Mỹ chưa từng vỡ nợ trước đây, do đó vẫn chưa rõ chính xác điều gì sẽ xảy ra nhưng chắc chắn đó không phải là điều tốt.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từng cho biết trong thư gửi Quốc hội hồi đầu năm nay: "Thất bại trong việc thực hiện nghĩa vụ của chính phủ sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục đối với nền kinh tế Mỹ, sinh kế của tất cả người Mỹ và sự ổn định tài chính toàn cầu".
Các nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào đồng USD, khiến nền kinh tế suy yếu nhanh chóng. Việc cắt giảm việc làm xảy ra và chính phủ liên bang Mỹ sẽ không có phương tiện để tiếp tục duy trì tất cả các hoạt động.
Người dân mua sắm ở siêu thị Washington - Mỹ. Ảnh: Reuters
Trong suốt lịch sử, Mỹ từng có một số khoản nợ. Nhưng khoản nợ thực sự bắt đầu tăng lên vào những năm 1980, sau đợt cắt giảm thuế quy mô lớn của cố Tổng thống Ronald Reagan. Không có nhiều nguồn thu từ thuế, chính phủ cần phải vay thêm tiền để chi tiêu.
Trong những năm 1990, chiến tranh lạnh kết thúc cho phép chính phủ cắt giảm chi tiêu quốc phòng và nền kinh tế bùng nổ dẫn đến nguồn thu thuế tăng cao hơn. Nhưng sau đó, vào đầu những năm 2000, bong bóng dotcom vỡ, dẫn đến suy thoái. Cựu Tổng thống George W Bush đã cắt giảm thuế hai lần vào năm 2001 và 2003, sau đó các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan đã làm tăng chi tiêu lên tới gần 6 ngàn tỉ USD trong suốt cuộc chiến.
Theo Guardian, khi cuộc Đại suy thoái năm 2008 bắt đầu, chính phủ đã phải tăng chi tiêu để giải cứu các ngân hàng và tăng cường các dịch vụ xã hội khi tỉ lệ thất nghiệp lên tới 10%.
Khi tỉ lệ thất nghiệp quay trở lại mức trước suy thoái, vào năm 2017, một đợt cắt giảm thuế lớn đã được thông qua dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Khoản nợ đã tăng thêm 7,8 ngàn tỉ USD khi ông còn tại nhiệm.
Khi đại dịch COVID-19 ập đến, chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt dự luật kích thích kinh tế để bù đắp những tác động tồi tệ nhất của đại dịch khiến số tiền chi tiêu lên đến 5 ngàn tỉ USD.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết Mỹ có thể không đủ tiền để đáp ứng tất cả các nghĩa vụ tài chính trước ngày 1-6 hoặc trong vài tuần sau đó. Bế tắc chính trị đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng vỡ nợ có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu.
Nếu điều đó xảy ra, Bộ Tài chính có thể sẽ thực hiện kế hoạch dự phòng mà họ đã chuẩn bị vào năm 2011, thời điểm nước Mỹ đối mặt với tình huống tương tự. Theo kế hoạch này, Bộ Tài chính sẽ không để trái phiếu kho bạc vỡ nợ và sẽ tiếp tục trả lãi cho những trái phiếu chính phủ đến hạn. Dù cho kịch bản vỡ nợ không xảy ra, tình huống gần như vậy cũng sẽ gây xáo trộn cho thị trường và nền kinh tế.
Theo hãng tin AP, nếu chính phủ không thể vay tiền để tiếp tục thanh toán các hóa đơn của mình trong một thời gian dài, hàng triệu người có thể mất việc làm, doanh nghiệp phá sản, sự sụp đổ chồng chất trên thị trường tài chính và nỗi đau kinh tế kéo dài. Thiệt hại về tài chính sẽ xảy ra nhưng nguyên nhân có thể đến từ chính trị, sự rạn nứt giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, hơn là vấn đề sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Theo Xuân Mai/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dieu-gi-xay-ra-neu-my-vo-no-20230508111954458.htm