24
/
150072
Những "mặt trận" gây căng thẳng âm ỉ giữa Nga và NATO
nhung-mat-tran-gay-cang-thang-am-i-giua-nga-va-nato
news

Những "mặt trận" gây căng thẳng âm ỉ giữa Nga và NATO

Chủ nhật, 09/07/2023 | 08:43:00
2,200 lượt xem

Ngoài Ukraine, căng thẳng Nga - NATO đang âm ỉ ở nhiều mặt trận khác, khiến mỗi bên phải đưa ra những tính toán chiến lược trước các diễn biến nóng mới.

Những "mặt trận" gây căng thẳng âm ỉ giữa Nga và NATO

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, căng thẳng giữa khối liên minh quân sự NATO và Moscow không ngừng leo thang. Tuy nhiên, đây không phải là "bàn cờ" duy nhất, nơi các nhà lãnh đạo quân sự của Nga và NATO đưa ra những hoạch định về nước đi chiến lược. Ở một số "mặt trận" khác, 2 lực lượng quân sự hùng mạnh hàng đầu thế giới cũng đang chứng kiến những diễn biến có thể làm leo thang căng thẳng.

Điểm nóng Bắc Cực

Giới quan sát nhận định, vùng đất lạnh giá Bắc Cực đang chứng kiến cạnh tranh ngày càng nóng lên giữa Nga và NATO.

Những mặt trận gây căng thẳng âm ỉ giữa Nga và NATO - 1

Các binh sĩ NATO tham gia cuộc tập trận "Cold Response" ở Bắc Cực năm ngoái (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Năm ngoái, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường an ninh dọc theo sườn phía bắc của liên minh để đối phó Nga: "Khu vực Bắc Cực quan trọng về mặt chiến lược với an ninh của châu Âu - Đại Tây Dương".

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Hiện thời, Phần Lan đã được kết nạp. Nếu Thụy Điển được các nước trong liên minh đồng thuận tham gia thì 7/8 nước Bắc Cực sẽ là thành viên NATO, trừ Nga.

Ông Stoltenberg thừa nhận, năng lực của Nga ở Bắc Cực là "thách thức chiến lược cho toàn bộ liên minh". NATO cáo buộc Nga trong thời gian qua gia tăng hoạt động xây dựng quân sự ở khu vực này, bao gồm mở "hàng trăm cơ sở quân sự ở Bắc Cực" và "thử nghiệm các loại vũ khí tiên tiến nhất bao gồm tên lửa siêu vượt âm".

Nga, nước có phần đất liền phía đông chỉ cách bờ biển Alaska 88km qua eo biển Bering, trong nhiều năm đã ưu tiên mở rộng sự hiện diện ở Bắc Cực bằng cách sửa chữa lại các sân bay, xây thêm căn cứ, huấn luyện quân đội và phát triển mạng lưới hệ thống phòng thủ quân sự ở biên giới phía bắc.

Ngoài ra, NATO cũng lo ngại về việc Trung Quốc có thể tiếp cận Bắc Cực để vận chuyển và thăm dò tài nguyên, với kế hoạch xây dựng hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới.

Moscow và Bắc Kinh đã gia tăng hoạt động hợp tác trong thời gian qua, trong bối cảnh phương Tây tìm cách cô lập Nga về mặt kinh tế, ngoại giao do chiến sự ở Ukraine.

Cả Nga và Trung Quốc đã cam kết tăng cường hợp tác chiến lược ở Bắc Cực khiến NATO lo diễn biến này có thể ảnh hưởng tới các giá trị và lợi ích của phương Tây.

Những mặt trận gây căng thẳng âm ỉ giữa Nga và NATO - 2

Một căn cứ không quân Nga ở Bắc Cực (Ảnh: Quân đội Nga).

Mặt khác, biến đổi khí hậu đang làm cho Bắc Cực trở nên quan trọng hơn vì băng đang tan và khu vực trở nên dễ tiếp cận hơn cho cả hoạt động kinh tế và hoạt động quân sự.

