Quân đội Serbia vẫn đang trong tình trạng báo động cao nhất sau vụ đụng độ giữa người Serb và cảnh sát Kosovo, vụ việc mà Nga tố Kosovo và phương Tây chịu trách nhiệm.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 27.5 chủ trì cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia và thông qua kế hoạch hành động an ninh nhằm tăng cường năng lực phòng thủ sau vụ căng thẳng tại Kosovo. AFP dẫn lời nhà lãnh đạo cho biết các lực lượng vũ trang Serbia vẫn trong tình trạng báo động cao nhất cho đến khi có tuyên bố thêm.
Cảnh sát đặc nhiệm Kosovo bảo vệ văn phòng thị trưởng tại thị trấn Zvecan ngày 27.5
Trước đó một ngày, ông Vucic ra lệnh cho quân đội gia tăng mức báo động và đưa các đơn vị về khu vực ranh giới với Kosovo ở miền nam Serbia. Kosovo tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia vào năm 2008, nhưng Belgrade đã từ chối công nhận điều đó. Hiện tại, Kosovo còn một cộng đồng người Serb với khoảng 120.000 người, tập trung nhiều ở miền bắc, theo AFP.
Mâu thuẫn giữa cộng đồng người Serb và Kosovo xảy ra khi chính quyền tổ chức bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 4, theo đó những người Albania được bầu làm thị trưởng 4 thị trấn ở miền bắc Kosovo, nơi sinh sống chủ yếu của người Serb.
Tỷ lệ cử tri đi bầu chưa đầy 3,5% và cộng đồng người Serb tẩy chay cuộc bầu cử. Hôm 26.5, các đơn vị đặc nhiệm của cảnh sát Kosovo dùng hơi cay để giải tán đám đông người Serb biểu tình phản đối việc bầu các thị trưởng.
Dù ủng hộ sự độc lập của Kosovo nhưng Mỹ và đồng minh châu Âu chỉ trích Pristina, nói rằng việc sử dụng vũ lực để đưa các thị trưởng lên gây ảnh hưởng nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa Kosovo và Serbia. Các nước này đồng thời bày tỏ lo ngại về việc Serbia gia tăng tình trạng sẵn sàng của quân đội. NATO ngày 27.5 kêu gọi Kosovo có biện pháp giảm căng thẳng, giải quyết tình hình thông qua đối thoại.
Cảnh sát chống bạo động của Kosovo bảo vệ văn phòng thị trưởng thị trấn Zvecan, nơi có cư dân đa số là người Serb
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cùng ngày lên án các động thái khiêu khích của Kosovo, đồng thời quy trách nhiệm cho cả Mỹ và Liên minh châu Âu vì phản ứng quá trễ, theo Reuters.
Serbia và Nga không công nhận nền độc lập của Kosovo và Moscow đã ngăn chặn tư cách thành viên của Kosovo trong các tổ chức toàn cầu, gồm Liên Hiệp Quốc.
Người đứng đầu nhánh hành pháp Kosovo Albin Kurti ngày 27.5 nói rằng Kosovo hiểu được những lo ngại của các đối tác quốc tế nhưng nhấn mạnh "bất kỳ lựa chọn nào khác cũng sẽ là một thất bại trong việc hoàn thành các nghĩa vụ hiến pháp". "Tôi kêu gọi tất cả các bên, đặc biệt là công dân người Serb của Kosovo, hợp tác với các tân thị trưởng và bộ máy của họ, sẽ gồm nhiều dân tộc, đa văn hóa và đa ngôn ngữ", ông Kurti viết trên Facebook.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/serbia-duy-tri-tinh-trang-bao-dong-nga-len-tieng-ve-vu-cang-thang-tai-kosovo-185230527213556269.htm