Lực lượng cứu hộ ngày 21-6 đã điều thêm tàu tìm kiếm tàu lặn Titan mất tích, với hy vọng những âm thanh dưới nước mà họ phát hiện được trong ngày thứ hai liên tiếp có thể giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm.
Đại diện cảnh sát biển Mỹ (USCG) Jamie Frederick ngày 21-6 cho biết lực lượng cứu hộ đang lùng sục một khu vực có phạm vi "gấp hai lần diện tích Connecticut", bang của Mỹ có diện tích hơn 13.000 km2.
Ông Frederick nói rằng cảnh sát biển Mỹ ghi nhận nhiều tiếng động hơn trong khu vực tìm kiếm, dù các chuyên gia không biết những tiếng động được phát hiện là gì. Ông Frederick nói rằng không rõ những tiếng động phát ra dưới đáy biển có phải từ tàu lặn Titan hay không.
Các quan chức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cũng cho biết các cuộc tìm kiếm bằng phương tiện điều khiển từ xa (ROV) đã được triển khai tại khu vực mà máy bay P-3 ghi lại tiếng ồn.
Theo ông Frederick, mặc dù những âm thanh đã được phát hiện mang đến cơ hội thu hẹp phạm vi tìm kiếm, nhưng vị trí và nguồn gốc chính xác vẫn chưa được xác định. Hiện tại, các chuyên gia hải quân đang phân tích dữ liệu để xác định.
Cảnh sát biển Mỹ cho biết nhiều tiếng ồn hơn được nghe thấy trong khu vực tìm kiếm, dù các chuyên gia không biết những tiếng động được phát hiện là gì. Ảnh: AP
Dù không mấy lạc quan nhưng ông Frederick nói với hãng tin AP rằng nhà chức trách vẫn đang nuôi hy vọng cứu được 5 hành khách trên tàu Titan. "Đây là một nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu, 100% là như thế" - ông Frederick nhấn mạnh.
Thế nhưng, ngay cả những người bày tỏ sự lạc quan cũng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều trở ngại: từ việc xác định chính xác vị trí của con tàu, tiếp cận tàu bằng thiết bị cứu hộ, đến việc đưa tàu lặn lên mặt nước trong trường hợp còn nguyên vẹn. Và tất cả những điều đó phải được tiến hành trước khi nguồn cung cấp oxy cạn kiệt.
Theo thông số kỹ thuật của nhà điều hành OceanGate, 5 hành khách trên tàu ngầm Titan mất tích có 96 giờ không khí. Điều này có nghĩa là oxy có thể cạn kiệt vào sáng 22-6 (giờ địa phương) nhưng các chuyên gia cho biết nguồn cung cấp không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tàu lặn chuyên đưa du khách tới xác Titanic. Ảnh: OceanGate Expeditions
Jeff Karson, giáo sư danh dự về khoa học địa cầu và môi trường tại Trường ĐH Syracuse (Mỹ), cho biết các hành khách của Titan có khả năng phải chịu đựng những điều kiện cực kỳ khó khăn, bao gồm cả nhiệt độ trên mức đóng băng. Do nhiệt độ và tàu quá sâu để thợ lặn có thể đến gần, giáo sư Jeff Karson nghĩ cơ hội tốt nhất để đến gần tàu lặn có thể là dùng robot điều khiển từ xa.
Chìa khóa của cuộc tìm kiếm là các robot điều khiển từ xa được trang bị máy ảnh, được thiết kế để quét đáy biển trong thời gian thực ở độ sâu mà các tàu khác không thể tiếp cận.
Trong một cuộc họp báo ngày 21-6, một quan chức Hải quân Mỹ cho biết một thiết bị trục vớt đặc biệt của hải quân có thể được sử dụng để kéo tàu Titan lên mặt nước đã đến TP St. John ở Canada, nhưng dự kiến sẽ mất thêm 24 giờ nữa để chuẩn bị đưa nó vào sử dụng.
Hải quân Mỹ cho biết thiết bị này có khả năng nâng "các vật thể lớn, cồng kềnh và nặng dưới đáy biển như máy bay hoặc tàu nhỏ".
Tàu Titan nặng gần 1 tấn. Thiết bị trục vớt ngoài khơi sâu Flyaway được thiết kế để nâng vật nặng lên tới khoảng 27 tấn.
Theo Huệ Bình/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/co-hoi-mong-manh-cho-tau-lan-titan-mat-tich-20230622092302937.htm