Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov sẽ đại diện Nga tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, dự kiến diễn ra tại Nam Phi vào tháng 8.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi vào tháng 8 tới.
Thông tin trên do Văn phòng Tổng thống Nam Phi công bố ngày 19-7, theo trang tin Bloomberg. Nguồn tin cho biết "theo thỏa thuận chung", Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov sẽ đại diện Nga tham dự hội nghị nêu trên.
Nam Phi đang là quốc gia giữ vai trò chủ tịch BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi, gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi). Theo kế hoạch, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sẽ được tổ chức tại TP Johannesburg từ ngày 22 đến 24-8.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong một cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Nam Phi những ngày qua ở trong thế tiến thoái lưỡng nan khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hồi tháng 3 ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Putin với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine. Là một bên ký kết hiệp ước thành lập ICC nên về nguyên tắc, Nam Phi phải có nghĩa vụ thực thi mệnh lệnh đó.
Chính vì điều này mà Phó Tổng thống Nam Phi Paul Mashatile từng lên tiếng muốn ông Putin không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS. Nga ban đầu từ chối đề nghị này.
"Chúng tôi hiểu rằng Nam Phi chịu ràng buộc bởi Quy chế Rome nhưng chúng tôi không thể mời ai đó tới nhà rồi bắt họ theo lệnh của ICC. Mong phía bạn có thể hiểu cho tình thế khó xử của chúng tôi. Chúng tôi sẽ rất mừng nếu Tổng thống Vladimir Putin không đến tham dự Thượng đỉnh BRICS" - ông Mashatile nói với trang tin News24 hôm 14-7, đồng thời nhấn mạnh đây "sẽ là giải pháp tốt nhất".
Nam Phi trước đó cũng đã tìm các giải pháp khác thay thế, bao gồm chuyển Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sang Trung Quốc, tổ chức trực tuyến hoặc để Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov thay mặt Tổng thống Putin dự hội nghị.
Phía chủ nhà BRICS cũng từng nhấn mạnh rằng việc bắt giữ Tổng thống Putin chẳng khác nào là lời tuyên chiến với Nga.
Kể từ khi ICC ban hành lệnh bắt giữ cho tới nay, nhà lãnh đạo nước Nga vẫn chưa tới bất cứ quốc gia nào ký kết Quy chế Rome.
Nam Phi từng gặp vấn đề tương tự vào năm 2015. Khi đó, nước này không bắt giữ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đến thăm dù nhà lãnh đạo này bị ICC truy nã với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng.
Theo Bằng Hưng/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nam-phi-thong-bao-tong-thong-putin-khong-den-hoi-nghi-brics-20230719185215591.htm