CIA đã đứng sau dàn dựng các cuộc cách mạng màu ở trên 50 quốc gia trong lịch sử và gây ra sự hỗn loạn trên toàn thế giới.
Trung Quốc cho rằng Mỹ đứng sau các cuộc cách mạng màu trên khắp thế giới.
Báo cáo của Trung tâm Ứng phó Khẩn cấp Virus Máy tính Quốc gia Trung Quốc (NCVERC) và Công ty bảo mật internet 360 hôm 4/5 đã cáo buộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) là chủ mưu một số lượng lớn các cuộc tấn công của tin tặc và các cuộc cách mạng màu trong không gian hậu Xô Viết và các khu vực khác trên toàn cầu, theo Global Times.
"Trong nhiều năm, CIA đã bí mật tổ chức diễn biến hòa bình và các cuộc cách mạng màu, cũng như thực hiện các hoạt động gián điệp và đánh cắp thông tin" - báo cáo của NCVERC nêu rõ.
Báo cáo thống kê các cuộc chiến được gọi là "cách mạng màu" như Các tác giả của báo cáo cho rằng Cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc năm 1989, Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia năm 2003, Cách mạng Cam ở Ukraine từ 2004-2005, Cách mạng Hoa Tulip ở Kyrgyzstan năm 2005, Mùa xuân Ả Rập những năm 2010, Euromaidan ở Ukraine từ 2013-2014, và Phong trào Hoa hướng dương ở Đài Loan (Trung Quốc) năm 2014...
Bên cạnh đó, NCVERC còn cho rằng, các cơ quan bí mật của Mỹ đang cố gắng tổ chức "các cuộc cách mạng màu" ở Belarus, Azerbaijan, Lebanon, Myanmar, Iran và các quốc gia khác.
“Theo thống kê, trong vài thập kỷ qua, CIA đã lật đổ hoặc cố gắng lật đổ các chính phủ hợp pháp tại hơn 50 quốc gia, gây ra tình trạng bất ổn" - NCVERC nhấn mạnh.
Theo cơ quan chức năng Trung Quốc, cách thức để CIA can thiệp vào các cuộc cách mạng này cụ thể như sau:
Phương pháp thứ nhất, CIA cung cấp các dịch vụ truyền thông mạng được mã hóa để giúp những người biểu tình ở một số quốc gia Trung Đông giữ liên lạc và tránh bị theo dõi và bắt giữ.
Một công ty Mỹ được cho là có nền tảng quân sự, đã phát triển công nghệ TOR có thể truy cập internet một cách lén lút. Các máy chủ mã hóa tất cả thông tin để giúp một số người dùng sử dụng web ẩn danh.
Sau khi dự án được khởi xướng bởi các công ty Mỹ, nó đã ngay lập tức được cung cấp miễn phí cho các phần tử chống chính phủ ở Iran, Tunisia, Ai Cập và các quốc gia và khu vực khác để đảm bảo rằng những "nhà bất đồng chính kiến trẻ tuổi muốn lật đổ chính phủ của họ" có thể tránh được sự giám sát của chính phủ.
Phương pháp thứ hai là cung cấp dịch vụ liên lạc ngoại tuyến. Ví dụ: để đảm bảo rằng các nhân viên chống chính phủ ở Tunisia, Ai Cập và các quốc gia khác vẫn có thể giữ liên lạc với thế giới bên ngoài khi internet bị ngắt kết nối, Google và Twitter đã nhanh chóng tung ra một dịch vụ đặc biệt có tên "Speak2Tweet".
Báo cáo cho biết những tin nhắn này được tự động chuyển đổi thành tweet, sau đó được tải lên internet và phát hành công khai thông qua Twitter và các nền tảng khác để hoàn thành "báo cáo thời gian thực" về sự kiện trên trang web.
Phương pháp thứ ba là cung cấp các công cụ chỉ huy tại chỗ cho các cuộc meeting, diễu hành và biểu tình dựa trên internet và liên lạc không dây.
Báo cáo lưu ý rằng Tập đoàn RAND của Mỹ đã dành vài năm để phát triển một công nghệ thay đổi chế độ phi truyền thống.
Công cụ này được sử dụng để giúp một số lượng lớn thanh niên được kết nối qua Internet tham gia phong trào biểu tình lưu động, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả chỉ huy tại chỗ của sự kiện.
Thứ tư là phần mềm do Mỹ phát triển có tên là "Riot". Phần mềm hỗ trợ mạng băng thông rộng độc lập 100%, cung cấp mạng WiFi có thể thay đổi, không dựa vào bất kỳ phương thức truy cập vật lý truyền thống nào, không cần kết nối điện thoại, cáp hoặc vệ tinh và có thể dễ dàng thoát khỏi mọi hình thức giám sát của chính phủ.
Cuối cùng là hệ thống thông tin "chống kiểm duyệt". Theo báo cáo của công ty Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ coi việc nghiên cứu và phát triển hệ thống là một nhiệm vụ quan trọng và đã đầu tư hơn 30 triệu USD vào dự án.
Bên cạnh 5 phương pháp mà CIA đã sử dụng để kích động tình trạng bất ổn trên toàn cầu, thông qua phân tích kỹ thuật sâu hơn, báo cáo trên cũng đã xác định được 9 phương pháp khác được CIA sử dụng làm "vũ khí" cho các cuộc tấn công mạng, bao gồm phân phối mô-đun tấn công, điều khiển từ xa, thu thập và đánh cắp thông tin cũng như các công cụ mã nguồn mở của bên thứ ba.
Trung tâm phản ứng và công ty 360 cũng đã phát hiện ra một công cụ đánh cắp thông tin được CIA sử dụng, đây cũng là một trong 48 vũ khí mạng tối tân được tiết lộ trong tài liệu mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Theo báo cáo, việc phát hiện ra những công cụ đánh cắp thông tin này cho thấy CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ sẽ cùng tấn công cùng một nạn nhân hoặc chia sẻ vũ khí tấn công mạng với nhau hoặc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật hoặc con người có liên quan.
Ngoài ra, báo cáo phía Trung Quốc đã phát hiện ra các chương trình 'con ngựa thành Troia' (Trojan) hoặc phần bổ sung có liên quan đến CIA trong các cuộc tấn công mạng gần đây nhắm vào Trung Quốc.
Theo Đông Phong/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/trung-quoc-goi-cia-la-ong-to-cua-cach-mang-mau-post637299.html