Động thái tăng lãi suất lần thứ chín của Cục Dự trữ liên bang (Fed) bất chấp chấn động của cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất vừa xảy ra cho thấy kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà làm chính sách Mỹ.
Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở TP New York (Mỹ) chứng kiến sự sụt giảm của hàng loạt chỉ số sau quyết định tăng lãi suất của Fed vào ngày 22-3 - Ảnh: AFP
Trong tháng này, "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới được quan tâm đặc biệt sau sự sụp đổ của hai ngân hàng là Thung lũng Silicon (SVB) và Signature. Khủng hoảng xảy ra trong bối cảnh chi phí vay toàn cầu tăng mạnh, dẫn đầu là Mỹ, gây sốc trên toàn thế giới và làm dấy lên nhiều lo ngại về suy thoái kinh tế.
Chệch hướng chính sách
Ngày 22-3 (giờ Mỹ), Fed quyết định nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức từ 4,75 - 5%. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cho biết các quan chức Mỹ sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay và Fed thậm chí còn có thể tăng lãi suất nếu cần.
Trong dự báo mới nhất, cơ quan này cho rằng lãi suất có thể lên tới 5 - 5,25% vào cuối năm nay, cao hơn lãi suất sau đợt tăng mới nhất. Điều này khiến giới phân tích tin rằng chu kỳ tăng lãi suất có thể chấm dứt sau một đợt tăng lãi suất nữa.
Tín hiệu dù còn mơ hồ được thể hiện qua sự thay đổi trong tuyên bố của ông Powell và Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan chịu trách nhiệm thiết lập chính sách của Fed.
Sau sự sụp đổ bất ngờ của SVB và Signature, cũng như việc các ngân hàng Credit Suisse và First Republic gặp vấn đề về vốn, FOMC nói rằng có thể chỉ cần thêm một số củng cố chính sách thay vì khẳng định cần "liên tục tăng lãi suất" để chống lạm phát như trước.
Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng tài chính mới nhất đã làm chệch hướng chính sách của Fed. Sau cuộc họp hồi tháng 2-2022, ông Powell vẫn lạc quan rằng cuộc chiến chống lạm phát đầy đau đớn đã thấy ánh sáng cuối đường hầm và nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể "hạ cánh mềm". Khi đó, Fed dự báo sẽ tăng lãi suất 0,5% trong tháng này.
Tuy nhiên, ngày 22-3 ông Powell thừa nhận đã cân nhắc ngừng tăng lãi suất sau sự sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ. Theo các nhà kinh tế của Goldman Sachs, ảnh hưởng của đợt sụp đổ ngân hàng tương đương với một hoặc hai đợt tăng lãi suất của Fed.
"Họ (Fed) sợ rằng họ đang tiến gần đến lớp băng mỏng. Giờ đây họ phải quyết định xem có nên tiếp tục hãm phanh nền kinh tế, hay một cuộc khủng hoảng tín dụng sắp xảy ra do sự sụp đổ của SVB và Signature sẽ làm điều đó.
Họ muốn hạ nhiệt lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng đóng băng sâu và đó là một điều rất khó" - bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng của Công ty kiểm toán KPMG, giải thích về thế khó của Fed.
Tiếp tục chống lạm phát
Với việc tiếp tục tăng chi phí vay, Fed cho thấy cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc.
"Chúng tôi cam kết khôi phục sự ổn định giá cả, và tất cả các bằng chứng đều cho thấy công chúng tin tưởng chúng tôi sẽ đưa lạm phát xuống 2%", ông Powell nói.
Đây sẽ là cuộc chiến dài khi các quan chức Mỹ chỉ kỳ vọng đưa lạm phát, đang ở mức 5,4% trong tháng 1-2023, về mức 3,3% vào cuối năm.
"Chúng ta vẫn đang ở trong tình thế cần thắt chặt các điều kiện tài chính để giảm lạm phát. Nhưng điều khó khăn lúc này là Fed không có nhiều quyền kiểm soát như họ từng nghĩ" - bà Swonk nói, cho rằng việc tăng lãi suất càng làm tăng nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ lún xuống lớp băng mỏng.
Tuy nhiên, các quan chức dường như đã tính toán kỹ rủi ro khi cho rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây có thể làm chậm nền kinh tế nhưng sẽ không lan ra thành một cuộc khủng hoảng tài chính lớn hơn.
Trong khi các ngân hàng lớn có nguồn vốn vững chắc, các tổ chức tài chính nhỏ hơn đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng thanh khoản do lãi suất tăng nhanh. Thêm nữa, việc hai ngân hàng sụp đổ vừa qua cũng gây ít nhiều sự mất niềm tin với ngành ngân hàng và cả với Fed.
Một số ý kiến cho rằng Fed vẫn chưa quyết định được sẽ đối phó với các diễn biến mới như thế nào. "Không tăng lãi suất sẽ thể hiện rõ hơn các lo ngại về hệ thống ngân hàng", tờ Financial Times dẫn lời nhà nghiên cứu David Page của công ty quản lý đầu tư Axa bình luận.
"Hệ thống ngân hàng của Mỹ vững vàng và linh hoạt" - FOMC khẳng định dù thừa nhận "những diễn tiến gần đây có thể dẫn đến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, việc tuyển dụng và lạm phát".
Fed hạ dự báo tăng trưởng Trong dự báo mới nhất, Fed cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống 0,4% trong năm nay trước khi tăng trở lại 1,2% vào năm 2024, trong khi tỉ lệ thất nghiệp dự kiến chạm đỉnh 4,6% vào năm sau. Dự báo này khiến nhiều chuyên gia tin rằng những gì đang xảy ra với các ngân hàng ở Mỹ sẽ lan rộng và có thể tác động đến nền kinh tế nước này trong tương lai. "Các tiêu chuẩn cho vay sẽ chặt chẽ hơn, các ngân hàng nói chung ngại rủi ro hơn và theo một nghĩa nào đó sẽ có tác động sâu sắc hơn đến nền kinh tế. Nó đồng nghĩa với rủi ro suy thoái đã tăng, một cuộc suy thoái sâu hơn so với dự đoán trước đây", chuyên gia Mitul Kotecha của Tổ chức TD Securities nhận định trên tờ Economic Times. |
Theo Trần Phương/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/kinh-te-my-sap-cham-bang-mong-20230324074811721.htm