Xung đột giữa Israel với lực lượng Hamas trở nên căng thẳng và khó lường, có thể gây nhiều tác động đến khu vực sau khi đã có hàng trăm người thiệt mạng.
Cuộc xung đột mới giữa Israel và lực lượng Hamas vẫn tiếp diễn trong hôm qua (8.10) sau khi Hamas tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào sáng sớm 7.10. Nhánh vũ trang của Hamas hôm qua thông báo các tay súng của họ vẫn đang đụng độ ác liệt ở một số địa điểm bên trong Israel, trong khi các chiến đấu cơ Israel tiếp tục tấn công Dải Gaza.
Hệ thống chống tên lửa Vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza ngày 8.10 Reuters
Đến tối qua, Cơ quan Y tế Gaza thông báo đã có 370 dân thường thiệt mạng và 2.200 người bị thương trong các cuộc không kích của Israel từ ngày 7.10, theo AFP. Trong khi đó, chính quyền Israel cho hay số người chết ở nước này sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas đã tăng lên hơn 600, hơn 2.000 người bị thương và trên 100 người đang bị phía Hamas giam giữ làm "tù nhân". Trước đó, một quan chức Israel nói rằng "hàng trăm thành phần khủng bố" đã bị tiêu diệt và hàng chục người bị bắt trong cuộc giao tranh với Hamas ở Gaza và miền nam Israel, theo AP.
Binh sĩ Israel ngày 8.10 tập trung xung quanh một đồn cảnh sát Israel bị hư hại trong cuộc tấn công ngày 7.10 của Hamas AFP
Cảnh báo từ hai bên
Trong lúc xung đột tiếp diễn, quân đội Israel hôm qua cho hay họ đặt mục tiêu sơ tán tất cả người Israel sống gần Gaza trong vòng 24 giờ sau khi triển khai hàng chục ngàn binh sĩ, theo AFP. "Chúng tôi sẽ tấn công Hamas mạnh mẽ và lâu dài", một phát ngôn viên của quân đội Israel nhấn mạnh. Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ "báo thù mạnh mẽ", nhưng thừa nhận cuộc chiến sẽ đầy khó khăn và kéo dài.
Trong khi đó, thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh cảnh báo cuộc tấn công bắt đầu ở Gaza sẽ lan sang Bờ Tây và Jerusalem, theo Reuters. Trong một bài phát biểu mới, ông Haniyeh nêu bật các mối đe dọa đối với đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa của Jerusalem, tình trạng Israel tiếp tục phong tỏa Gaza và việc Israel bình thường hóa quan hệ với các nước trong khu vực.
Lực lượng Phòng vệ Israel nói rằng trong cuộc tấn công mới, Hamas đã phóng khoảng 2.200 quả rốc két vào Israel, trong khi Hamas đưa ra con số là 5.000, theo CNN. Nhằm đáp trả cuộc tấn công mới từ Hamas, Israel đã phát động "Chiến dịch Thanh kiếm sắt", tấn công một số mục tiêu ở Gaza.
Hamas là một phong trào chính trị - quân sự của người Palestine ra đời vào năm 1987. Hamas cùng với Fatah là 2 tổ chức đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực thành lập một nhà nước độc lập của người Palestine trên những vùng lãnh thổ mà Israel hiện kiểm soát, bao gồm Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai tổ chức này lên đến đỉnh điểm vào năm 2007 khi Hamas giành quyền quản lý trên thực tế tại Gaza và Fatah vẫn giữ quyền kiểm soát Chính quyền Palestine (PA) ở Bờ Tây với đại diện là Tổng thống Mahmoud Abbas. Hamas bị Israel và nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ, xem là tổ chức khủng bố được Iran hậu thuẫn.
Tác động tiềm tàng
Israel và Hamas đã tấn công qua lại trong nhiều cuộc giao tranh kể từ năm 2006. Cuộc tấn công ngày 7.10 từ Gaza xảy ra sau nhiều tháng bạo lực gia tăng ở Bờ Tây, với nhiều cuộc đột kích của Israel cũng như nhiều cuộc tấn công trên phố của người Palestine, theo Reuters.
