Giới quan sát đánh giá cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan ngày 15-10 là cuộc bầu cử được theo dõi nhiều nhất châu Âu năm nay.
Lãnh đạo đảng cầm quyền PiS Jaroslaw Kaczynski - Ảnh: WALL STREET JOURNAL
Khoảng 29 triệu cử tri đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu bầu cử quốc hội mới của Ba Lan từ 7h đến 21h hôm nay 15-10 (giờ địa phương).
Theo đó, các cử tri Ba Lan sẽ bầu ra 460 ghế ở Hạ viện và 100 ghế ở Thượng viện. Kết quả sơ bộ sẽ được truyền thông địa phương công bố lúc 21h ngày 15-10, tức ngay sau khi đóng thùng phiếu. Tuy nhiên, kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố trong ngày 17-10.
Đáng chú ý, phía Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết hơn 600.000 người Ba Lan ở nước ngoài đã đăng ký bỏ phiếu, đẩy số phiếu bầu ở nước ngoài lên cao gấp ba lần so với năm 2015.
Truyền thông cũng như giới chuyên gia Mỹ và phương Tây đánh giá cuộc bầu cử này của Ba Lan là một trong những sự kiện có ảnh hưởng và quan trọng nhất châu Âu trong năm 2023.
Nguy cơ Ba Lan rời EU
Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy tỉ lệ ủng hộ hai đảng dẫn đầu là Đảng Law and Justice (PiS) cầm quyền và Đảng Civic Platform (PO) cách biệt không quá nhiều.
Đảng PiS, do cựu thủ tướng Jaroslaw Kaczynski dẫn dắt và lãnh đạo quốc hội từ năm 2015 đến nay, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò với 37% số phiếu.
Ngày 21-6 vừa qua, ông Kaczynski bất ngờ tuyên bố từ chức khi đang đảm nhận vị trí phó thủ tướng Ba Lan. Ông cũng cho biết Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mariusz Blaszczak sẽ là người thay thế mình đảm nhận vị trí phó thủ tướng kiêm chủ tịch Ủy ban An ninh Ba Lan.
Trong khi đó, Đảng PO của ông Donald Tusk, một cựu thủ tướng Ba Lan khác và là cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò với 30% số phiếu bầu.
Như vậy, các đảng nhỏ hơn có thể bắt tay với những đảng chiếm ưu thế để giành được đa số ghế trong quốc hội.
Hãng tin AP dự đoán Đảng PiS có lẽ sẽ cần phải "bắt tay" với một đảng cực hữu khác là Đảng Confederation để giành lấy đa số ghế ở quốc hội. Và "cái bắt tay" giữa hai đảng trên có thể sẽ đẩy Ba Lan tiến gần hơn đến khả năng Polexit, tức Ba Lan rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Đảng PiS có làm nên lịch sử?
Nếu Đảng PiS giành chiến thắng và tiếp tục lãnh đạo Ba Lan ba nhiệm kỳ liên tiếp thì đây sẽ là điều chưa từng có ở nước này kể từ năm 1989.
Vốn là đồng minh nhiệt thành với Ukraine từ những ngày đầu chiến sự hồi cuối tháng 2-2022, nhưng mối quan hệ này ngày càng xấu do những tranh cãi xoay quanh vấn đề ngũ cốc. Mối quan hệ giữa Warsaw và Kiev càng bế tắc hơn sau khi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố ngừng gửi vũ khí đến Kiev.
Ba Lan cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến sự ở Ukraine. Theo báo Wall Street Journal, Warsaw đã tiếp nhận hơn một triệu người tị nạn và người nông dân Ba Lan bị ảnh hưởng lớn khi nước này đối mặt với làn sóng hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine.
Trong bối cảnh đó, Đảng PiS đã xây dựng chiến dịch tranh cử của mình xoay quanh các vấn đề như hạn chế người di cư, tăng cường an ninh quốc gia, bảo vệ nền kinh tế, tăng phúc lợi xã hội và bảo vệ đời sống người dân ở vùng nông thôn.
Khả năng hàn gắn với EU?
Ông Donald Tusk, lãnh đạo đảng đối lập PO - Ảnh: WALL STREET JOURNAL
Trong khi đó, ông Tusk, chính trị gia thân châu Âu, thề sẽ khôi phục lại chế độ pháp quyền cũng như hàn gắn mối quan hệ với EU, vốn đã trở nên căng thẳng sau cuộc cải cách tư pháp của Đảng PiS hồi năm 2019.
Trở lại với vụ việc năm 2015, Đảng PiS đã nỗ lực thay đổi các thể chế pháp lý nhằm cải thiện hệ thống tư pháp Ba Lan.
Trái lại, Ủy ban châu Âu (EC) lại cho rằng cuộc cải cách tư pháp của Warsaw đi ngược lại với các nguyên tắc cơ bản của toàn khối, đe dọa xóa bỏ tính độc lập của hệ thống tư pháp và sự phân quyền ở Ba Lan.
Thậm chí sau đó EU quyết định phong tỏa hơn 35 tỉ euro từ quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 dành cho Ba Lan cũng do vấn đề cải cách ngành tư pháp.
Ông Marcin Duma, giám đốc điều hành IBRiS, cơ quan thăm dò độc lập có trụ sở tại Warsaw, nhận định cuộc bầu cử này là cả một câu chuyện về vấn đề an ninh, bảo vệ người dân trước nhiều mối nguy hiểm khác nhau, từ phương Tây và từ Nga và Belarus.
Theo Hãng tin Reuters, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức đồng thời với cuộc bầu cử trong ngày 15-10. Trong đó, các cử tri Ba Lan sẽ trả lời một số câu hỏi về những vấn đề "nóng hổi" trong xã hội nước này như tư nhân hóa tài sản nhà nước, tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, vấn đề biên giới với Belarus và vấn đề tiếp nhận dòng người di cư. Mặt khác, một số nhà phân tích cho rằng các nhà lập pháp thuộc Đảng PiS đang "lợi dụng" trưng cầu dân ý nhằm huy động cử tri bỏ phiếu cho mình trong cuộc bầu cử chính thức. |
https://tuoitre.vn/bau-cu-quoc-hoi-ba-lan-chau-au-nin-tho-cho-doi-20231015091523749.htm