Xung đột kéo dài hơn 3 tháng giữa Israel - Hamas chưa có dấu hiệu lắng dịu, thay vào đó là nguy cơ lan rộng và leo thang.
Ngày 14-1 đánh dấu cột mốc 100 ngày kể từ ngày 7-10-2023, khi Hamas tấn công vào Israel khiến 1.200 người Israel thiệt mạng và bắt khoảng 240 con tin trở về Gaza.
Hành động này đã thổi bùng một chiến dịch quân sự khốc liệt của Israel nhắm vào Gaza, đến nay đã khiến gần 24.000 người Palestine thiệt mạng.
Hãng tin AP dẫn lời các giám sát viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) rằng cuộc tấn công đã khiến đại đa số người Palestine tại Dải Gaza phải rời bỏ nhà cửa, một nửa số bệnh viện trên vùng đất này ngừng hoạt động và nạn đói nghiêm trọng trên diện rộng.
Quân đội Israel cho biết hiện họ đã thu hẹp quy mô chiến dịch ở phía Bắc Gaza - vốn đã bị tàn phá nặng nề - và dồn toàn lực vào miền Nam, nơi họ tin rằng các thủ lĩnh của Hamas đang ẩn náu.
Hai quan chức LHQ nói với tờ The Washington Post rằng cần phải nối lại dòng hàng hóa thương mại vào Gaza vì nỗ lực của riêng các cơ quan viện trợ không đủ ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một trầm trọng.
Ngày 14-1 cũng đánh dấu một cột mốc mệt mỏi đối với gia đình của các con tin bị Hamas cầm giữ. Theo CNN, một số gia đình có được bằng chứng về sự sống của người thân trong khi một số con tin khác hoàn toàn biệt vô âm tín.
Các tòa nhà bị phá hủy ở miền Trung Dải Gaza hôm 13-1 Ảnh: REUTERS
Thỏa thuận tạm ngừng bắn để trao đổi con tin và tù nhân giữa Israel và Hamas đã giúp hơn 100 con tin được giải thoát hồi cuối tháng 11-2023. Tuy nhiên, kể từ đó, các gia đình không có hy vọng về một thỏa thuận nào khác. Một số người đổ lỗi cho các quyết định của giới chức Israel trong khi số khác trút giận lên Hội Chữ thập đỏ.
Bất chấp những điều đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đánh dấu cột mốc 100 ngày xung đột bằng cách khẳng định không ai có thể ngăn chặn lực lượng của Israel cho đến khi họ "chiến thắng hoàn toàn".
Nỗi lo lắng không chỉ gói gọn ở Dải Gaza. Israel và lực lượng Hezbollah của Lebanon đã liên tục tấn công xuyên biên giới về phía nhau, gần như mỗi ngày kể từ khi xung đột bắt đầu.
Ngoài ra, tình hình biển Đỏ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi Mỹ và Anh bắt đầu không kích vào các địa điểm của lực lượng Houthi ở Yemen, sau cuộc tấn công lớn nhất của nhóm này vào tàu của họ.
Hôm 13-1, người phát ngôn Houthi Nasruldeen Amer đe dọa sẽ "phản ứng chắc chắn, mạnh mẽ và hiệu quả" sau cuộc tấn công qua đêm khác của Mỹ vào Yemen. Mỹ cho biết đã nhắm vào một điểm đặt radar của Houthi ở Yemen trong vụ tấn công kể trên. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ đã gửi thông điệp riêng tới Iran về các cuộc tấn công của Houthi.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian chỉ trích mạnh mẽ các cuộc không kích của Mỹ vào Yemen, tuyên bố Sanaa "hoàn toàn cam kết bảo đảm an ninh hàng hải và chỉ nhắm vào các tàu liên quan đến Israel". Quan chức này nói rằng thay vì tiến hành các cuộc tấn công vào Yemen, Nhà Trắng nên ngừng hợp tác quân sự và an ninh với Israel ngay lập tức.
Bên cạnh đó, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Newsweek, Đại sứ của Iran tại LHQ Amir Saeid Iravani nói "bất kỳ quốc gia nào dính vào cuộc gây hấn quân sự này đều có thể gặp nguy hiểm".
Những gì đang xảy ra làm tăng thêm lo ngại về sự leo thang và lây lan xung đột khắp Trung Đông, khi mà các đồng minh của Iran tại Lebanon, Syria và Iraq đều đã tham gia ở nhiều mức độ khác nhau.
Ảm đạm kinh tế toàn cầu Nhiều công ty vận chuyển xăng dầu hàng đầu thế giới như Hafnia, Torm và Stena Bulk cuối tuần rồi thông báo tạm dừng di chuyển qua biển Đỏ sau khi Mỹ và Anh không kích đáp trả lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Lực lượng Hàng hải Phối hợp (CMF), một liên minh do Mỹ dẫn dầu, khuyến nghị tàu thuyền tránh eo biển Bab el-Mandeb "trong vài ngày". Theo đài CNBC, mỗi ngày có khoảng 7 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ đi qua eo biển Bab el-Mandeb, kết nối vịnh Aden với biển Đỏ. Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo xung đột kéo dài trên biển Đỏ, căng thẳng Trung Đông leo thang và khủng hoảng Nga - Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung năng lượng, khiến lạm phát phi mã trở lại và gây ra những "hậu quả tàn khốc" với kinh tế thế giới. Trao đổi với báo The Guardian, ông John Llewellyn, cựu kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhận định: "Có một kịch bản khủng khiếp và gần như không thể tránh khỏi là xung đột lan sang eo biển Hormuz và ra toàn Trung Đông". Theo tính toán của ông Llewellyn, rủi ro thương mại toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng đã tăng lên mức 30%, so với 10% của cách đây 2 tuần. Theo Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), giá dầu có thể tăng gấp đôi nếu xung đột kéo dài trên eo biển Hormuz. "Những rủi ro khác bao gồm căng thẳng tài chính liên quan đến lãi suất, lạm phát dai dẳng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến, phân mảnh thương mại toàn cầu và biến đổi khí hậu" - WB khẳng định. Xung đột và biến đổi khí hậu cũng là 2 yếu tố được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đặc biệt lưu ý trong Báo cáo rủi ro toàn cầu (GRR) mới nhất. Được công bố trước thềm WEF Davos 2024 diễn ra từ ngày 15 đến 19-1 ở Thụy Sĩ, GRR liệt kê thêm các nguy cơ khác làm tổn thương khả năng phục hồi toàn cầu, bao gồm công nghệ deepfake và kinh tế trì trệ. Cao Lực |
Theo Anh Thư/ NLĐ
https://nld.com.vn/100-ngay-xung-dot-o-trung-dong-196240114212216035.htm