Sau gần 4 thập niên chèo lái đất nước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã để lại di sản trong nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp kinh tế quốc gia chuyển mình.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (Ảnh: Reuters).
Ngày 26/7, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố sẽ từ chức, chấm dứt gần 40 năm lãnh đạo đất nước. Ông cũng tin tưởng con trai Hun Manet xứng đáng trở thành người kế nhiệm sau khi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5.
Theo kết quả công bố của Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia, tại cuộc bầu cử quốc hội khóa VII diễn ra ngày 23/7 vừa qua, có 125 ứng viên trúng cử nghị sĩ. Trong đó, có 120 nghị sĩ là ứng viên của CPP và 5 nghị sĩ là ứng cử viên của đảng Bảo hoàng Funcinpec.
Ngày 7/8, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã thông qua sắc lệnh hoàng gia, bổ nhiệm Tiến sĩ Hun Manet, 45 tuổi, làm thủ tướng Campuchia nhiệm kỳ mới.
Quốc hội Campuchia khóa VII dự kiến họp phiên đầu tiên và tiến hành kỳ họp thứ nhất vào ngày 21-22/8.
Nếu được quốc hội Campuchia tín nhiệm thông qua, ông Hun Manet sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Campuchia ngay trong ngày 22/8, kế nhiệm cha mình. Điều này sẽ khép lại gần 4 thập niên lãnh đạo đất nước của ông Hun Sen.
Trong gần 40 năm chèo lái đất nước, Thủ tướng Hun Sen đã ghi lại những dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực khác nhau cả về chính trị, kinh tế, xã hội và đối ngoại.
Ông Hun Sen nhậm chức thủ tướng Campuchia vào tháng 1/1985, sau khi trải qua các chức vụ ngoại trưởng và phó thủ tướng. Ở tuổi 32, ông là nguyên thủ trẻ nhất thế giới thời điểm đó.
Năm 2019, khi nhìn lại chặng đường chèo lái đất nước, ông Hun Sen nói Campuchia đã trải qua hơn hai thập niên hòa bình và ổn định. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Hong Kong Phoenix TV mới đây, ông Hun Sen đã nêu ra 3 thành tựu chính trong gần 40 năm chèo lái đất nước của mình, trong đó đề cập đến thành tựu chuyển đổi nền kinh tế quốc gia.
Chuyển đổi kinh tế
Vào cuối những năm 1980, sau khi nhậm chức, ông Hun Sen đã tiến hành các cải cách kinh tế, giúp Campuchia vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử.
Một trong những bước ngoặt quan trọng nhất là việc chính quyền Thủ tướng Hun Sen quyết định chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường tự do. Mục tiêu của ông là đưa Campuchia trở thành quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050.
Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen không ngừng nỗ lực đa dạng hóa các đối tác kinh tế và chiến lược trong khi tiếp tục củng cố mối quan hệ với Trung Quốc - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Campuchia. Trung Quốc hiện là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và hỗ trợ phát triển lớn nhất của Campuchia.
Từ năm 1998-2019, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen, tăng trưởng GDP của Campuchia đạt trung bình 7,7%/năm, giúp Campuchia trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
GDP bình quân đầu người của Campuchia liên tục tăng (Nguồn: Statista).
Tỷ lệ nợ công trên GDP của Campuchia (Nguồn: Statista).
Tăng trưởng kinh tế ấn tượng đã đưa Campuchia từ một nước thuộc nhóm thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình thấp từ năm 2015. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Campuchia sẽ trở thành quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2030.
Sau gần 4 thập niên, GDP của Campuchia tăng từ hơn 2,8 tỷ USD năm 1995 lên ước tính gần 31 tỷ USD năm 2023, xếp thứ 109 thế giới. Trong đó các ngành du lịch, dệt may, xây dựng và bất động sản, ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn.
Tỷ lệ nợ công trên GDP hiện chưa đến 40%. Do đó, các tổ chức tài chính như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Campuchia an toàn về tài chính trong trung hạn.
Theo số liệu thống kê trên trang Statista, GDP bình quân đầu người năm 2023 của Campuchia là 1.900 USD, đứng thứ 151 thế giới. Con số này liên tục tăng kể từ những năm 1990 và được dự đoán đạt hơn 2.600 USD vào năm 2028. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Campuchia luôn duy trì ở mức gần 0% đến 1%.
