24
/
146965
Hội nghị cấp cao ASEAN: Chờ bản lĩnh Indonesia
hoi-nghi-cap-cao-asean-cho-ban-linh-indonesia
news

Hội nghị cấp cao ASEAN: Chờ bản lĩnh Indonesia

Thứ 4, 10/05/2023 | 09:02:49
2,160 lượt xem

Biến cố an ninh vừa xảy ra tại Myanmar bất ngờ phủ bóng Hội nghị cấp cao ASEAN thứ 42 tại Indonesia, vốn được kỳ vọng sẽ tập trung chính cho các nội dung kinh tế và hội nhập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Indonesia tại Labuan Bajo - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Indonesia tại Labuan Bajo - Ảnh: TTXVN

Hôm nay 10-5, Hội nghị cấp cao ASEAN thứ 42 chính thức khai mạc tại Indonesia với sự tham dự của đại diện các nước thành viên, trong đó có tám nhà lãnh đạo.

Giải pháp nào cho Myanmar?

Ngày 8-5, ngay trước thềm hội nghị, một chiếc xe chở các nhà ngoại giao ASEAN làm nhiệm vụ nhân đạo ở Myanmar đã bị tấn công. Truyền thông nhà nước Myanmar cáo buộc "những kẻ khủng bố" là thủ phạm. Không ai bị thương song sự việc lập tức làm tăng sự chú ý vào Indonesia - nước chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay.

Ngoại trừ Indonesia và Singapore - hai nước được cho là có người trên chiếc xe bị tấn công - lên tiếng quan ngại, các nước còn lại trong khối không phản ứng gì. Thủ tướng Thái Lan, nước láng giềng Myanmar, không dự hội nghị tại Indonesia vì sắp bước vào bầu cử gay cấn. Tuy nhiên theo giới quan sát, vấn đề Myanmar sẽ không rơi vào im lặng tại hội nghị lần này.

"ASEAN đang ở ngã ba đường" - ông Mahfud MD, bộ trưởng điều phối chính trị, pháp lý và an ninh của Indonesia, cảnh báo trong cuộc họp báo ngày 9-5. "Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng đang thử thách sức mạnh của chúng ta với tư cách là một cộng đồng. Việc không giải quyết chúng sẽ có nguy cơ gây nguy hiểm cho sự hữu quan của ASEAN", ông nói và liệt kê Myanmar trong số các vấn đề khẩn cấp mà khối phải đối mặt.

Indonesia từ lâu được xem là một trong những tiếng nói dẫn dắt ASEAN. Thành công năm ngoái tại Hội nghị thượng đỉnh G20 khiến áp lực tăng lên với Jakarta khi có nhiều kỳ vọng năm nay sẽ có giải pháp mới cho Myanmar.

Trên thực tế, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ASEAN sẽ từ bỏ "Đồng thuận 5 điểm" đạt được với chính quyền quân sự vào tháng 4-2021. Giữa tuần trước, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thừa nhận nước này đang "ngoại giao thầm lặng", tiếp xúc với tất cả các bên ở Myanmar cũng như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Tuyên bố của tổng thống Indonesia ngày 8-5 rằng "trừng phạt sẽ không giải quyết vấn đề" cho thấy Jakarta sẽ tiếp tục thúc đẩy giải pháp ngoại giao.

"ASEAN không nên bỏ rơi hay cô lập Myanmar, bởi điều đó sẽ khiến họ phụ thuộc hơn vào Trung Quốc" - bà Awani Irewati, chuyên gia tại Cơ quan Nghiên cứu và đổi mới quốc gia Indonesia, nói với tờ BenarNews. Theo bà Irewati, cần có cách tiếp cận mới, trong đó tập trung vào kinh tế và nhân đạo để khiến chính quyền quân sự Myanmar cởi mở hơn với ASEAN.

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ngày 9-5 cũng đã nhắc đến Myanmar. Trong đó, các bộ trưởng khẳng định lại tinh thần xây dựng, hợp tác, đoàn kết, tương trợ và phát huy vai trò của ASEAN trong hỗ trợ Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Các nước ủng hộ nỗ lực của chủ tịch ASEAN 2023 và đặc phái viên chủ tịch về Myanmar trong triển khai nhiệm vụ.

Cùng phục hồi kinh tế và hội nhập

Trong cuộc họp báo ngày 5-5, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tiết lộ Indonesia có ba trọng tâm trong năm chủ tịch ASEAN. Đó là giữ được tiếng nói của ASEAN trong các vấn đề khu vực và toàn cầu; đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và bền vững; và triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việc chọn thị trấn Labuan Bajo trên đảo Flores làm nơi tổ chức hội nghị ASEAN phản ánh ưu tiên của nước chủ nhà. Labuan Bajo nằm gần công viên quốc gia rồng Komodo, là một điểm du lịch nhưng hạ tầng chưa phát triển bằng các địa danh nổi tiếng khác của ASEAN.

Việc chọn nơi đây để tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN đặt ra không ít thách thức, ví như việc Indonesia phải điều tàu du lịch sức chứa 2.000 chỗ làm nơi ăn ở cho báo chí tác nghiệp. Tuy nhiên, Tổng thống Widodo chọn Labuan Bajo bởi ông muốn quá trình phục hồi kinh tế phải bao trùm, tất cả đều hưởng lợi giống như trọng tâm mà Indonesia đang thúc đẩy trong ASEAN. 

Đây cũng là dịp để Indonesia quảng bá thêm hình ảnh đất nước, đưa vùng đất của rồng Komodo thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Hội nghị cấp cao lần này cũng được kỳ vọng sẽ giúp ông Widodo ghi thêm điểm bằng việc đẩy nhanh kết nạp Timor Leste. Dự kiến các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thông qua lộ trình kết nạp thành viên thứ 11 này. Trong đó, các nước ASEAN cam kết sẽ hỗ trợ Timor Leste hoàn thành các nghĩa vụ thành viên.

Theo Duy Linh/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/hoi-nghi-cap-cao-asean-cho-ban-linh-indonesia-20230509231007859.htm

  • Từ khóa

'NATO chưa sẵn sàng cho cuộc chiến kéo dài'

NATO trong thời gian dài đã quá chú trọng vào hoạt động chống khủng bố, thay vì để tâm đến một đối thủ hùng mạnh.
16:23 - 24/11/2024
76 lượt xem

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam

Đầu giờ chiều 24-11, chuyên cơ chở Tổng thống Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt...
16:18 - 24/11/2024
81 lượt xem

Giới trí thức Hàn Quốc quá thất vọng, yêu cầu tổng thống từ chức

Tính đến ngày 22-11, hơn 3.000 giáo sư và nhà nghiên cứu từ 55 trường đại học tại Hàn Quốc đã đồng loạt chỉ trích và kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ...
12:12 - 24/11/2024
174 lượt xem

Pháp để ngỏ chuyện đưa quân đến Ukraine, Nga cảnh báo Pháp, Anh

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot khẳng định Paris không đặt ra bất kỳ “lằn ranh đỏ” nào liên quan đến việc hỗ trợ Ukraine.
08:29 - 24/11/2024
278 lượt xem

Nga tuyên bố tiếp tục tấn công bằng tên lửa Oreshnik

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ tiến hành nhiều cuộc tấn công nữa bằng tên lửa siêu thanh mới “không thể đánh chặn” mang tên Oreshnik.
20:41 - 23/11/2024
568 lượt xem