Một ví dụ rõ ràng nhất là khi khí hậu ấm lên, băng trong khu vực đang tan ra khiến diện tích bao phủ thu hẹp lại, các nguồn cá có giá trị đang di chuyển về phía bắc, trong khi khoáng sản quý hiếm và trữ lượng nhiên liệu hóa thạch đáng kể của Bắc Cực đang trở thành mục tiêu thăm dò ngày càng tăng của các bên.

Nga nhiều lần tuyên bố có ý định kiểm soát Tuyến đường Biển phương Bắc ngoài khơi bờ biển phía bắc, một tuyến đường rút ngắn đáng kể khoảng cách vận chuyển giữa Trung Quốc và Bắc Âu. Mỹ cáo buộc Nga đang yêu cầu các quốc gia khác phải xin phép khi đi qua khu vực này và cảnh báo sử dụng biện pháp quân sự với những tàu không tuân thủ.

Nga cũng có những lo ngại ngày càng lớn về Bắc Cực.

Trong một bài viết do Trung tâm Wilson (Mỹ) đăng tải, các chuyên gia Robin Forsberg, Aku-M Kähkönen & Jason C. Moyer, nhận định rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ giúp liên minh tăng cường sức mạnh ở Bắc Âu và Bắc Cực. Đây rõ ràng là điều mà Nga không muốn xảy ra. Phần Lan vào NATO đã khiến biên giới đất liền giữa Nga và khối liên minh tăng lên gấp đôi và đặt tham vọng ở Bắc Cực của Moscow đối mặt với thách thức lớn.

Những mặt trận gây căng thẳng âm ỉ giữa Nga và NATO - 3

Cục diện Bắc Cực trước khi Phần Lan, Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO. Nếu Thụy Điển theo chân Phần Lan vào khối liên minh quân sự, Nga sẽ là quốc gia Bắc Cực duy nhất không nằm trong NATO (Ảnh: AP).

Nga - nước có bờ biển chiếm 53% đường bờ biển Bắc Băng Dương - có lợi ích thương mại và cơ sở hạ tầng quân sự chiến lược ở Bắc Cực, vì khu vực này có các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng phong phú vốn là xương sống của nền kinh tế Nga. Bảo vệ lợi ích quan trọng ở khu vực này là một trong những ưu tiên của Nga khi Moscow coi đây là "sân nhà" của họ. 

Theo công ty tư vấn Geopolitical Intelligence Services, Nga có chương trình quân sự đầy tham vọng ở Bắc Cực như nâng cấp hàng loạt căn cứ, lập lữ đoàn Bắc Cực có nhiệm vụ đặc biệt, bổ sung tàu ngầm tên lửa đạn đạo hiện đại, thử nghiệm hệ thống vũ khí hải quân mới và mở rộng đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân.

NATO cũng đang dồn dập tăng cường năng lực quân sự ở Bắc Cực do lo ngại đây sẽ là điểm nóng cạnh tranh chiến lược mới. Họ bắt đầu nâng cấp hàng loạt căn cứ tại khu vực, đồng thời tổ chức diễn tập thường xuyên để nâng cao khả năng tác chiến, sẵn sàng ứng phó với mọi kịch bản và tình huống. 

Một điều đáng lo ngại chính là việc các nước Hội đồng Bắc Cực đang gián đoạn đáng kể hoạt động ngoại giao, hợp tác do tình hình chiến sự căng thẳng. Những hoạt động hợp tác kinh tế, ví dụ như về mặt năng lượng ở Bắc Cực có thể giảm thiểu nguy cơ các bên tính toán sai lầm, và không biến khu vực thành một "đấu trường quân sự".

Tuy nhiên, mọi thứ giờ đây đã khác khi căng thẳng Nga - NATO leo thang vì chiến sự ở Ukraine và khiến cho khu vực này đối diện với nguy cơ trở thành thùng thuốc súng mới. 

