Hungary tuyên bố sẽ không bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin theo lệnh của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), nếu nhà lãnh đạo Nga đặt chân lên lãnh thổ Hungary.
Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Gergely Gulyas, ngày 23/3 tuyên bố kể cả Hungary đã ký vào Quy chế Rome về ICC và phê chuẩn vào năm 2001, nhưng việc bắt giữ Tổng thống Nga Putin là không có cơ sở theo luật của Hungary.
"Chúng tôi có thể chiếu theo luật Hungary và trên cơ sở đó, chúng tôi không thể bắt giữ Tổng thống Nga. Quy chế của ICC chưa được chính thức sử dụng ở Hungary", ông Gulyas nói. Quan chức Hungary bình luận thêm, quyết định của ICC có thể khiến tình hình leo thang hơn nữa.
Tuyên bố của Hungary không quá bất ngờ đối với các nước châu Âu cũng như liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn dắt. Điều này là bởi, Thủ tướng Orban và chính quyền của ông có quan hệ gần gũi với Moscow. Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine tháng 2 năm ngoái, ông Orban là lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) phản đối mạnh mẽ nhất việc áp lệnh trừng phạt Moscow.
Hungary cũng là thành viên NATO phản đối phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông Orban cảnh báo, châu Âu có thể bị kéo vào xung đột Ukraine. Chính quyền của ông Orban không ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.
ICC ngày 17/3 đã phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".
Đây không phải lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia đang tại nhiệm, nhưng cơ quan này chưa từng có động thái như vậy với lãnh đạo của một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Về lý thuyết, 123 quốc gia thành viên ICC có nghĩa vụ thực thi lệnh bắt giữ nếu như Tổng thống Putin đặt chân lên lãnh thổ những nước này. Tuy nhiên, việc thực thi hay không tùy thuộc vào mỗi quốc gia với những lý do khác nhau. Ví dụ, năm 2015, Nam Phi từng từ chối thực thi lệnh bắt của ICC đối với Tổng thống Omar al-Bashir khi ông đến thăm nước này. Nam Phi cho rằng, họ không có trách nhiệm thực thi theo luật quốc tế và Quy chế Rome để bắt người đứng đầu nhà nước không tham gia ICC như ông Omar al-Bashir. Nhiều quốc gia khác mà ông Omar al-Bashir đến thăm cũng từ chối bắt giữ ông.
Nga coi lệnh bắt giữ của ICC với Tổng thống Putin là "vô hiệu và không thể chấp nhận được".
Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016. Do vậy, Nga không công nhận quyền thực thi pháp lý của tòa án này và coi tất cả các tuyên bố chính thức của cơ quan trên là không có giá trị và không có hiệu lực về mặt pháp lý".
Đến nay, Đức là nước duy nhất công khai tuyên bố sẽ thực thi lệnh của ICC về việc bắt giữ ông Putin.
Đáp lại, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, nếu Đức quyết định thực thi bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin theo lệnh của ICC, Nga sẽ coi đó là lời tuyên chiến.
"Hãy tưởng tượng, nguyên thủ đương nhiệm của một quốc gia hạt nhân đến lãnh thổ Đức và bị bắt. Điều này có nghĩa là gì? Là một lời tuyên chiến với Nga", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev phát biểu ngày 22/3 với các hãng truyền thông quốc gia.
Theo Minh Phương/Dân trí (nguồn Reuters)
https://dantri.com.vn/the-gioi/quoc-gia-nato-tuyen-bo-khong-bat-giu-ong-putin-theo-lenh-cua-icc-20230324071742589.htm