Cục diện Trung Đông ngày càng diễn biến phức tạp sau vụ tấn công của Hamas nhằm vào Israel hôm 7/10, tiềm ẩn nguy cơ leo thang thành xung đột khu vực và lôi kéo sự can thiệp của các siêu cường.
Một người đàn ông ở Israel hoảng hốt tìm nơi trú ẩn khi Hamas tập kích rocket qua biên giới sáng 7/10 (Ảnh: Reuters).
Ngày 7/10, lực lượng vũ trang Hamas đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào biên giới phía nam Israel khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, đồng thời bắt cóc hàng trăm con tin.
Ngay lập tức, Israel đã đáp trả bằng mưa bom đạn dội vào Dải Gaza, áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn. Chiến dịch tập kích đáp trả của Israel đã khiến hơn 8.000 người ở Gaza thiệt mạng.
Cuộc tấn công của Hamas không chỉ khiến quan hệ Israel - Palestine thêm phức tạp, mà còn thay đổi toàn bộ tình hình Trung Đông, khiến chiến lược giảm leo thang của Mỹ trong khu vực rơi vào tình trạng hỗn loạn, đặt các chính phủ Ả Rập và Iran vào tình thế khó khăn, đồng thời mở ra cơ hội cho sự hiện diện của Trung Quốc và Nga tại khu vực này.
Chiến lược của Mỹ bị suy yếu
Trong 3 năm qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạn chế can thiệp vào khu vực Trung Đông. Thay vào đó, Washington tập trung vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPS) nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Washington.
Chiến lược đề xuất bao gồm hai phần: hành lang phía đông sẽ kết nối Ấn Độ với các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập, hành lang phía bắc sẽ nối các quốc gia vùng Vịnh với châu Âu thông qua Jordan và Israel.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, Mỹ sẽ phải "hạ nhiệt" căng thẳng tại Trung Đông bằng cách thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel cũng như giảm thiểu xung đột với Iran.
Để kiềm chế ảnh hưởng của Trunng Quốc, Mỹ cũng nỗ lực tăng cường sức ảnh hưởng của Ấn Độ bằng cách thiết lập hành lang kinh tế nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Hamas đã đột ngột cản trở những kế hoạch này của Mỹ.
Mỹ đã điều động biên đội tàu sân bay USS Gerald R. Ford đến Địa Trung Hải (Ảnh: Reuters).
Đầu tiên, vụ tập kích đã "đóng băng" tiến trình bình thường hóa quan hệ Israel và Ả Rập Xê Út, đồng thời ngăn cản việc thành lập một thỏa thuận an ninh khu vực.
Thứ hai, các cuộc tấn công cũng buộc Mỹ phải đảo ngược chính sách giảm hiện diện quân sự, thay vào đó là liên tục ban bố các lệnh tăng cường lực lượng lớn nhất kể từ cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL).
Với nỗ lực răn đe các bên nhằm giảm thiểu leo thang xung đột khu vực, Lầu Năm Góc đã triển khai hai tàu sân bay tới Trung Đông, cung cấp hơn 100 chiến đấu cơ cũng như nhiều tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm trang bị tên lửa Tomahawk.
Thứ ba, niềm hy vọng giảm căng thẳng trong quan hệ với Iran cũng đã chấm dứt. Chỉ một tháng trước, hai nước mới đạt được thỏa thuận về trao đổi tù nhân và giải phóng tài sản bị phong tỏa trị giá 6 tỷ USD của Iran. Thỏa thuận này cũng được kỳ vọng sẽ kiềm chế các lực lượng do Iran hậu thuẫn tại Syria và Iraq tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ.
Tuy nhiên, những diễn biến trong tuần qua cho thấy các nỗ lực này đã thất bại. Các nhóm vũ trang thân Iran ở Syria và Iraq đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ. Giới chức Washington ra tuyên bố lực lượng của họ ở phía bắc Biển Đỏ đã chặn các UAV và tên lửa do người Houthis phóng từ Yemen.
Tóm lại, tất cả những hệ quả từ vụ tấn công của Hamas đều tiềm ẩn nguy cơ kéo Mỹ vào một cuộc chiến tranh khu vực khác ở Trung Đông.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Ả Rập Xê Út và Iran
Cục diện xung đột rối ren khiến tình thế của chính phủ trong khu vực cũng không dễ chịu hơn.