Biển Baltic thành "hồ của NATO"?

Biển Baltic dài 1.601km và có chiều rộng tối đa chỉ 193km với tổng diện tích bề mặt là 377.000km2 và độ sâu trung bình là 55m.

Có 9 quốc gia giáp Biển Baltic và 7 quốc gia hiện là thành viên NATO, bao gồm Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Đức. Một quốc gia khác, Thụy Điển, đang xin gia nhập NATO.

Nga cũng có lãnh thổ ven biển giáp Biển Baltic, trong khi các nước Baltic Estonia, Latvia và Lithuania từng là một phần của Liên Xô cũ.

Những mặt trận gây căng thẳng âm ỉ giữa Nga và NATO - 4

Chiến hạm Nga neo đậu trong một khu vực ở Kaliningrad (Ảnh: Reuters).

Theo chuyên gia quân sự Peter Suciu, biển Baltic có thể nhỏ về mặt diện tích so với các đại dương trên thế giới, nhưng nơi đây từ lâu đã trở thành mục tiêu tranh chấp gay gắt. Nhiều cuộc chiến quyết liệt từng xảy ra ở khu vực này.

Trong thời gian qua, NATO và Nga đều liên tục tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn tại đây, khiến biển Baltic trở thành điểm nóng đầy rủi ro.

Gần đây nhất, ngày 5/6, Nga thông báo đưa 40 chiến hạm, 25 máy bay, 500 khí tài cơ giới, 3.500 binh sĩ tham gia cuộc tập trận để bảo vệ tuyến hàng hải và căn cứ hạm đội. Trước đó một ngày, NATO bắt đầu tập trận BALTOPS 23, với sự tham gia của 19 nước thành viên liên minh, sử dụng 50 tàu chiến, 45 máy bay và 6.000 quân nhân.

Với Nga, biển Baltic có vai trò quan trọng chiến lược. Moscow đặt trụ sở Hạm đội biển Baltic tại Kalingrad - một trong 46 khu vực hành chính của Nga, nhưng nằm tách biệt với các vùng khác của đất nước.

Kaliningrad là vùng lãnh thổ của tầm quan trọng to lớn vì nó được ví như "tàu sân bay không thể chìm" của Nga giữa lòng NATO. Là một siêu căn cứ quân sự, khu vực này có ý nghĩa chiến lược và là khu vực quan trọng với Nga trong việc hình thành khu vực chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2AD) của họ tại khu vực Biển Baltic.

Ngoài ra, Kaliningrad cũng giáp hành lang Suwalki dài 60km, nối Ba Lan với các nước vùng Baltic. Đây được xem là khu vực dễ tổn thương của NATO. Nếu căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang, quân đội và khí tài Nga hiện diện hùng hậu giữa lòng liên minh quân sự và sẵn sàng tham chiến. Vì vậy, Kaliningrad còn có khả năng răn đe với NATO.

Trong những năm qua, Nga đã hiện đại hóa và tăng cường lực lượng ở Kaliningrad. Năm 2020, Nga nâng cấp lữ đoàn bảo vệ khu vực này thành sư đoàn.

"Kaliningrad giống như một pháo đài nằm trên Biển Baltic, với rất nhiều tên lửa hành trình và các loại vũ khí khác, vì vậy nó là mối đe dọa", Steven Wills, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Phân tích Hải quân, nhận định.

Những mặt trận gây căng thẳng âm ỉ giữa Nga và NATO - 5

Nếu Thụy Điển trở thành một phần của NATO, biển Baltic sẽ trở thành "sân nhà" của khối liên minh (Ảnh: NATO).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau sự kiện Phần Lan chính thức gia nhập NATO, áp lực lên Kaliningrad ngày càng gia tăng.

Vị trí chiến lược của Kaliningrad khiến nó trở thành mối đe dọa với NATO và cũng là một điểm yếu đối với Nga, chuyên gia Dmitry Gorenburg nhận định. Kaliningrad nằm trong lòng NATO nên nếu xung đột xảy ra, việc liên minh quân sự này có thể cắt đứt nó với lục địa Nga xảy ra dễ dàng hơn.

