Nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Gaza vẫn tiếp tục trong bối cảnh tình hình nhân đạo tại dải đất này ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Một khu vực lều trại tạm cư của người Palestine tại thành phố Rafah phía nam Dải Gaza REUTERS
Tờ The Guardian ngày 10.12 dẫn lời Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo về tình trạng thảm khốc của lĩnh vực y tế tại Dải Gaza rất dễ dẫn đến sự lây lan nhiều căn bệnh chết người.
"Rõ ràng tác động của cuộc xung đột đối với lĩnh vực y tế là rất thảm khốc. Nói ngắn gọn, nhu cầu y tế đã tăng lên đáng kể và năng lực của hệ thống y tế đã giảm xuống còn 1/3 so với trước đây", ông phát biểu trước 34 thành viên Hội đồng Chấp hành của WHO.
Tính đến nay, đã có ít nhất 17.700 người thiệt mạng, 48.780 người bị thương và khoảng 1,9 triệu trong số 2,4 triệu dân tại Gaza phải rời bỏ nhà cửa, sau khi Israel tiến hành chiến dịch đáp trả việc Hamas tấn công hôm 7.10 khiến 1.200 người thiệt mạng.
Quan chức Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Adele Khodr cảnh báo rằng trẻ em tại Gaza ngày càng bị đẩy xa hơn về phía nam vào một khu vực chật hẹp, đông đúc, thiếu nước và lương thực, khiến các em đối diện nguy cơ mắc bệnh ngày càng tăng.
"Những hạn chế và thách thức đối với việc cung cấp viện trợ cứu sinh tại Dải Gaza là một bản án tử hình khác đối với trẻ em", bà cảnh báo.
Tình hình ngày càng thảm họa
Sau khi Mỹ phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về lệnh ngừng bắn tại Gaza, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói rằng ông sẽ không từ bỏ việc kêu gọi các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn.
"Tuần trước, tôi đã gửi một lá thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo an, viện dẫn Điều 99 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên kể từ khi tôi trở thành tổng thư ký vào năm 2017. Tôi đã viết rằng không có biện pháp bảo vệ dân thường hiệu quả ở Gaza", ông kể.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres REUTERS
Điều khoản này, vốn chưa từng được kích hoạt kể từ năm 1989, cho phép Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an về "vấn đề có thể làm trầm trọng thêm các mối đe dọa hiện hữu đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế".
Ông cảnh báo rằng hệ thống y tế ở Gaza đang sụp đổ và dự kiến "trật tự công cộng sẽ sớm bị phá vỡ hoàn toàn".
"Tình hình diễn ra nhanh chóng, ngày càng trở nên thảm họa, có những tác động tiềm ẩn không thể đảo ngược đối với người Palestine nói chung cũng như đối với hòa bình và an ninh trong khu vực", Reuters dẫn lời ông cảnh báo.
Cánh cửa hẹp
Lo ngại về tình hình xung đột Hamas – Israel, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cảnh báo rằng "cả thế hệ ở Trung Đông đang có nguy cơ bị cực đoan hóa vì cuộc chiến".
Ông cho biết nỗ lực hòa giải vẫn tiếp diễn nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và thả thêm con tin, dù việc Israel tiếp tục oanh kích đã "làm hẹp cánh cửa" dẫn đến kết quả thành công.
Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 10.12 cho biết đã tấn công 250 mục tiêu tại Gaza trong vòng 24 giờ trước đó.
Theo đó, IDF đã xác định và phá hủy các kho vũ khí, thực hiện các cuộc đột kích có chủ đích vào các địa điểm quân sự, phá hủy các đường hầm khủng bố dưới lòng đất và ngăn chặn các nhóm khủng bố có vũ trang lên kế hoạch tấn công các binh sĩ IDF.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng việc các nhà lãnh đạo phương Tây kêu gọi ngừng bắn ở Gaza là không phù hợp với sự ủng hộ của họ đối với mục tiêu chiến tranh của Israel là tiêu diệt Hamas.
Trong cuộc họp nội các, Thủ tướng Israel cho biết ông đã nói với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và các nước khác rằng "các bạn một mặt không thể ủng hộ việc loại trừ Hamas, mặt khác gây áp lực buộc chúng tôi phải chấm dứt chiến tranh, điều này sẽ ngăn chặn việc loại bỏ Hamas".
Theo Khánh An/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/y-te-gaza-tro-nen-tham-khoc-tong-thu-ky-lhq-quyet-tim-kiem-lenh-ngung-ban-185231210173839889.htm