Khi căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn âm ỉ, một vấn đề căng thẳng khác lại nổi lên giữa hai quốc gia láng giềng: tài nguyên nước.
Một con đường dẫn đến Đường kiểm soát thực tế, biên giới tranh chấp Trung -Ấn ở Tawang, Arunachal Pradesh (Ảnh: AP).
New Delhi đang khôi phục 12 dự án thủy điện dọc biên giới, trong khi một con đập của Trung Quốc đang được xây dựng trên sông Yarlung Tsangpo chảy qua khu vực Tây Tạng (hay còn gọi là Zangbo của Tây Tạng). Thượng nguồn của con sông này xuyên biên giới Brahmaputra thoát ra khỏi vùng cao hơn của dãy Himalaya thông qua các hẻm núi lớn để đến được khu vực đông bắc Ấn Độ và Bangladesh.
Dự án các đập mới của Ấn Độ sẽ có chi phí 15,3 tỷ USD và dự kiến sẽ tạo ra tổng công suất 11.517 MW năng lượng. Chúng sẽ được xây dựng ở bang Arunachal Pradesh, khu vực Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố chủ quyền, kể cả trong năm nay.
Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới trên thực tế đang tranh chấp dài 3.440km, được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC). Hôm 28/8, vài ngày sau khi New Delhi thông báo sẽ khôi phục các dự án đập, Bắc Kinh đã công bố các bản đồ mới cho thấy một phần bang Arunachal Pradesh cũng như toàn bộ khu vực vùng biên giới Aksai Chin là của họ.
Aksai Chin hầu hết do Trung Quốc kiểm soát, nhưng Ấn Độ tuyên bố đây là một phần của khu vực Kashmir. Trung Quốc cũng từng tuyên bố toàn bộ bang Arunachal Pradesh là của mình.
Các dự án thủy điện của Ấn Độ đã được giao cho các công ty tư nhân xây dựng "khoảng 15 năm trước nhưng vẫn chưa khởi công vì nhiều lý do", thông báo hôm 12/8 của chính phủ nước này cho biết.
Theo các nguồn tin, ban đầu các dự án đã không thành công vì vấn đề tài chính, nhưng New Delhi hiện đã quyết định cuối cùng sẽ xây dựng chúng. Động thái này là nỗ lực mới nhất và lớn nhất của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng ở khu vực tranh chấp vào thời điểm quan hệ với Trung Quốc căng thẳng.
Hồi tháng 3, chính quyền Thủ tướng Modi đã phê duyệt kế hoạch xây dựng cái mà họ gọi là "cơ sở thủy điện lớn nhất đất nước" trên sông Dibang - một nhánh của sông Brahmaputra ở Arunachal Pradesh - với chi phí gần 4 tỷ USD.
Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch cho một dự án thủy điện trị giá 14,5 tỷ USD tại thị trấn nhỏ Yingkiong của bang, cách biên giới nước này với Trung Quốc khoảng 200km.
Mục đích là tạo ra công suất khổng lồ lên đến 10 gigawatt trong một dự án được truyền thông Ấn Độ mô tả là trọng tâm nhằm đối phó kế hoạch chuyển dòng nước đầy tham vọng của Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, nỗ lực thúc đẩy chiến lược thủy điện quy mô lớn của Ấn Độ không chỉ phù hợp với khát vọng phát triển của quốc gia mà còn là cách để củng cố các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.
Việc Trung Quốc không ngừng xây dựng đập dọc sông Yarlung Tsangpo đã khiến Ấn Độ lo ngại trong nhiều năm qua.
Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, giai đoạn 2011-2015, Trung Quốc đã lên kế hoạch phát triển thêm 3 dự án thủy điện "trên dòng chính" sông Brahmaputra của Tây Tạng, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Một bài báo năm 2023 của Viện nghiên cứu Lowy cho biết, 11 con đập của Trung Quốc đã được xây dựng hoặc đang được lên kế hoạch xây dựng trên sông Brahmaputra.
Mặc dù thông tin chi tiết về vị trí của dự án mới vẫn chưa được tiết lộ, nhưng các dấu hiệu cho thấy các dự án này hướng tới "Great Bend", một khu vực then chốt cách biên giới Ấn Độ vài km về phía thượng lưu, nơi con sông nêu trên quay ngoặt về phía Nam để tiến vào bang Arunachal Pradesh ở Đông Bắc Ấn Độ.
Các chuyên gia Ấn Độ lo ngại tác động của dự án này đối với an ninh lương thực và nguồn nước.
Phó giáo sư Medha Bisht tại Đại học Nam Á ở New Delhi cho biết, các con đập đã được xây dựng trên Yarlung Zangbo ở Tây Tạng trong 2 thập niên qua. Theo ông, điều lo ngại là Trung Quốc hiện tập trung vào các đoạn hạ lưu của dòng sông, nơi "có thể gây tổn thất về mặt sinh thái và chiến lược".
Điều khiến những lo ngại này trở nên trầm trọng hơn tại Ấn Độ là việc thiếu hiệp ước chia sẻ nguồn nước với Trung Quốc.
Ông Opangmeren Jamir, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar ở New Delhi, cho biết toàn bộ bang Arunachal Pradesh, nơi con sông Yarlung Tsangpo chảy qua, hiện đang rơi vào tranh chấp giữa hai nước.
"Do đó, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ rất khó đạt được thỏa thuận về chia sẻ nguồn nước ở khu vực này", chuyên gia này nhận định.
Cả hai nước từ trước đến nay đều dựa vào một bản ghi nhớ vào năm 2002, trong đó bắt buộc Trung Quốc phải cung cấp thông tin thủy văn về dòng sông trong mùa lũ. Tuy nhiên, hiệp ước được gia hạn 5 năm một lần đã hết hạn hồi tháng 6. Trên trang web, Bộ Tài nguyên Nước Ấn Độ cho biết, cho đến nay, thỏa thuận vẫn chưa được gia hạn.
Việc thiếu một hiệp ước chính thức để lại một khoảng trống bấp bênh, khi các chuyên gia cho rằng, các thỏa thuận không chính thức là không đủ trong thời điểm căng thẳng ngoại giao leo thang hiện nay giữa hai nước.
Những rủi ro liên quan đến việc chỉ dựa vào một bản ghi nhớ như thế là điều đã được minh chứng rõ nét trong thực tế.
Năm 2017, Trung Quốc đã ngừng chia sẻ dữ liệu dòng nước về mực nước lũ ở Yarlung Zangbo trong thời kỳ căng thẳng gia tăng, khi cả hai nước xảy ra xung đột quân sự kéo dài 72 ngày tại ngã ba Doklam giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.
Trong khi Bắc Kinh khẳng định không chia sẻ dữ liệu trên vì lý do kỹ thuật, New Delhi lại xem đây là dấu hiệu cho thấy nguồn nước có thể được sử dụng làm "vũ khí" nếu xảy ra các cuộc xung đột trong tương lai.
Theo Thanh Thành/Dân trí (nguồn SCMP)
https://dantri.com.vn/the-gioi/trung-an-cang-thang-vi-chuyen-nguon-nuoc-20230904210218830.htm