Sử dụng lãng phí và những tác động của biến đổi khí hậu có thể gây ra cuộc khủng hoảng nước toàn cầu vượt tầm kiểm soát, Liên hợp quốc cảnh báo.
Một hồ nước khô cạn ở California, Mỹ hồi tháng 10/2022 (Ảnh: Getty).
Theo Báo cáo Phát triển Nguồn nước Thế giới của Liên hợp quốc công bố ngày 21/3, lượng tiêu thụ nước toàn cầu đã tăng khoảng 1%/năm trong 40 năm qua do dân số tăng và sự thay đổi trong cách thức tiêu thụ nước.
Báo cáo dự đoán, đến năm 2050, số người ở các thành thị phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sẽ tăng gần gấp đôi từ 930 triệu người năm 2016 lên 2,4 tỷ người.
"Nếu không hành động để giải quyết vấn đề khan hiếm nước, điều này chắc chắn sẽ kéo theo một cuộc khủng hoảng toàn cầu", Richard Connor, tác giả của báo cáo, nhận định.
Theo báo cáo, hiện tại khoảng 2 tỷ người trên thế giới không có nước sạch để uống, 3,6 tỷ người không được tiếp cận hệ thống vệ sinh đảm bảo. Khoảng 10% dân số toàn cầu đang phải sống ở các quốc gia đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, hiện tượng khô hạn có thể sẽ phổ biến hơn ở những khu vực hiện được coi là giàu tài nguyên nước như Trung Phi, Đông Á, một phần Nam Mỹ. Trong khi đó, tình trạng khan hiếm sẽ ngày càng tồi tệ hơn ở Trung Đông và Sahel, vùng đất khô cằn phía nam sa mạc Sahara của châu Phi. Biến đổi khí hậu khiến hạn hán nghiêm trọng và kéo dài trở nên phổ biến hơn, từ đó gây sức ép lên hệ sinh thái.
Theo ông Connor, một trong những biện pháp tốt nhất để đối phó vấn đề trên là tăng cường hợp tác quốc tế, tránh tranh chấp, mâu thuẫn về nguồn nước. "Nguồn nước là tương lai chung của nhân loại, vì vậy, chúng ta cần chung tay, chia sẻ công bằng và quản lý bền vững", ông nhấn mạnh.
Theo Minh Phương/Dân trí (Nguồn UN)
https://dantri.com.vn/the-gioi/khung-hoang-nuoc-toan-cau-co-nguy-co-vuot-kiem-soat-20230322214811067.htm