Phương pháp mới được phát triển bởi các nhà khoa học Anh có thể giúp phát hiện ung thư thực quản, dạ dày, tuyến tụy, ruột kết và gan ngay giai đoạn đầu của bệnh
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi ông George Hanna, Trưởng Khoa Ung thư và phẫu thuật Trường ĐH Hoàng gia London (ICL - Anh), đã thử nghiệm thành công bước đầu một phương pháp tầm soát ung thư thông qua máy phân tích hơi thở Breath Biopsy của Công ty Công nghệ sinh học Owlstone Medical (Anh).
Phương pháp này có khả năng phát hiện sớm một số dạng ung thư phổ biến, từ đó giúp bệnh nhân được can thiệp sớm, điều có thể cải thiện đáng kể kết quả điều trị.
Thiết bị bao gồm một túi nhựa và một xi lanh kim loại (gọi là ống hấp thụ) để thu thập hơi thở của bệnh nhân. Bên trong ống có một lớp phủ bằng vật liệu thu giữ hơi và khí.
Sau khi thu thập, các mẫu hơi thở được đưa vào một thiết bị giúp làm nóng và phân tách các hợp chất có bên trong, từ đó nắm bắt các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) đóng vai trò như dấu ấn sinh học của một số loại khối u ung thư cụ thể.
Ông George Hanna (bìa trái) tại phòng thí nghiệm. Ảnh: ICL
"Khi các tế bào thực hiện những phản ứng sinh hóa như một phần của quá trình trao đổi chất, chúng sẽ tạo ra một loạt VOC. Nếu quá trình trao đổi chất bị thay đổi, chẳng hạn như do bệnh ung thư và nhiều tình trạng khác, các tế bào có thể giải phóng một dạng VOC khác. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là xác định các mẫu này thông qua thiết bị" - ông Hanna giải thích.
Việc cô lập các tổ hợp VOC độc nhất sẽ cho phép bác sĩ xác định người có khả năng bị một bệnh ung thư nào đó trong số những người có các triệu chứng mơ hồ tương tự. Điều này giúp bệnh nhân sớm được đưa đến cơ sở tầm soát chuyên sâu hơn để xác định bệnh và điều trị.
Theo ông Billy Boyle, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Owlstone Medical, sàng lọc dựa trên hơi thở là phương pháp không xâm lấn nên có thể ngăn ngừa các vấn đề phát sinh từ xét nghiệm xâm lấn.
"Kiểm tra hơi thở không xâm lấn, dễ hoàn thành và được bệnh nhân chấp nhận rộng rãi. Nếu thử nghiệm hơi thở được phát triển thành công, nó có nhiều tiềm năng ảnh hưởng đến thực hành lâm sàng" - nhóm nghiên cứu của ICL nhận định.
Ưu điểm lớn nhất của kỹ thuật mới vẫn là việc nó đã phát hiện các dấu hiệu ung thư trong hơi thở ngay khi bệnh còn ở giai đoạn đầu.
"Điều trị ung thư được chẩn đoán sớm sẽ dễ dàng hơn. Khối u có thể nhỏ hơn và không lan sang các bộ phận khác của cơ thể (di căn). Nhưng việc phát hiện sớm một số loại ung thư không dễ dàng vì có rất ít triệu chứng" - Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh cho biết.
Nhóm nghiên cứu của ông Hanna đã giám sát một số thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ trên hàng trăm bệnh nhân và đang tuyển thêm 25.000 tình nguyện viên cho các thử nghiệm quy mô lớn hơn, dự kiến bắt đầu vào năm 2024.
Theo trang Huffington Post, các kết quả ban đầu cho thấy phương pháp mới giúp phát hiện các khối u ung thư vừa xuất hiện ở thực quản, dạ dày, tuyến tụy, ruột kết (đại tràng) và gan, mà theo ông Hanna, chiếm tới 20% tổng số ca ung thư trên thế giới.
Nói với tờ The Observer, ông Hanna cho biết họ đã nghiên cứu kỹ thuật trên trong hơn 15 năm và hiện ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Sau đó, phương pháp mới này cần được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng.
Vì thế, ông Hanna dự đoán mất khoảng 5 năm nữa trước khi ứng dụng tầm soát ung thư qua hơi thở được chấp nhận trong thực tế.
Thêm hy vọng từ vắc-xin Ông John Wishman (61 tuổi; ở TP Buffalo, bang New York - Mỹ) được chẩn đoán bị u nguyên bào thần kinh đệm (GBM), một trong những bệnh ung thư não nguy hiểm nhất, vào mùa thu năm 2020. Hai năm rưỡi sau đó, ông vẫn đi du lịch và tận hưởng cuộc sống, điều hiếm thấy đối với người mắc bệnh ung thư này vốn có thời gian sống trung bình là 12-18 tháng. Ông Wishman cho rằng điều này là nhờ loại vắc-xin thử nghiệm đầy hứa hẹn, giúp ngăn chặn sự lây lan của tế bào ung thư não. Vắc-xin SurVaxM nói trên được Công ty Công nghệ sinh học MimiVax (Mỹ) thiết kế để trì hoãn khối u phát triển. Cụ thể, nó nhắm vào một loại protein được tìm thấy trong các khối u, gọi là survivin. Giám đốc điều hành của MimiVax, ông Michael Ciesielski, cho biết SurVaxM hoạt động bằng cách huấn luyện hệ thống miễn dịch nhắm mục tiêu và tấn công tế bào ung thư. Vì vậy, nếu tế bào ung thư xuất hiện trở lại, cơ thể có thể loại bỏ chúng, ngăn chặn khối u mới phát triển. Trong thử nghiệm lâm sàng ban đầu, SurVaxM có thể kéo dài thời gian sống trung bình của bệnh nhân lên 26 tháng. Một số chuyên gia nhận định cách tiếp cận trên của SurVaxM là "đầy hứa hẹn" và có thể mang lại hy vọng cho bệnh nhân GBM. Theo trang NBC News, trước đó đã có một số nỗ lực phát triển vắc-xin giúp trì hoãn sự tái phát của GBM nhưng chưa có loại nào trải qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn giữa và cuối. Huệ Bình |
Theo Anh Thư/Người Lao Động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vu-khi-moi-trong-cuoc-chien-chong-ung-thu-20230615214820903.htm