Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sẽ kết thúc ngay sau khi Mỹ và các nước ngừng chuyển vũ khí tới Ukraine.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Tass).
"Nếu NATO, chủ yếu là Mỹ và các nước theo đuôi họ, ngừng vận chuyển vũ khí và đạn dược tới Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kết thúc sau vài tháng; và nếu họ ngừng vận chuyển vũ khí ngay bây giờ, chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kết thúc chỉ sau vài ngày", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố hôm nay 5/7.
"Thực ra, bất kỳ cuộc chiến tranh nào, kể cả chiến tranh thế giới, đều có thể kết thúc rất nhanh. Cuộc chiến sẽ kết thúc nếu một hiệp ước hòa bình được ký kết hoặc nếu một nước nào đó làm theo những gì Mỹ từng làm vào năm 1945, khi họ sử dụng vũ khí hạt nhân và đưa máy bay ném bom tới các thành phố của Nhật Bản - Hiroshima và Nagasaki. Thực tế, họ đã kết thúc cuộc chiến vào thời điểm đó, với cái giá phải trả là mạng sống của gần 300.000 dân thường", cựu tổng thống Nga nói thêm.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ tháng 2 năm ngoái, Mỹ và các đồng minh liên tục viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự cho Kiev. Họ đã tìm kiếm nhiều tuyến đường và hình thức viện trợ cho Ukraine. Theo các nguồn tin, vũ khí phương Tây chủ yếu được tập kết ở một quốc gia châu Âu trước khi đưa vào Ukraine. Quốc gia này được cho là Ba Lan, một nước láng giềng của Ukraine.
Nga nhiều lần cảnh báo, việc phương Tây tiếp tục đưa vũ khí vào Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và có nguy cơ lan rộng thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Moscow cũng tuyên bố, bất cứ vũ khí nước ngoài nào viện trợ cho Kiev đều trở thành mục tiêu tấn công, thu giữ chính đáng của Nga. Nga từng cảnh báo nghiền nát vũ khí và xe quân sự do phương Tây cấp cho Ukraine.
Kiev cho đến nay vẫn liên tục kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây hỗ trợ khí tài quân sự để nhanh chóng chấm dứt chiến sự, giành lại lãnh thổ. Ukraine khẩn thiết đề nghị phương Tây cấp máy bay chiến đấu và vũ khí tầm xa. Hồi tháng 5, Anh trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine.
Ukraine nói rằng, họ cần thêm vũ khí, bao gồm tên lửa tầm xa, để đẩy lùi lực lượng Nga, giành lại lãnh thổ. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho đến khi đạt mọi mục tiêu đề ra, ngăn chặn các mối đe dọa an ninh đối với Moscow.
Điện Kremlin cảnh báo, bất cứ vũ khí tầm xa nào mà phương Tây cấp cho Ukraine sẽ dẫn đến vòng xoáy căng thẳng hơn nữa trong xung đột Ukraine.
Diễn biến chiến sự liên tục đảo chiều khiến các chuyên gia nhận định các cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ còn kéo dài. Theo giới quan sát, điều này có thể sẽ đẩy các đồng minh phương Tây của Kiev vào một tình thế khó xử khi họ sẽ phải tìm cách cân bằng giữa nguồn lực trong nước và sự hỗ trợ cho chính quyền Ukraine.
Theo Thành Đạt/Dân trí (nguồn Tass)
https://dantri.com.vn/the-gioi/nga-neu-dieu-kien-ket-thuc-cuoc-chien-tai-ukraine-20230705190407362.htm