Liên Hiệp Quốc đề xuất Ukraine, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chuẩn bị cho việc vận chuyển amoniac của Nga qua Ukraine, trong bối cảnh cố gắng cứu vãn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua biển Đen.
Thông tin trên do nguồn tin của hãng Reuters tiết lộ hôm 31-5.
Liên Hiệp Quốc muốn tổ chức các cuộc đàm phán song song về việc mở rộng thỏa thuận Biển Đen đã được thống nhất vào tháng 7-2022, bao gồm việc thêm các cảng của Ukraine và các hàng hóa khác, theo nguồn tin của Reuters.
Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến ngũ cốc biển Đen giữa Moscow và Kiev hồi năm ngoái để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng.
Tháng này, Nga vừa đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 2 tháng. Thế nhưng, Moscow cho biết sáng kiến này sẽ chấm dứt trừ khi các bên đạt được một thỏa thuận nhằm khắc phục những trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.
Các yêu cầu mà Moscow đưa ra bao gồm việc nối lại quá trình vận chuyển amoniac từ Nga qua lãnh thổ Ukraine đến cảng Pivdennyi ở Odessa, nơi xuất khẩu mặt hàng này. Quá trình vận chuyển khí amoniac qua đường ống đã bị tạm dừng sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Tàu chở hàng Mehmet Bey chờ đi qua eo biển Bosphorus ngoài khơi bờ biển Yenikapi, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 31-10-2022. Ảnh: Reuters
Theo nguồn tin của Reuters, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý với đề xuất mới, nhằm cải thiện hoạt động trong hành lang xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen, nhưng Nga vẫn chưa phản hồi.
Khi được hỏi về thông tin nêu trên của hãng Reuters tại cuộc họp báo hằng ngày, người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục.
Trong bài phát biểu qua video hằng đêm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga ngăn chặn mọi hoạt động tại cảng Pivdennyi ở biển Đen của Ukraine, khiến 1,5 triệu tấn nông sản bị mắc kẹt.
Thứ trưởng Bộ Cải cách Ukraine Yuriy Vaskov ngày 31-5 cho biết Kiev đang tìm kiếm sự đảm bảo từ Moscow và Liên Hiệp Quốc rằng thỏa thuận ngũ cốc sẽ diễn ra bình thường nếu Ukraine cho phép Nga xuất khẩu amoniac qua đường ống.
Binh sĩ Mỹ vận chuyển đạn pháo 155 mm để gửi đến Ukraine tại căn cứ không quân Dover, bang Delaware. Ảnh: AP
Liên quan đến tình hình xung đột ở Ukraine, Nhà Trắng ngày 31-5 công bố gói viện trợ mới nhất cho Ukraine bao gồm các hệ thống phòng không, đạn dược và các thiết bị phòng thủ khác trị giá lên tới 300 triệu USD.
Lầu Năm Góc cho biết gói hỗ trợ an ninh này bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không Patriot, hệ thống phòng không Stinger, tổ hợp phòng không tầm ngắn Avenger. Mỹ cũng chuyển thêm tên lửa đối không AIM-7, đạn cho pháo phản lực HIMARS, đạn pháo 155 mm và 105 mm, rocket Zuni và hơn 30 triệu viên đạn súng bộ binh.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết gói viện trợ mới nhất sẽ nâng tổng giá trị viện trợ của Washington dành cho Kiev kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự hồi tháng 2-2022 lên 37,6 tỉ USD.
Theo hãng tin Reuters, Mỹ yêu cầu Ukraine không nên sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, nhằm tránh một cuộc xung đột trực tiếp giữa Moscow và Washington hay với NATO.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nói rất rõ ràng với Ukraine, cả trong những cuộc họp kín và công khai, rằng chúng tôi không ủng hộ các cuộc tấn công bên trong nước Nga. Chúng tôi không cho phép và không khuyến khích các cuộc tấn công bên trong nước Nga".
Theo Huệ Bình/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/lien-hiep-quoc-chuan-bi-thoa-thuan-dac-biet-giua-nga-ukraine-20230601071841928.htm