Khi thời gian dần trôi về mốc một tháng xung đột Israel và Hamas bùng nổ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đối mặt với sự phẫn nộ ngày càng tăng của người dân Israel.
Biểu tình kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ chức và phải bị luận tội bên ngoài nơi ở của ông vào ngày 4-11 - Ảnh: REUTERS
Biểu tình, cùng những lời kêu gọi ông từ chức, đã xảy ra ngay bên trong lãnh thổ Israel.
Vẫy cờ Israel và hô vang "Bỏ tù ngay!", một đám đông hàng trăm người đã vượt qua hàng rào cảnh sát xung quanh nơi ở của ông Netanyahu tại Jerusalem vào ngày 4-11. Cuộc biểu tình trùng hợp với một cuộc thăm dò cho thấy hơn 3/4 người Israel tin rằng ông Netanyahu nên từ chức, cho thấy sự tức giận ngày càng tăng của công chúng Israel đối với các nhà lãnh đạo chính trị và an ninh của họ.
Từ ủng hộ đến tức giận
Người Israel, vốn bị chia rẽ sâu sắc kể từ khi ông Netanyahu trở lại nắm quyền vào năm ngoái, đã đoàn kết chống lại Hamas trong cuộc chiến. Sốc vì đợt tấn công bất ngờ của Hamas ngày 7-10 khiến 1.400 người chết và 240 con tin bị bắt cóc, cả Israel đã ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch quân sự mà vị thủ tướng 74 tuổi này đã ra lệnh để "đè bẹp" kẻ thù.
Nhưng khi cú sốc ban đầu qua đi, sự phẫn nộ của công chúng ngày càng gia tăng với chính quyền của ông Netanyahu. Nhiều gia đình của các con tin bị giữ ở Gaza chỉ trích gay gắt phản ứng của chính phủ và kêu gọi đưa người thân của họ về nhà. Tại Tel Aviv, hàng ngàn người Israel đã xuống đường biểu tình, vẫy cờ và cầm ảnh một số người được cho là bị bắt làm con tin. Họ giơ cao áp phích "Thả con tin ngay bằng mọi giá" và đồng thời hô vang "Đưa họ về nhà ngay!".
Chị Ofri Bibas-Levy, có anh trai cùng với con trai 4 tuổi Ariel và con trai 10 tháng tuổi Kfir bị Hamas bắt làm con tin, nói với Hãng tin Reuters rằng cô đến để thể hiện sự ủng hộ đối với gia đình mình.
"Chúng tôi không biết giờ họ đang ở đâu, đang trong tình cảnh như thế nào. Tôi không biết Kfir có nhận được thức ăn hay không, Ariel có đủ ăn không. Thằng bé chỉ là một đứa trẻ nhỏ xíu", chị Bibas-Levy nói.
Được những người ủng hộ yêu mến gọi là "Vua Bibi" và "Quý ngài an ninh" nhưng bị những người chỉ trích, phản đối lên án là "bộ trưởng tội phạm", ông Netanyahu từ lâu đã thống trị nền chính trị Israel. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy sự ủng hộ dành cho ông và Đảng Likud cánh hữu của ông đang giảm sút.
Hôm 4-11, một cuộc thăm dò của Đài truyền hình Channel 13 của Israel cho thấy 76% người Israel nghĩ rằng ông Netanyahu nên từ chức và 64% cho rằng nước này nên tổ chức bầu cử ngay sau chiến tranh. Theo cuộc thăm dò, khi được hỏi ai là người có lỗi nhiều nhất trong vụ tấn công, 44% người Israel đổ lỗi cho ông Netanyahu, trong khi 33% đổ lỗi cho tham mưu trưởng quân đội và các quan chức quân đội cấp cao, và 5% đổ lỗi cho bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Nguy cơ với ông Netanyahu
Theo các chuyên gia, những sai sót về an ninh trong xung đột lần này có thể trở thành đòn giáng mạnh và nguy hiểm đối với ông Netanyahu - người đang giữ danh hiệu vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Israel nhưng cũng đang phải đối mặt với những rắc rối chính trị và pháp lý.
Trong động thái được xem là nỗ lực cứu vớt hình ảnh, ngày 5-11 Thủ tướng Netanyahu đã kỷ luật một bộ trưởng, người tỏ ra cởi mở với ý tưởng rằng Israel có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vào Gaza. Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ.
Ông Toby Greene, giảng viên chính trị tại Đại học Bar-Ilan của Israel và nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London, nhận định: "Sự ủng hộ dành cho Netanyahu và liên minh của ông ấy đã cạn kiệt ngay cả trước ngày 7-10, và kể từ khi chiến tranh bùng nổ, nó đã giảm hơn nữa. Nếu một cuộc bầu cử được tổ chức bây giờ, ông ấy sẽ thua nặng nề".
Trong khi các cơ quan quân sự và tình báo thừa nhận những thất bại về an ninh, ông Netanyahu lại không chấp nhận bất kỳ lời đổ lỗi nào về cuộc tấn công bất ngờ của Hamas. Các đồng minh của Netanyahu đã giữ im lặng về vai trò của ông.
Khi được hỏi gần đây rằng liệu có cân nhắc việc từ chức hay không, ông Netanyahu đã không trả lời trực tiếp mà nói rằng thứ duy nhất khiến ông bận tâm bây giờ là loại bỏ Hamas.
Nhà lãnh đạo chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử Israel thừa nhận ông sẽ phải đưa ra "câu trả lời" về các cuộc tấn công, nhưng chỉ sau khi chiến tranh kết thúc. Theo Hãng thông tấn AFP, điều đó cho thấy ông Netanyahu đang tìm cách "câu giờ" để tìm lời giải thích thỏa đáng và ông đang ở thế phòng thủ trước làn sóng chỉ trích từ trong nước.
Ông Reuven Hazan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, nhận xét ngắn gọn: "Ông ấy biết mình đang chiến đấu để sinh tồn và mọi quyết định ông ấy đưa ra trong cuộc chiến này đều nhằm đảm bảo sự sống còn của ông ấy". Nếu ông Netanyahu bị coi là có lỗi trong các cuộc tấn công của Hamas, sinh mệnh chính trị của ông có thể trở nên nghiêm trọng.
Chính phủ Israel cảnh báo cuộc chiến sẽ kéo dài nhiều tháng và ông Netanyahu không bắt buộc phải tổ chức một cuộc bầu cử trong ba năm, nhưng các nhà quan sát tin rằng nhiệm kỳ của ông Netanyahu sẽ không lâu như vậy. Theo ông Hazan, tất cả đều nhận thấy nguy cơ của ông Netanyahu, đồng thời đã có những "dấu hiệu" cho thấy các thành viên liên minh "biết rằng trò chơi đã kết thúc".
Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ đến Bờ Tây Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm không báo trước tới Bờ Tây vào ngày 5-11 và gặp Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas. Theo Hãng tin Reuters, mục đích của chuyến đi nhằm tìm cách đảm bảo xung đột không lan rộng trong khu vực. Mỹ cũng được cho là đồng thời đang cố gắng khởi động các cuộc thảo luận về cách quản lý Dải Gaza nếu Hamas bị tiêu diệt. |
Theo Duy Linh/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/moi-thu-dang-chong-lai-thu-tuong-israel-2023110523414643.htm