Quan chức Nga cảnh báo hành vi khiêu khích của phương Tây trong bối cảnh khủng hoảng ở Ukraine có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.
Một hệ thống pháo của Nga (Ảnh: Reuters).
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev hôm nay 29/3 tuyên bố, Moscow cam kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân cũng như sự đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân.
"Nga nhận thấy sự cần thiết của việc phải ngăn chặn bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân", ông Patrushev phát biểu tại cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở New Delhi, Ấn Độ.
Ông Patrushev cho biết Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu đề ra. Ông cũng cảnh báo "hành vi khiêu khích của phương Tây trong bối cảnh khủng hoảng ở Ukraine có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc".
"Bất chấp hỗ trợ quân sự ngày càng tăng từ Mỹ và các quốc gia phương Tây khác cho Ukraine, tất cả mục tiêu đã được đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt chắc chắn sẽ đạt được. Chúng tôi sẽ phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine, đồng thời đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga và an ninh của người dân chúng tôi", ông Patrushev nhấn mạnh.
Theo quan chức Nga, các quốc gia thành viên SCO đã quen với những biểu hiện cụ thể từ các hành vi phá hoại của các nước phương Tây, bao gồm can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, áp đặt chính sách trừng phạt đơn phương và các biện pháp hạn chế. Theo ông Patrushev, bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy việc Mỹ và các nước vệ tinh của họ theo đuổi quyền bá chủ thế giới là cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
"Các quân nhân Ukraine đang được huấn luyện tích cực trên lãnh thổ của các quốc gia NATO. Khoảng 50 quốc gia tạo nên cái gọi là liên minh Ramstein đang tham gia vào cuộc xung đột vũ trang cùng với chính quyền Kiev", ông Patrushev cho biết.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay tuyên bố, cuộc đấu tranh của Nga với phương Tây là một cuộc chiến theo nghĩa rộng, đồng thời cảnh báo cuộc chiến này chắc chắn sẽ kéo dài.
"Nếu bạn muốn đề cập đến cuộc chiến trong bối cảnh rộng, tức là cuộc đối đầu với các quốc gia thù địch, với các quốc gia không thân thiện, một cuộc chiến phối hợp chống lại đất nước chúng tôi, thì cuộc chiến đó chắc chắn sẽ kéo dài", ông Peskov nói trong một cuộc họp báo khi được hỏi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine có thể kéo dài bao lâu và liệu có bất kỳ khả năng nào kết thúc trong năm nay không.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 tuyên bố, theo yêu cầu của Minsk, Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, tương tự như những gì Mỹ đã làm trên lãnh thổ của các đồng minh. Nga đã bàn giao hệ thống tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho Belarus. Theo nhà lãnh đạo Nga, việc xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ hoàn thành trước ngày 1/7.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với các phóng viên rằng, theo nhận định của ông, Nga vẫn chưa triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, tuy nhiên ông lo ngại về kế hoạch này. Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby trước đó cũng nói rằng, Washington hiện chưa thấy bằng chứng nào về việc vũ khí hạt nhân của Nga được triển khai ở Belarus.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/nga-canh-bao-phuong-tay-ve-hau-qua-tham-khoc-20230329184224625.htm