Chiến dịch trên bộ của Israel vào Gaza có thể khiến các con tin gặp nguy hiểm nhiều hơn, chưa kể còn đe dọa thổi bùng xung đột ra toàn khu vực
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vừa thực hiện một cuộc đột kích trên bộ vào phía Bắc Gaza, diễn ra chớp nhoáng trong đêm 25, rạng sáng 26-10.
Theo tuyên bố của IDF ngày 26-10, cuộc đột kích do Lữ đoàn Givati thực hiện, nhắm vào nhiều mục tiêu của nhóm vũ trang Hamas, bao gồm cơ sở hạ tầng và các vị trí phóng tên lửa chống tăng, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.
Sau khi vượt biên giới và tiến hành chiến dịch trong đêm, xe tăng và bộ binh IDF nhanh chóng rút về lãnh thổ Israel.
Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 25-10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa khẳng định nước ông đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza, song không nêu thời gian. Ông Netanyahu thề sẽ tiêu diệt Hamas, cũng như bảo đảm sự trở về của khoảng 224 con tin đang bị giam giữ ở Gaza.
Hình ảnh xe tăng Israel đột kích xuyên biên giới Israel - Gaza được công bố ngày 26-10.Ảnh: REUTERS
Lời kêu gọi trao trả con tin cũng được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra vào cùng ngày, nhấn mạnh số con tin này bao gồm cả nhân viên y tế và tối đa 30 trẻ em.
Tuy nhiên, theo kênh Sky News, chiến dịch trên bộ của Israel vào Gaza có thể khiến các con tin gặp nguy hiểm nhiều hơn, chưa kể còn đe dọa thổi bùng xung đột ra toàn khu vực. Hamas chắc hẳn đã có sự chuẩn bị trong gần 3 tuần vừa qua.
Israel cũng đang đối mặt áp lực quốc tế ngày càng tăng trong việc chấm dứt các cuộc không kích tại Gaza. Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 25-10, nhiều nước đã kêu gọi ngừng bắn tại Gaza ngay lập tức dù vẫn bế tắc trong việc đưa ra một nghị quyết thống nhất.
Dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất gặp phải sự phủ quyết của Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, nghị quyết thứ hai do Nga hậu thuẫn chỉ giành được 4 sự ủng hộ - thấp hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu là 9 thành viên ủng hộ.
Theo UN News, các nghị quyết có điểm tương đồng là đều lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7-10 và kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày một tồi tệ ở Gaza, nơi nhiên liệu cho các bệnh viện và nhiều dịch vụ thiết yếu khác đang cạn kiệt.
Những khác biệt chính trong 2 nghị quyết là việc Mỹ ủng hộ "quyền tự vệ vốn có" của Israel, trong khi Nga kêu gọi Israel hủy bỏ lập tức lệnh sơ tán dân thường đến miền Nam Gaza.
Hôm 25-10, các cơ quan chính của LHQ ở Gaza cho biết họ sẽ phải dừng các hoạt động viện trợ trong một ngày nếu nhiên liệu không được chuyển giao. Các quan chức LHQ cũng cảnh báo số hàng viện trợ qua cửa khẩu từ phía Ai Cập chỉ là "giọt nước giữa đại dương".
Theo Liên minh Oxfam, số thực phẩm đến được Gaza kể từ khi cuộc bao vây bắt đầu (từ ngày 9-10) chỉ bằng 2% so với mức thông thường. Tính đến nay, cơ quan y tế Gaza cho biết đã có hơn 7.000 người Palestine thiệt mạng trong khi phía Israel là hơn 1.400 người.
Song song đó, phản ứng trước các tuyên bố của LHQ về vấn đề nhiên liệu ở Gaza, người phát ngôn IDF Jonathan Cornicus cho rằng Israel không hề muốn Gaza cạn kiệt nhiên liệu, điện nước. Theo ông Cornicus, bên trong Gaza vẫn có đủ nhiên liệu cho các bệnh viện và hệ thống bơm nước hoạt động nhiều ngày. Tuy nhiên, Hamas đã "tập trung tất cả nguồn nhiên liệu này cho xung đột, nên dân thường không có". |
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cang-thang-bao-trum-gaza-20231026215231648.htm