Tòa án Hiến pháp Thái Lan từ chối thụ lý vụ kiện liên quan tới nỗ lực bất thành của ông Pita Limjaroenrat, dọn đường cho cuộc bỏ phiếu lãnh đạo mới trong quốc hội.
Lãnh đạo đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat (giữa) rời khỏi Quốc hội Thái Lan tại Bangkok vào ngày 4/7 (Ảnh: Reuters).
"Tòa án Hiến pháp nhất trí không thụ lý vụ việc để xét xử", AFP dẫn tuyên bố ngày 16/8 từ tòa án.
Phán quyết đưa Thái Lan tiến thêm một bước tới mục tiêu chấm dứt bế tắc chính trị kể từ sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5.
Chiều 16/8, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha thông báo cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 22/8.
Đảng Tiến bước (MFP) của ông Pita giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử tháng 5 và được ưu tiên lập chính phủ. Tuy nhiên, ông Pita đã không thể trở thành thủ tướng Thái Lan do vấp phải sự phản đối từ các nhóm bảo thủ và thân quân đội.
Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên tại Quốc hội, ông Pita không gom đủ phiếu. Tới vòng bỏ phiếu thứ 2 vào hôm 19/7, Quốc hội Thái Lan tước tư cách ứng viên thủ tướng của ông Pita với căn cứ ông đã thất bại lần đầu.
Vụ kiện vừa bị tòa án bác bỏ ngày 16/8 xoay quanh vấn đề tính hợp hiến của việc Quốc hội Thái Lan không công nhận tư cách ứng viên thủ tướng của ông Pita trong vòng bỏ phiếu thứ hai.
Hiện tới lượt đảng Pheu Thai của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, đứng thứ 2 trong cuộc bầu cử tháng 5, cố gắng tạo chính phủ liên minh mà không có sự tham gia của MFP.
Pheu Thai sẽ đề cử ông trùm kinh doanh Srettha Thavisin làm thủ tướng, tin tưởng rằng ông sẽ nhận đủ số phiếu.
Để trở thành thủ tướng Thái Lan, ứng viên phải được đa số chấp thuận ở cả 2 viện của Quốc hội - vốn gồm 500 hạ nghị sĩ được bầu và 250 thượng nghị sĩ được chính quyền trước chỉ định.
Theo Quốc Đạt/Dân trí (nguồn AFP, Reuters)
https://dantri.com.vn/the-gioi/ong-pita-cua-dang-tien-buoc-het-hy-vong-tro-thanh-thu-tuong-thai-lan-20230816195412224.htm