Trong khi đó, Saint Petersburg, một trong những thành phố cảng quan trọng nhất của Nga, được nối với Biển Baltic qua Vịnh Phần Lan, một tuyến đường thủy hẹp giáp với Phần Lan ở phía bắc và Estonia ở phía nam. Với việc Phần Lan gia nhập NATO, khu vực vịnh Phần Lan sẽ trở thành một nút thắt nếu kịch bản xung đột xảy ra. Khi đó, Nga sẽ bị hạn chế quá trình vận chuyển hàng hải và đối mặt với thách thức khi tiếp tế hoặc củng cố lực lượng tới Kaliningrad bằng đường biển.

Nếu Thụy Điển gia nhập NATO, Kaliningrad sẽ đối mặt với nguy cơ bị cô lập cao hơn nữa. Thậm chí, một số chuyên gia nhận định rằng, Biển Baltic có thể trở thành "hồ riêng của NATO" nếu Thụy Điển vào liên minh.

"Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Nga với việc di chuyển từ Saint Petersburg tới Kaliningrad và ngược lại. Vì vậy điều này sẽ có lợi cho NATO", Tướng Lục quân Mỹ Christopher Cavoli bình luận. 

Những mặt trận gây căng thẳng âm ỉ giữa Nga và NATO - 6

Một cuộc tập trận của NATO ở biển Baltic (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Mặt khác, sự kiểm soát của NATO đối với eo biển Đan Mạch - nối Biển Baltic với Đại Tây Dương và giáp với Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy - sẽ cho phép liên minh hạn chế hơn nữa các hoạt động của Hạm đội Biển Baltic Nga.

Việc NATO kiểm soát Biển Baltic cũng khiến Hạm đội Phương Bắc của Nga đóng ở Bắc Cực rơi vào thế khó để có thể di chuyển tới Kaliningrad hỗ trợ khi cần.

Kịch bản cả Nga và NATO ngày càng gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Baltic sẽ tiếp tục đẩy khu vực này trở thành điểm nóng cạnh tranh căng thẳng và mọi tính toán sai lầm ở khu vực tương đối nhỏ này cũng có nguy cơ làm bùng phát xung đột.

Theo Đức Hoàng/ Dân trí

https://dantri.com.vn/the-gioi/nhung-mat-tran-gay-cang-thang-am-i-giua-nga-va-nato-20230612074734730.htm

  • Từ khóa

Quan hệ Nga - Trung 'nồng ấm nhất lịch sử'

Ngày 15-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố bản Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện và...
16:35 - 18/05/2024
46 lượt xem

Ông Kim Jong-un chỉ đạo tăng cường lực lượng hạt nhân, Triều Tiên bắn tên lửa

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên ra lệnh tăng tốc quá trình sản xuất vũ khí và đẩy nhanh tiến độ củng cố lực lượng hạt nhân của nước...
11:40 - 18/05/2024
156 lượt xem

Ông Putin: Nga không chấp nhận tối hậu thư từ Ukraine và phương Tây

Phát biểu ngày 17-5, ông Putin nói Ukraine và các nước phương Tây đang nỗ lực đạt được những mục tiêu mà họ đã thất bại trên mặt trận quân sự bằng ngoại...
07:05 - 18/05/2024
287 lượt xem

Triều Tiên khẳng định không xuất khẩu vũ khí sang Nga

Ngày 17-5, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bác cáo buộc về hoạt động hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga, nhấn mạnh vũ khí của Triều...
15:48 - 17/05/2024
659 lượt xem

Thủ tướng Slovakia đã có thể nói chuyện sau khi bị bắn

Đến sáng 17-5 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã ổn định nhưng vẫn còn trong tình trạng nghiêm trọng, tuy nhiên ông đã bắt đầu nói chuyện...
11:12 - 17/05/2024
751 lượt xem