Giới phân tích lưu ý cuộc tấn công bất ngờ mới xảy ra trong bối cảnh Mỹ hậu thuẫn những động thái nhằm thúc đẩy Ả Rập Xê Út tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy một thỏa thuận quốc phòng giữa Washington và Riyadh. Thỏa thuận này sẽ ngăn cản việc Ả Rập Xê Út xích lại gần Iran.
Giới phân tích cho rằng khi tiến hành cuộc tấn công mới, Hamas cũng nhắm vào các nỗ lực "kết bè" an ninh mới ở khu vực có thể đe dọa tương lai nhà nước Palestine và các tham vọng của Iran, theo Reuters. Các quan chức Palestine và một nguồn tin trong khu vực cho hay những tay súng tấn công các thị trấn của Israel trong cuộc tấn công ngày 7.10 cũng đang đưa ra một thông điệp rằng người Palestine không thể bị bỏ qua nếu Israel muốn đảm bảo an ninh, và bất kỳ thỏa thuận nào của Ả Rập Xê Út cũng sẽ cản trở việc giảm căng thẳng với Iran. Trong đó, thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh cho rằng tất cả các thỏa thuận bình thường hóa do các quốc gia Ả Rập đã ký với Israel sẽ không giúp chấm dứt được xung đột ở khu vực.
Ngoài ra, một nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán Mỹ - Ả Rập Xê Út - Israel về việc bình thường hóa quan hệ Israel - Ả Rập Xê Út và hiệp ước quốc phòng cho Ả Rập Xê Út cho rằng Tel Aviv đã phạm sai lầm khi từ chối nhượng bộ người Palestine. Ông Dennis Ross, từng là nhà đàm phán về Trung Đông và đang làm việc tại Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ), cho rằng cuộc tấn công của Hamas hôm 7.10 là "nhằm ngăn chặn đột phá giữa Mỹ - Ả Rập Xê Út - Israel", theo Reuters.
Lược đồ xung đột Israel - Hamas Nguồn: Haaretz, BBC, Reuters
VN quan ngại sâu sắcNgày 8.10, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của VN trước tình hình xung đột leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: VN quan tâm, theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel. "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán để giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình", bà Hằng khẳng định. Bộ Ngoại giao cũng đã khuyến cáo công dân VN tạm thời không tới các khu vực xảy ra xung đột giữa Israel và Palestine, theo dõi sát tình hình và chủ động đảm bảo an ninh, an toàn. Đậu Tiến Đạt |
Phản ứng các nướcCác nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã lên án cuộc tấn công của Hamas. Phát biểu trên truyền hình ngày 7.10, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Israel có quyền tự vệ, đồng thời cảnh báo với các nước "thù địch với Israel". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với người đồng cấp các nước Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, kêu gọi phối hợp ngăn chặn các cuộc tấn công của Hamas, theo tờ The Wall Street Journal. Ông Blinken cũng điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, kêu gọi nhà lãnh đạo tiếp tục nỗ lực khôi phục sự ổn định. Hãng thông tấn WAFA dẫn lời ông Abbas nói rằng người dân Palestine có quyền tự vệ trước "sự khủng bố của dân định cư và quân chiếm đóng". Các nước Kuwait và Qatar quy trách nhiệm cho Israel về tình hình hiện tại. Yahya Rahim Safavi, cố vấn của Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei, đã chúc mừng các tay súng Hamas, theo hãng tin ISNA. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng như Nhật Bản, Canada đều lên án Hamas bằng những ngôn từ mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì kêu gọi các bên liên quan "lập tức chấm dứt mọi hành động thù địch". Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết Moscow đã liên lạc với Israel, Palestine và các nước Ả Rập để thảo luận về xung đột, đồng thời kêu gọi kiềm chế. Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập cũng đưa ra thông điệp tương tự, trong khi Ả Rập Xê Út kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức". Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về hòa bình Trung Đông Tor Wennesland nói tình hình hiện nay là "vực thẳm nguy hiểm" và kêu gọi "tất cả các bên rút khỏi bờ vực". Lam Vũ |
Theo Văn Khoa/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/kho-luong-xung-dot-israel-hamas-185231009000751527.htm