Theo cơ quan y tế nhiều quốc gia nơi JN.1 đang phổ biến, biến chủng này thoát miễn dịch, lây lan nhanh nhưng không có dấu hiệu gia tăng độc lực
Trong thông cáo báo chí toàn cầu được phát đi ngày 20-12 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết vừa phân loại JN.1 là một "biến chủng cần quan tâm" (VOI) riêng biệt mới do mức độ lây lan ngày càng nhanh chóng của nó.
Trước đây, JN.1 chỉ được xem như một phần của nhánh BA.2.86 thuộc biến chủng Omicron gây bệnh COVID-19. BA.2.86 cũng là một VOI. Đây là cấp độ phân loại thấp hơn "biến chủng gây lo ngại" (VOC) như chủng gốc Alpha, Delta, Omicron gốc…
JN.1 được nhắc đến vài tháng qua như thủ phạm của làn sóng COVID-19 mới bắt đầu từ cuối mùa thu ở khu vực Âu - Mỹ. Sau khi được xác định lần đầu ở Luxembourg vào tháng 8, biến thể mới JN.1 đã nhanh chóng tạo thành một dòng biến chủng chiếm ưu thế ở nhiều nơi.
Theo báo Global Times, tính đến ngày 10-12, JN.1 đã được phát hiện ở ít nhất 40 quốc gia, với tỉ lệ cao nhất ghi nhận tại châu Âu. Trong vài tuần qua, đến lượt nhiều quốc gia châu Á ghi nhận làn sóng COVID-19 mới, liên quan ít nhiều tới JN.1.
Người dân Singapore được khuyến cáo đeo khẩu trang trong không gian kín đông người Ảnh: STRAITS TIMES
Theo thông báo của Bộ Y tế Singapore cách đây vài ngày, số ca mắc COVID-19 ở đảo quốc này đã tăng nhanh trong vài tuần qua do nhiều yếu tố: Khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian, sự tương tác cộng đồng tăng trong mùa du lịch và lễ hội cuối năm. Ước tính JN.1 liên quan đến 60% số ca mắc COVID-19 ở Singapore.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tăng gấp đôi trong vòng 9 ngày ở Ấn Độ, theo tờ Times of India ngày 20-12. Việc giải trình tự gien nhằm xác định dòng virus SARS-CoV-2 chịu trách nhiệm cho làn sóng mới vừa được thực hiện ở bang Maharashtra và bang Goa, cho thấy JN.1 có thể là tác nhân chính.
Mặc dù vậy, hầu hết các quốc gia và cả WHO đều "lạc quan thận trọng" trước làn sóng COVID-19 mới. Cũng trong thông cáo ngày 20-12, WHO viết rõ: "Dựa trên các bằng chứng sẵn có, nguy cơ sức khỏe cộng đồng toàn cầu do JN.1 gây ra hiện được đánh giá là thấp".
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết tuy sự phát triển liên tục của JN.1 cho thấy nó có khả năng thoát miễn dịch tốt hơn, song không có dấu hiệu độc lực (khả năng gây bệnh nặng) gia tăng.
Cả CDC Mỹ và WHO đều khẳng định các vắc-xin COVID-19 hiện có đủ khả năng chống lại bệnh nặng và tử vong do biến chủng mới này cũng như các dòng tiền nhiệm.
"Chúng tôi cho rằng không có gì cần lo lắng. Số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ tăng lên là một hiện tượng theo mùa" - một quan chức của Insacog, diễn đàn các phòng thí nghiệm của chính phủ Ấn Độ, nhận định. Chính quyền Singapore cũng nói không có dấu hiệu BA.2.86 hay dòng con JN.1 của nó gây bệnh nặng hơn.
Tuy nhiên, theo WHO, cần thận trọng do COVID-19 không phải là tác nhân gây bệnh hô hấp duy nhất hiện nay. Mùa đông đang bắt đầu ở Bắc bán cầu với sự gia tăng đồng thời của cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV), viêm phổi thông thường ở trẻ em… Kết hợp lại, các mầm bệnh này có thể gia tăng gánh nặng lên hệ thống y tế.
WHO khuyến cáo người dân duy trì các biện pháp phòng ngừa bệnh hô hấp nói chung, bao gồm đeo khẩu trang ở những nơi kín gió và đông đúc, cải thiện thông gió trong các tòa nhà, che miệng khi ho - hắt hơi, rửa tay thường xuyên, ở nhà nếu đang bị bệnh…
Các cơ sở y tế được khuyên phổ biến khẩu trang, sử dụng các phương tiện phòng hộ cần thiết cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc/nghi mắc COVID-19. WHO đang liên tục theo dõi JN.1 và sẽ cập nhật đánh giá rủi ro nếu cần.
Theo Anh Thư/NLĐO
https://nld.com.vn/who-lai-canh-bao-ve-covid-19-196231220213627975.htm