Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 31-1 cân nhắc khả năng nước này sẽ tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.
Tuyên bố trên được đưa ra khi Moscow công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng: "Tôi và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể quyết định và triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược ở đây nếu cần". Lãnh đạo Belarus cho rằng động thái này thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ "chủ quyền và độc lập" của hai quốc gia.
Nhà lãnh đạo Belarus nói rằng quyết định trên có thể sẽ đóng vai trò ngăn chặn hiệu quả bất kỳ động thái thù địch nào của Mỹ và các đồng minh.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 31-1 cân nhắc khả năng nước này sẽ tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.Ảnh: Reuters
Ông Lukashenko cũng đã ra lệnh cho quân đội khôi phục các cơ sở để lưu trữ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol. Tổng thống Belarus trước đây nhiều lần ủng hộ việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga tới nước này khi lo ngại mối đe dọa từ phương Tây.
Vào tháng 10-2022, ông chỉ ra các cuộc đàm phán "chia sẻ hạt nhân" giữa Washington và Warsaw, cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân có thể được triển khai ở Ba Lan, giáp biên giới với Belarus.
Hồi tuần trước Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai vũ khí chiến thuật của Nga tới Belarus khi cho rằng cơ sở lưu trữ đặc biệt dành cho những vũ khí này sẽ sẵn sàng vào ngày 1-7 tới. Moscow lý giải quyết định trên bằng cách chỉ ra kế hoạch của Anh cung cấp cho Kiev vũ khí uranium nghèo.
Tổng thống Putin cũng khẳng định động thái này không có gì bất thường và Mỹ làm điều này trong nhiều thập kỷ, cũng như cho biết Nga không chuyển quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus.
Giới chuyên gia định nghĩa vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, được sử dụng để đạt được lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì gây tàn phá trên diện rộng như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay bom hạt nhân. Loại vũ khí này phát triển từ thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh nhằm răn đe đối phương nhưng chưa nước nào từng sử dụng trong thực tế.
Liên quan đến diễn biến tại Ukraine, phát ngôn viện Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thảo luận với Tổng thống Lukashenko trong tuần tới. Tuy nhiên, ông Peskov nói rằng các mục tiêu của Nga ở Ukraine không thể đạt được vào thời điểm này nếu ngừng bắn.
Theo tài liệu Khái niệm Chính sách Đối ngoại dài 42 trang được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua hôm 31-3, Nga sẽ ưu tiên xóa bỏ dấu vết về sự thống trị của Mỹ và các quốc gia không thân thiện khác trên trường quốc tế.
Theo Xuân Mai/ NLĐ
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/belarus-mo-cua-cho-nga-trien-khai-vu-khi-hat-nhan-chien-luoc-20230401073711524.htm