Đại sứ Palestine Abdel Hafiz Nofal nói rằng toàn bộ cộng đồng quốc tế phải gây áp lực để Israel tiến hành các cuộc đàm phán có ý nghĩa.
Các sĩ quan cảnh sát Israel sơ tán một phụ nữ và trẻ nhỏ khỏi địa điểm bị trúng tên lửa từ Gaza, ở Ashkelon, miền nam Israel hôm 7/10 (Ảnh: AP).
Ông Abdel Hafiz Nofal, đại sứ của chính quyền Palestine tại Nga, ngày 17/10 cho biết một hội nghị quốc tế nhằm cho phép Israel và Palestine tiến hành đàm phán giải pháp hai nhà nước, là niềm hy vọng lớn nhất để giảm bạo lực ở Trung Đông.
"Đó là cách duy nhất. Nếu không, cánh cổng địa ngục sẽ được mở ra", ông Nofal nói, đề cập đến đề xuất thành lập nhà nước Palestine từng được Liên hợp quốc tán thành.
"Chúng tôi không chống lại người Do Thái. Chúng tôi không chống lại nhà nước Israel. Chúng tôi tin rằng chúng ta phải chung sống với giải pháp hai nhà nước, nơi chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của mình", ông nói thêm.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13/10 cũng cho rằng giải pháp hai nhà nước là cách khả thi duy nhất để giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine hiện nay.
"Mục tiêu của các cuộc đàm phán phải là thực hiện công thức hai nhà nước của Liên hợp quốc, trong đó thành lập một nhà nước Palestine độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô, cùng tồn tại hòa bình và đảm bảo an ninh với Israel. Như chúng ta đã thấy, Israel đã bị tấn công tàn khốc chưa từng có. Tất nhiên, họ có quyền tự vệ. Đó là quyền cùng tồn tại hòa bình", ông Putin nói.
Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi các bên chấm dứt hành động khiến căng thẳng leo thang. Moscow lưu ý rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở công thức hai nhà nước được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua, trong đó quy định việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.
Các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột Israel - Palestine đến nay chủ yếu xoay quanh giải pháp hai nhà nước, nghĩa là Nhà nước Palestine độc lập tồn tại song song với Nhà nước Israel theo đường biên giới được quốc tế công nhận trước năm 1967.
Trước đây, các cuộc giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine ở Dải Gaza thường kết thúc sau vài ngày với nỗ lực hòa giải của Qatar, Ai Cập và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, mức độ giao tranh hiện nay cho thấy căng thẳng có thể leo thang nguy hiểm hơn nữa.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/10, Thủ tướng Israel tuyên bố xung đột sẽ không chấm dứt cho đến khi Israel phá hủy năng lực quân sự của lực lượng Hamas.
"Thủ tướng đã nói rõ rằng Israel đã bị tấn công bởi những kẻ tàn bạo, Israel đã quyết tâm tham chiến và đoàn kết, và sẽ không dừng lại cho đến khi phá hủy được năng lực kiểm soát và quân sự của Hamas", thông báo cho biết thêm.
Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ "xóa sổ" Hamas, thông qua quyết định ban bố tình trạng thời chiến và tuyên chiến với Hamas sau khi lực lượng này bất ngờ tấn công quy mô lớn vào Israel.
Các chiến binh Hamas đã phóng hàng nghìn rocket vào lãnh thổ Israel và nhanh chóng tràn vào các khu định cư giáp biên giới Gaza. Theo chính quyền Israel, cuộc tấn công ban đầu và các cuộc đụng độ tiếp theo giữa Hamas và Israel đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.400 người Israel, chủ yếu là dân thường.
Theo Bộ Y tế Palestine, Israel đã đáp trả bằng một chiến dịch ném bom lớn nhằm vào Gaza, khiến hơn 2.800 người thiệt mạng tại khu vực này. Israel đã huy động khoảng 360.000 quân dự bị như một phần của nỗ lực huy động và đã triển khai lực lượng đáng kể tới biên giới phía nam với Gaza, bao gồm xe tăng, xe bọc thép và pháo binh.
Theo Thành Đạt/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/palestine-neu-giai-phap-duy-nhat-cham-dut-xung-dot-voi-israel-20231018001515960.htm