Dự luật đình chỉ trần nợ công trị giá 31.400 tỉ USD và hạn chế chi tiêu của chính phủ đã được Hạ viện thông qua với tỉ lệ chênh lệch lớn hôm 31-5.
Dự luật Trách nhiệm Tài khóa được thông qua với tỉ lệ bỏ phiếu 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, với sự ủng hộ của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
Đó là một kết quả ấn tượng sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng giữa Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Tỉ lệ bỏ phiếu chênh lệch này cũng gây bất ngờ vì trước đó một số nghị sĩ của cả hai đảng tuyên bố phản đối.
Dự luật giờ đang chuyển đến Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát, nơi các nhà lãnh đạo của cả hai đảng muốn thông qua nó trong vòng 48 giờ, vài ngày trước thời hạn vỡ nợ dự kiến là ngày 5-6. Sau đó, dự luật sẽ được chuyển đến bàn Tổng thống Biden.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (giữa). Ảnh: Reuters
Tổng thống Joe Biden nói trong một tuyên bố ngay sau cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện: "Không bên nào có được mọi thứ mình muốn. Đó là trách nhiệm của việc điều hành".
Ông Biden gửi lời cảm ơn ông McCarthy vì đã "đàm phán một cách thiện chí" và kêu gọi Thượng viện thông qua dự luật.
Theo Reuters, ông Biden nói rằng: "Thỏa thuận này là tin tốt cho người dân Mỹ và nền kinh tế Mỹ. Tôi kêu gọi Thượng viện thông qua nó càng nhanh càng tốt để tôi có thể ký thành luật".
Dự luật đình chỉ giới hạn vay của chính phủ liên bang đến hết ngày 1-1-2025, cho phép ông Biden và Quốc hội gạt vấn đề rủi ro chính trị sang một bên cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2024. Dự luật cũng sẽ hạn chế một số chi tiêu của chính phủ trong hai năm tới, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng, thu hồi các quỹ COVID-19 chưa sử dụng và mở rộng yêu cầu để được nhận các chương trình hỗ trợ lương thực.
Cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại Thượng viện có thể kéo dài đến cuối tuần, đặc biệt nếu bất kỳ ai trong số 100 thượng nghị sĩ cố trì hoãn việc thông qua.
Theo đài CNBC, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trước đó cho rằng quỹ liên bang có thể cạn kiệt trong những ngày tới trừ khi các nhà lập pháp nâng giới hạn vay nợ trước tuần tới. Bế tắc về trần nợ đã khiến các cơ quan xếp hạng cảnh báo có thể hạ bậc tín dụng của Mỹ, vốn là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu.
Theo Xuân Mai/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ket-qua-bat-ngo-cua-cuoc-bo-phieu-du-luat-tran-no-tai-ha-vien-my-20230601094234754.htm