Sau khi tập đoàn lính đánh thuê Wagner không còn tham chiến ở Ukraine, cục diện chiến sự không vì thế mà bớt nóng. Chiến sự thậm chí còn ác liệt hơn bao giờ hết khi giao tranh diễn ra trên mọi mặt trận.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) - Dữ liệu: MINH KHÔI - Đồ họa: T.ĐẠT
"Giao tranh ác liệt đang diễn ra ở khắp mọi nơi" - bà Ganna Maliar, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, viết trên mạng xã hội ngày 2-7, đồng thời cho biết quân đội Nga đang tiến gần tới bốn khu vực phía đông nước này là Avdiivka, Mariinka, Lyman và Svatove.
Nga tự tin dù thiếu Wagner
Nga đang rất tự tin với lực lượng hiện có ở Ukraine, dù các chiến binh Wagner đã không còn tham chiến ở Ukraine. Ngày 3-7, truyền thông Nhà nước Nga dẫn lời quan chức quốc phòng cho biết không cần huy động thêm lực lượng tới chiến trường để thay thế cho Wagner.
"Không mối rủi ro nào liên quan đến việc giảm sức chiến đấu, cả trong trung hạn lẫn dài hạn" - Hãng tin TASS dẫn lời ông Andrey Kartapolov, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, nhấn mạnh.
"Trên thực tế, việc đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine được tiến hành mà không cần lực lượng Wagner", ông Kartapolov nói thêm.
Sau khi gửi quân đến Ukraine vào tháng 2-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 9 cùng năm đã ra lệnh gọi nhập ngũ "một phần" để tăng cường lực lượng chính quy. Hàng trăm ngàn người Nga đã nhập ngũ.
Vào ngày 13-6, trước cuộc nổi loạn của Wagner, ông Putin nói với báo giới rằng "không cần thiết" phải huy động thêm quân.
Ngày 3-7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định cuộc binh biến ngắn ngủi của Wagner nhằm gây bất ổn cho Matxcơva nhưng đã thất bại vì lòng trung thành của quân đội và không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
Lời tuyên bố chắc nịch của chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga và bộ trưởng quốc phòng được thể hiện rõ nét trên chiến trường, khi giao tranh chỉ có ngày càng ác liệt.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Ganna Maliar cho biết Nga đang tấn công khu vực phía đông. Phía Nga liên tiếp báo về thông tin tích cực từ tiền tuyến, như chặn bước Ukraine ở đông bắc và đẩy lùi các cuộc tấn công ở gần Bakhmut và các khu vực xa hơn ở phía nam.
Còn Ukraine đang từng bước tiến công ở khu vực phía nam, xung quanh Bakhmut. Kiev muốn giành lại các cụm dân cư ở phía nam nhưng cho tới nay vẫn chưa tạo ra bước đột phá lớn vì gặp phải sự kháng cự dữ dội của Nga.
Trong ngày 3-7, Ukraine tuyên bố giành lại 37,4km2 lãnh thổ ở phía đông và phía nam, trong đó có 9km2 ở phía đông và còn lại ở phía nam.
Có thể thấy, giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine không chỉ ở chiến trường mà còn trên mặt trận thông tin. Cho tới nay, hai bên đều báo cáo những thông tin có lợi cho mình mà chưa có bên thứ ba nào có thể chứng thực.
Quyết ngăn Ukraine gia nhập NATO
Ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cảnh báo rằng cuộc đối đầu giữa Matxcơva với phương Tây sẽ kéo dài hàng thập niên và cuộc xung đột với Ukraine có thể trở thành vĩnh viễn.
Trong bài viết đăng trên báo chính phủ Rossiiskaya Gazeta ngày 3-7, ông Medvedev nhận định căng thẳng giữa Nga và phương Tây "tồi tệ hơn nhiều" so với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, dù lúc đó thế giới đứng bên bờ vực của một cuộc xung đột hạt nhân.
Cựu tổng thống Nga cho rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân ngay lúc này "rất có thể xảy ra" nhưng sẽ chẳng có bên chiến thắng.
Các nhà phân tích phương Tây cho rằng chiến thuật đe dọa bằng hạt nhân của ông Medvedev chỉ nhằm gây sợ hãi cho phương Tây để giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine và để những cuộc hòa đàm có thể diễn ra.
Cho tới lúc này, ông Medvedev vẫn khẳng định mục tiêu hàng đầu của "chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine" vẫn là ngăn chặn Ukraine không gia nhập khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo ông Medvedev, Nga sẽ thực hiện được mục tiêu dù bằng cách này hay cách khác.
Còn Ukraine lại tuyên bố sẽ không đàm phán cho đến khi họ đuổi hết binh lính Nga ra khỏi lãnh thổ. Kiev cũng liên tục thúc giục NATO mời mình gia nhập, bằng cả giọng nhẹ nhàng và đe dọa.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba từng cảnh báo các đồng minh châu Âu rằng nếu họ không chấp nhận Kiev gia nhập NATO sau khi xung đột với Nga kết thúc, đó sẽ là hành động "tự sát".
"Sau khi cuộc chiến kết thúc, việc NATO không kết nạp Ukraine sẽ là hành động tự sát vì điều đó đồng nghĩa với việc rủi ro chiến tranh vẫn tiềm ẩn - ông Kuleba nói với tờ Politico ngày 30-6 tại Kiev - Cách duy nhất để ngăn chặn rủi ro Nga tấn công châu Âu là kết nạp Ukraine vào NATO".
Cũng theo ngoại trưởng Ukraine, việc cựu thủ tướng Đức Angela Merkel vào năm 2008 đã phản đối ý tưởng kết nạp Ukraine đã mở ra cho ông Putin cơ hội tấn công Georgia và cuối cùng là sáp nhập Crimea.
"Nếu Ukraine gia nhập NATO vào năm 2014 thì sẽ không có chuyện Nga sáp nhập Crimea. Sẽ không có chiến tranh ở Donbass, sẽ không có chiến dịch quy mô lớn hiện nay", ông Kuleba nói thêm.
Về quy tắc, NATO sẽ không kết nạp các quốc gia đang vướng vào xung đột lãnh thổ. Do đó, ông Medvedev cho rằng cuộc xung đột với Ukraine có thể sẽ không bao giờ kết thúc.
Ukraine phản công chậm mà chắc Theo Hãng tin AFP, binh sĩ Ukraine lúc này chỉ có thể chậm chạp tiến từng bước. Chậm mà chắc cũng là những gì mà tổng tư lệnh Ukraine, tướng Valery Zaluzhny, báo cáo với Tổng thống Volodymyr Zelensky về tình hình phản công. Đây gần như là cách đánh của Ukraine thời gian vừa qua, vì chiến sự "không phải là một bộ phim Hollywood", theo lời ông Zelensky. |
Theo Minh Khôi/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/hau-wagner-chien-su-ukraine-ac-liet-hon-20230703230207349.htm