"IMF dự báo Campuchia sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực vào năm 2025. Vương quốc này có tỷ lệ thất nghiệp gần như bằng 0 và đang tạo ra nhiều việc làm tốt hơn với thu nhập ngày càng tăng", Anthony Galliano, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), nói với Khmer Times.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Campuchia gần ở mức 0% (Nguồn: Statista).
Việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 cũng là một trong những thành tựu đáng chú ý của Campuchia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen. Tuy không dồi dào nguồn lực như các quốc gia phát triển, nhưng Campuchia vẫn kiểm soát tốt đại dịch và nhanh chóng mở cửa phục hồi kinh tế.
Kinh tế Campuchia phục hồi khá nhanh sau đại dịch nhờ những chính sách đúng đắn như chiến lược "Sống chung với Covid-19" vào cuối năm 2021.
Những lợi thế này cùng với chính sách ưu đãi đầu tư giúp Campuchia trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á.
Thế hệ tiếp nối
Đại tướng Hun Manet, con trai cả của Thủ tướng Hun Sen (Ảnh: AFP).
Sau gần 40 năm chèo lái đất nước, ông Hun Sen cho rằng đã đến lúc trao lại vai trò này cho thế hệ trẻ. Con trai cả Hun Manet đang đứng trước cơ hội lớn để tiếp nối di sản của cha và tạo nên dấu ấn của riêng mình.
Ông Hun Manet, 46 tuổi, là Phó tổng tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia và Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia. Ông được Quốc vương phong hàm đại tướng hôm 17/3.
Ông là người Campuchia đầu tiên học ở Học viện quân sự Mỹ West Point. Ông cũng có bằng thạc sĩ kinh tế Đại học New York và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol.
Nền tảng học vấn từ phương Tây của ông Hun Manet được kỳ vọng mang lại "làn gió mới" ở Campuchia. Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng, ông Hun Manet về cơ bản sẽ tiếp nối những chính sách của cha.
Điều ông có thể làm là đẩy mạnh nỗ lực hội nhập quốc tế của Campuchia thông qua thu đầu tư nước ngoài, đàm phán hiệp định tự do thương mại, cải cách thể chế và tăng cường sự tham gia của người trẻ vào quá trình phát triển kinh tế.
"Ông Hun Manet quan tâm đến việc làm thế nào để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, làm thế nào để nâng cao hình ảnh của đất nước trước các nhà đầu tư quốc tế", Anthony Galliano, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Campuchia, nhận định.
Về chính trị, dù được đào tạo ở phương Tây, nhưng ông Hun Manet có thể duy trì lập trường của cha mình. Dưới thời ông, CPP được cho là sẽ tiếp tục củng cố vị thế với các cử tri, đồng thời tích cực thu hút, tăng cường sự ủng hộ từ cộng đồng người Campuchia ở nước ngoài.
Về đối ngoại, dù có thể mang tới cách tiếp cận mới trong một số vấn đề, ông Hun Manet được tin sẽ bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của CPP.
Phát biểu tại một sự kiện hồi tháng 4 sau khi được đề cử làm ứng viên nghị sĩ, ông Hun Manet nói, chính sách đối ngoại tương lai của chính phủ Campuchia vẫn sẽ là bạn với tất cả các nước. Ông khẳng định chính phủ do CPP lãnh đạo tuân thủ lập trường có lợi cho người dân.
"Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để xây dựng quan hệ với tất cả các quốc gia trên thế giới nhằm phục vụ lợi ích của quốc gia và nhân dân Campuchia", Tướng Hun Manet nhấn mạnh, đồng thời nhắc lại rằng lập trường của Campuchia là trung lập.
Trả lời câu hỏi liệu Campuchia nghiêng về Trung Quốc hay về phương Tây hơn, ông cho biết, Campuchia củng cố quan hệ với các quốc gia khác bao gồm cả Trung Quốc và phương Tây. Tướng Hun Manet cho rằng nếu phụ thuộc vào một quốc gia và phớt lờ những quốc gia khác, Campuchia sẽ phải đối mặt với những hậu quả.
"Campuchia có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và các nước khác. Đây là chính sách đối ngoại của chính phủ Campuchia. Chúng tôi muốn như thế. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng chính sách này trong thời gian tới", báo Khmer Times dẫn lời ông Hun Manet.
Theo Minh Phương/Dân trí (nguồn Khmer Times)
https://dantri.com.vn/the-gioi/campuchia-va-nhung-di-san-kinh-te-duoi-su-cheo-lai-cua-thu-tuong-hun-sen-20230806151502112.htm