Washington ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc trong việc hòa giải xung đột Nga - Ukraine, song cho rằng xung đột chỉ chấm dứt ngay lập tức khi Nga đồng ý rút quân.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby (Ảnh: Reuters).
Mỹ lên tiếng ủng hộ cuộc điện đàm hôm 26/4 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
"Chúng tôi cho rằng đây là một tín hiệu tốt. Hiện giờ chúng ta chưa thể biết liệu điều đó có thể mang lại kế hoạch hay đề xuất hòa bình quan trọng hay không", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby bình luận.
Ông nhấn mạnh: "Từ lâu chúng tôi đã muốn cuộc chiến này chấm dứt, nhưng nó chỉ có thể chấm dứt ngay lập tức nếu Nga rút quân khỏi Ukraine. Nếu có một nền hòa bình trên cơ sở đàm phán, đó phải là khi Tổng thống Zelensky sẵn sàng cho điều đó và khi ông ấy có thể đàm phán trên vị thế sức mạnh".
Quan chức Mỹ bổ sung: "Chúng tôi ủng hộ bất cứ nỗ lực nào để đạt được một nền hòa bình hợp lý, bền vững và đáng tin cậy ở Ukraine".
Bình luận trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm kéo dài gần một giờ với Tổng thống Ukraine Zelensky. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022.
Trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh "lối thoát duy nhất" cho cuộc xung đột ở Ukraine là "đối thoại và đàm phán".
"Về vấn đề khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc luôn đứng về phía hòa bình và lập trường cốt lõi của Trung Quốc là thúc đẩy các cuộc hòa đàm", hãng tin CCTV dẫn lời ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy ngừng bắn và khôi phục hòa bình, trong đó có việc cử một đặc phái viên về vấn đề Á - Âu đi đến các nước, bao gồm Ukraine, để trao đổi với các bên liên quan về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là nước lớn có trách nhiệm, chúng tôi sẽ không ngồi yên, cũng không đổ thêm dầu vào lửa, càng không tìm cách trục lợi từ đó", người đứng đầu chính phủ Trung Quốc nói trong cuộc điện đàm.
Phản ứng về cuộc điện đàm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: "Chúng tôi ghi nhận sự sẵn sàng của phía Trung Quốc trong nỗ lực thiết lập một tiến trình đàm phán". Bà cũng khẳng định sự tương đồng trong cách tiếp cận của Nga với kế hoạch hòa bình 12 điểm mà Bắc Kinh đề xuất hồi tháng 2.
Về phía châu Âu, ông Eric Mamer, người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, nói cuộc điện đàm là "bước quan trọng đầu tiên của Trung Quốc thể hiện trách nhiệm của một thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (đối với xung đột Nga - Ukraine)".
"Giới chức Trung Quốc cần sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để buộc Nga chấm dứt chiến dịch quân sự, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền cho Ukraine, coi đó là nền tảng cho một nền hòa bình", ông Mamer nêu rõ.
Một số lãnh đạo châu Âu, trong đó có Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, coi đây là tín hiệu tốt cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Về phía chuyên gia, Rorry Daniels, giám đốc điều hành Viện Chính sách Xã hội châu Á, nói rằng cuộc điện đàm cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện một hành động cân bằng nhằm quản lý các mối quan hệ với Nga, Ukraine, Liên minh châu Âu và Mỹ.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/my-neu-cach-duy-nhat-cham-dut-xung-dot-nga-ukraine-ngay-lap-tuc-20230427061011258.htm