Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ kêu gọi Bộ Thương mại nước này áp đặt hạn chế đối với nhà sản xuất chip của Bắc Kinh.
Nghị sĩ Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung của Hạ viện Mỹ (Ảnh: Reuters).
"Mỹ phải nói rõ với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không dung thứ cho sự cưỡng ép về kinh tế đối với các công ty hoặc đồng minh của mình", nghị sĩ Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung của Hạ viện Mỹ, tuyên bố hôm 24/5.
Ông Gallagher kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ ngay lập tức bổ sung công ty sản xuất chip Trung Quốc ChangXin Memory Technologies (CXMT) vào danh sách đen, đồng thời đảm bảo rằng không có công nghệ nào của Mỹ được chuyển đến CXMT, YMTC hoặc các công ty khác của Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực này.
CXMT là nhà sản xuất chip bộ nhớ DRAM hàng đầu của Trung Quốc. CXMT cũng là đối thủ cạnh tranh có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất nếu hãng chip Micron của Mỹ bị cấm tham gia vào thị trường chip khổng lồ của Trung Quốc.
YMTC, hay Yangtze Memory Technologies Corp, là nhà sản xuất chip Trung Quốc từng bị đưa vào danh sách đen của Mỹ vào tháng 12/2022.
Theo ông Gallagher, Bộ Thương mại Mỹ cũng không được cấp giấy phép xuất khẩu cho các hãng chip nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc trong trường hợp các hãng này được Trung Quốc lựa chọn để thay thế sản phẩm chip của Micron. Ông Gallagher cũng khuyến cáo các công ty Hàn Quốc, những đơn vị bị Trung Quốc cưỡng ép trong những năm gần đây, nên hành động tương tự.
Chính phủ Trung Quốc ngày 21/5 thông báo, các sản phẩm do hãng chip Micron của Mỹ sản xuất có rủi ro an ninh quốc gia và sẽ bị cấm bán cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc.
Trước đó, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) hồi tháng 3 tuyên bố, Bắc Kinh sẽ xem xét các sản phẩm do nhà sản xuất chip Micron bán ở nước này.
CAC cho biết, động thái này nhằm mục đích "bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng hạ tầng thông tin quan trọng, ngăn ngừa rủi ro an ninh mạng từ các sản phẩm có vấn đề và bảo đảm an ninh quốc gia".
Bộ Thương mại Mỹ "kiên quyết phản đối các biện pháp hạn chế không có cơ sở thực tế", đồng thời cho rằng lệnh cấm của Trung Quốc đối với hãng chip Micron và "các cuộc tấn công nhằm vào các công ty Mỹ khác" gần đây không phù hợp với cam kết của Bắc Kinh đối với một thị trường mở và khung pháp lý minh bạch.
Trong những năm gần đây, chính quyền Mỹ đã tìm cách ngăn chặn công nghệ chip tiên tiến của nước này xuất khẩu sang Trung Quốc, áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với khả năng bán sản phẩm của các công ty Mỹ ra nước ngoài. Washington cũng tìm cách thuyết phục các đồng minh hành động tương tự.
Các hành động trên đánh dấu một bước leo thang khác trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc. Washington đang tìm cách gây khó khăn hơn cho Trung Quốc trong việc phát triển các công nghệ có ứng dụng quân sự như trí tuệ nhân tạo, mô hình hóa vũ khí hạt nhân và phát triển vũ khí siêu vượt âm.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/nghi-si-my-keu-goi-tra-dua-trung-quoc-sau-lenh-cam-chip-20230524144001872.htm