Nhật Bản đang cân nhắc bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân ra biển vào đầu tháng 8, sau khi được IAEA chấp thuận.
Các bể chứa nước phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật Bản năm 2017 (Ảnh: AP).
Nikkei hôm nay 5/7 đưa tin, chính phủ Nhật Bản dự kiến bắt đầu xả thải nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển vào đầu tháng 8. Đây được xem là một cột mốc quan trọng trong quá trình dừng hoạt động của nhà máy điện hạt nhân bị tàn phá trong thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 4/7 cho biết, bản đánh giá kéo dài hai năm cho thấy, các kế hoạch xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Theo IAEA, việc xả thải này sẽ gây "tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường".
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nói, ông sẽ tìm cách xoa dịu những lo ngại và bố trí nhân viên IAEA tại nhà máy Fukushima để giám sát việc xả thải. "Chúng tôi phải thừa nhận rằng, một việc như thế này chưa từng xảy ra trước đó", ông Grossi cho biết.
Vào tháng 1, Nhật Bản thông báo nước này có kế hoạch bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển "vào khoảng mùa xuân đến mùa hè", nhưng chưa công bố ngày cụ thể vì còn chờ sự chấp thuận chính thức từ cơ quan quản lý hạt nhân quốc gia.
Nhật Bản có kế hoạch xả nước thải từ khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. Ước tính, 1,3 triệu m3 nước (đủ để bơm đầy 500 bể bơi Olympic) đã được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu tại nhà máy Fukushima sau khi nó bị hư hại bởi trận động đất và sóng thần năm 2011.
Tokyo khẳng định kế hoạch xả thải vẫn đảm bảo an toàn bởi nước thải đã qua xử lý. Nhật Bản cho biết nước thải đã được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ.
Với sự chấp thuận của IAEA, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ đặt mục tiêu đạt được sự chấp nhận cả trong nước và quốc tế về vấn đề xả thải.
"Nhật Bản sẽ tiếp tục giải thích cho người dân và cộng đồng quốc tế một cách minh bạch dựa trên các bằng chứng khoa học", ông Kishida nhấn mạnh.
Các nghiệp đoàn đánh cá địa phương của Nhật Bản từ lâu đã phản đối kế hoạch này, cho rằng việc xả thải sẽ xóa bỏ mọi nỗ lực khôi phục uy tín của Nhật Bản, trong bối cảnh một số quốc gia đã cấm nhập khẩu một số thực phẩm của Nhật Bản vì lo ngại nhiễm phóng xạ sau thảm họa.
Một số quốc gia láng giềng cũng bày tỏ lo ngại về mối đe dọa đối với môi trường, trong đó Trung Quốc là nước phản đối mạnh nhất.
Theo Thành Đạt/Dân trí (nguồn Reuters)
https://dantri.com.vn/the-gioi/nhat-ban-co-the-xa-nuoc-phong-xa-da-qua-xu-ly-ra-bien-tu-thang-8-20230705091408268.htm