Quân đội Myanmar thừa nhận đã mất quyền kiểm soát thị trấn chiến lược ở biên giới chung với Trung Quốc sau nhiều ngày đụng độ với các nhóm vũ trang sắc tộc.
Binh sĩ Myanmar diễu hành theo đội hình (Ảnh minh họa: AFP).
"Chính quyền, các tổ chức hành chính và cơ quan an ninh không còn hiện diện" tại" tại thị trấn Chinshwehaw, giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, AFP dẫn lời người phát ngôn quân đội Zaw Min Tun cho biết trong thông cáo cuối ngày 1/11.
Ông Zaw Min Tun cho biết, các cuộc đụng độ đã xảy ra tại 10 địa điểm trên khắp bang Shan trong 6 ngày qua. Ông cáo buộc 3 nhóm vũ trang "cho nổ các nhà máy điện và cầu, phá hủy các tuyến đường giao thông".
Vùng biên giới Myanmar là nơi sinh sống của hơn chục nhóm vũ trang sắc tộc. Một số nhóm trong đó đã chiến đấu với quân đội Myanmar trong nhiều thập kỷ qua.
Qua ngày 2/11, 3 nhóm vũ trang là Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA) tuyên bố nắm thêm quyền kiểm soát các thị trấn Hpaung Seng, Hsenwi và Kyukok.
Trước tình hình ấy, Trung Quốc ngày 2/11 kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức" ở bang Shan.
Vị trí thị trấn Chinshwehaw (Đồ họa: Al Jazeera).
Bang này dự kiến là nơi xây dựng dự án đường sắt trị giá hàng tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Thị trấn Chinshwehaw tại đây có vai trò quan trọng vì hơn 1/4 dòng chảy thương mại biên giới trị giá 1,8 tỷ USD của Myanmar với Trung Quốc đi qua thị trấn này từ tháng 4 đến tháng 9, theo Bộ Thương mại Myanmar.
Một cư dân thị trấn Hsenwi, cách Chinshwehaw khoảng 90km ngày 2/11 nói với AFP rằng hàng nghìn người đã đến đây lánh nạn.
Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại rằng hàng nghìn người đã phải bỏ nhà đi lánh nạn, trong đó một số người phải chạy trốn qua biên giới sang Trung Quốc.
Bộ trưởng Công an Trung Quốc hôm 31/10 đã gặp lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing ở thủ đô Naypyidaw trong ngày thảo luận thứ hai về những cuộc đụng độ trên.
Theo Quốc Đạt/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/quan-doi-myanmar-mat-kiem-soat-thi-tran-bien-gioi-20231102225318314.htm