dự báo trước đó, do "khả năng phục hồi" bất ngờ ở các nền kinh tế thị trường phát triển và mới nổi trên khắp thế giới. Trong dự báo hồi tháng 10-2023, IMF đưa ra con số 2,9%.
"Chúng ta đã cùng lúc có ít lạm phát hơn và tăng trưởng nhiều hơn. Đó không chỉ là câu chuyện của Mỹ. Có rất nhiều sự phục hồi ở nhiều nơi trên thế giới trong năm qua và bước sang năm 2024", Hãng tin AFP dẫn lời nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF nói, đề cập đến các nước như Trung Quốc, Nga, Brazil và Ấn Độ.
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu chưa thể trở về mức tăng trưởng như trước đại dịch, do tác động liên tục của lãi suất tăng cao, các chính phủ ngừng hỗ trợ liên quan đến đại dịch và mức năng suất thấp kéo dài.
Kinh tế toàn cầu có thể 'hạ cánh mềm' Nhà kinh tế Gourinchas nhận định kịch bản suy thoái toàn cầu đang lùi xa. "Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý, với lạm phát giảm đều và tăng trưởng ổn định. Khả năng 'hạ cánh mềm' đã tăng lên", ông nói. Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng rủi ro vẫn còn, bao gồm căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và các cuộc tấn công ở Biển Đỏ có thể làm gián đoạn giá cả hàng hóa và chuỗi cung ứng. Ngoài ra, sự chậm trễ trong việc củng cố tài chính trong thời điểm "năm bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử" có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế nhưng cũng có thể thúc đẩy lạm phát. |
Theo Trần Phương/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/imf-du-bao-tang-truong-cua-chau-a-nam-2024-20240130222107792.htm