Một mặt, Mỹ đang gây áp lực lên các đồng minh Ả Rập, các bên đang trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel, để lên án Hamas.
Mặt khác, việc Israel nóng giận trả đũa khiến dân thường Pakistan đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo đã gây ra làn sóng phẫn nộ tại các nước Ả Rập, họ liên tục gây sức ép buộc các chính phủ phải có hành động đoàn kết với người dân Palestine.
Theo ông Marwan Kabalan, Giám đốc Phân tích Chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Ả Rập, đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy sức nặng của dư luận đang đẩy các nhà lãnh đạo Ả Rập đi ngược lại mong muốn của Mỹ.
Trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 24/10, ngoại trưởng các quốc gia đồng minh của Mỹ, như Ai Cập, Jordan và Ả Rập Xê Út, đều chỉ trích các hành động của Israel và kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Một ngày sau, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Trung Quốc và Nga đồng loạt phủ quyết nghị quyết không kêu gọi ngừng giao tranh mà Mỹ đưa ra.
Hiện tại, các chính phủ Ả Rập thân Mỹ đang phải liên tục xoa dịu sự bất bình của cộng đồng trong nước. Tuy nhiên, nếu Israel không dừng tấn công Dải Gaza lại, việc lật ngược các thỏa thuận hòa bình không phải là điều không thể xảy đến.
Chính quyền Iran trước đó đã hoan nghênh cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas và phủ nhận mọi liên quan đến cuộc chiến. Tuy nhiên, gần đây, Tehran đang tỏ ra thận trọng hơn để vừa có thể ủng hộ Hamas, vừa không bị lôi kéo vào cuộc đối đầu trực tiếp với Israel và đồng minh thân cận của họ là Mỹ.
Tính toán của Nga và Trung Quốc
Việc Mỹ lún sâu vào cuộc chiến Trung Đông một lần nữa cộng với bối cảnh quan hệ giữa Washington với các đồng minh Ả Rập bị ảnh hưởng sẽ là cơ hội mang tính chiến lược đối với Nga và Trung Quốc.
Kể từ khi Mỹ xa rời Trung Đông và xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, áp lực lên Nga và Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Điều này có nghĩa là Moscow và Bắc Kinh muốn người Mỹ sẽ một lần nữa trở lại nơi họ từng bị kìm chân suốt hai thập niên qua.
Bên cạnh đó, đối với riêng Nga, việc Mỹ tăng cường cho mặt trận Trung Đông đồng nghĩa với việc có ít nguồn lực quân sự, tài chính và ngoại giao sẵn có để hỗ trợ cho Ukraine hơn. Tương tự đối với Trung Quốc, hàng loạt diễn đàn kinh tế và quân sự tại châu Á nhằm đối trọng với Trung Quốc do Washington dẫn đầu có khả năng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ngoài ra, với vai trò đồng minh và hỗ trợ Israel trong chiến dịch trả đũa vào Dải Gaza, uy tín của Mỹ trong khu vực sụt giảm nghiêm trọng, đồng thời mở ra chiều hướng tích cực cho quan hệ giữa Nga, Trung Quốc với các quốc gia Hồi giáo.
Nga, Trung Quốc đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, quy trách nhiệm cho Mỹ về cuộc xung đột leo thang gây mất mát lớn cho dân thường. Điều này đang đi ngược lại kế hoạch kiềm chế Trung Quốc, Nga ở Trung Đông, hay mở rộng quyền lực của Mỹ ở khu vực châu Á.
Hiện nay, dường như Mỹ đang giúp đối thủ củng cố vị thế ở Trung Đông và tự kiềm chế hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu của chính mình.
Nhìn chung, Mỹ đang gặp những bất lợi nhất định tại chiến trường Trung Đông. Thậm chí mặt trận này còn gây khó khăn cho Washington nhiều hơn khi phải đồng thời kiểm soát tình hình tại Ukraine lẫn kế hoạch dài hạn tại châu Á.
Bên trong là tình trạng hỗn loạn mới được ổn định không lâu của lưỡng viện, bên ngoài là sức ép từ đồng minh tới đối thủ, đây sẽ là bài toán nan giải cho chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện tại và cho bất cứ ai đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Mỹ vào 2024.
Theo An Hoàng/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/cuc-dien-toan-trung-dong-thay-doi-ra-sao-do-xung-dot-israel-hamas-20231031214154680.htm