Cuộc gặp thượng đình trong tuần này giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đánh dấu một thời điểm quan trọng khác trong mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai cường quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ ký kết văn kiện sau hội đàm ngày 21/3 (Ảnh: Reuters).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày tới Nga theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.
"Sức nóng" chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc lần này càng được thể hiện rõ khi nó trở thành trọng tâm chú ý của giới truyền thông thế giới, nhất là trong bối cảnh tình hình chiến sự Nga - Ukraine vẫn diễn biến khốc liệt.
Đây cũng là chuyến đi mà Trung Quốc muốn thúc đẩy hòa bình, trong đó Trung Quốc và Nga thúc đẩy thực hiện chủ nghĩa đa phương thật sự, một nền kinh tế thế giới đa cực và nền dân chủ rộng lớn trong quan hệ quốc tế, cải thiện quản trị toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển và tiến bộ của thế giới.
Ngoài kỳ vọng sẽ mở ra đường hướng cho sự phát triển của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Nga - Trung trong một kỷ nguyên mới, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Moscow, nơi ông có cuộc hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Putin, được mong chờ sẽ mang lại một giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine.
Sự kiện lần này, diễn ra hơn 1 năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, được các quan chức phương Tây theo dõi chặt chẽ để tìm ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc có thể sẵn sàng hành động như một bên trung gian hòa giải trong cuộc xung đột đến mức nào.
Phía Trung Quốc đã định hình cuộc họp thượng đỉnh với Nga mang sứ mệnh thúc đẩy các cuộc đàm phán mang tính xây dựng giữa Moscow và Kiev, mặc dù các quan chức Mỹ vẫn hoài nghi về những nỗ lực gần đây của ông Tập Cận Bình trên con đường trở thành một nhà kiến tạo hòa bình toàn cầu.
Mối quan hệ thân thiết
Trong những năm qua, Trung Quốc và Nga duy trì lập trường ủng hộ lẫn nhau trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của nhau, các dự án hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm được triển khai đều đặn và đạt nhiều tiến bộ mang tính bước ngoặt trong kết nối xuyên biên giới. Năm 2022, thương mại hai chiều đạt mức cao kỷ lục 190,27 tỷ USD.
Ông Putin và ông Tập trong cuộc gặp ở Uzbekistan hồi tháng 9/2022, nơi hai nhà lãnh đạo nhất trí thực hiện thêm các cuộc tập trận quân sự chung (Ảnh: Sputnik).
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Nga lần này của nhà lãnh đạo Trung Quốc được đánh giá là sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực, tăng cường sức mạnh tổng hợp giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Liên minh Kinh tế Á - Âu, đồng thời giúp hai nước đạt được các mục tiêu phát triển trong tương lai.
Ông Vitaly Mankevich, Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga - châu Á, đánh giá chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là "một tín hiệu quan trọng" cho thấy sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước.
Trong ngày 21 và 22/3, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập đã hội đàm cùng nhau, trao đổi về nhiều vấn đề như: thảo luận thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược; trao đổi quan điểm về các vấn đề lớn của khu vực và thế giới, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine.
Điện Kremlin cho biết cả hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về đề xuất hòa bình của Bắc Kinh trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Khi được hỏi liệu có bất kỳ tiến triển nào với vấn đề này hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Tôi sẽ không đưa ra bất kỳ đánh giá nào. Hãy chờ tuyên bố của các nhà lãnh đạo".
Trên thực tế Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh chính thức, có nghĩa là họ không cam kết bảo vệ lẫn nhau bằng việc hỗ trợ quân sự như các nước NATO. Nhưng hai nước là đối tác chiến lược thân thiết, một mối quan hệ sâu sắc hơn tại thời điểm Nga bị các nước phương Tây trừng phạt và cô lập do cuộc chiến tại Ukraine.
Các quan chức Trung Quốc đã nói rằng mối quan hệ với Nga hiện tại đang ở "mức cao nhất lịch sử". Mặc dù vậy, trong quá khứ, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga không phải lúc nào cũng nồng ấm như vậy. Hai bên từng là đối thủ trong những năm 1960 và từng đụng độ vào năm 1969 vì tranh chấp lãnh thổ dọc biên giới, thậm chí khi đó còn xuất hiện lo ngại xảy ra một cuộc đối đầu hạt nhân giữa hai nước.
Cả hai cũng đang cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Á, khu vực mà Nga từ lâu đã coi là "sân sau" của mình nhưng cũng đang ngày càng trở nên quan trọng đối với tham vọng địa chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh đang xây dựng thêm nhiều tuyến đường sắt, đường cao tốc và đường ống dẫn năng lượng ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan và Uzbekistan, những Trung Quốc vẫn dựa vào Nga như một đối tác an ninh quan trọng.
Mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa ông Tập và Putin
Ngay khi đến Nga ngày 20/3, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập đã có cuộc gặp không chính thức tại Điện Kremlin. Truyền thông Nga đưa tin cuộc họp kéo dài gần 4 giờ rưỡi. Theo thông cáo của Điện Kremlin, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập đã gọi nhau là "người bạn thân thiết". Sau đó, vào ngày 21/3, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm chính thức tại Điện Kremlin.
Thực tế là, Chủ tịch Tập Cận Bình, với tư cách là nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đến thăm Nga 8 lần kể từ năm 2013. Trong một thập niên qua, ông Putin và ông Tập cũng đã gặp nhau hơn 40 lần dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ông Putin tặng kem mừng sinh nhật ông Tập khi họ gặp nhau ở Tajikistan năm 2019 (Ảnh: AFP).
Cuộc gặp lần này càng mang một ý nghĩa đặc biệt và nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Ngoài việc khẳng định quan hệ gắn bó giữa hai láng giềng, cuộc gặp gỡ giữa ông Tập và ông Putin còn được kỳ vọng sẽ phát đi những tín hiệu quan trọng vào thời điểm cuộc xung đột Nga - Ukraine leo thang.
Ngay trước khi chiến sự Ukraine bùng nổ, ông Tập và ông Putin đã tuyên bố công khai rằng, mối quan hệ của hai nước "không có giới hạn". Ông Tập thường mô tả ông Putin là người bạn thân nhất của mình. Trong một diễn đàn kinh tế ở Nga năm 2018, hai nhà lãnh đạo cùng chiên bánh xèo Nga và uống vodka. Vào sinh nhật lần thứ 66 của ông Tập hồi năm 2019, ông Putin đã tặng nhà lãnh đạo Trung Quốc một chiếc bánh kem và một hộp kem khổng lồ.
Trong bài báo đăng trên một tờ báo Trung Quốc hôm 19/3, ông Putin cho biết hai người đang có "mối quan hệ nồng ấm nhất", nhấn mạnh về việc đã gặp nhau khoảng 40 lần trong những năm gần đây và luôn thoải mái trò chuyện vui vẻ thân thiết cùng nhau tại các sự kiện chính trị.
Đối trọng với phương Tây
Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nga đã tăng cường đáng kể sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng nổ vào năm 2014, khi Crimea sáp nhập về với Nga.
Vào thời điểm đó, đối mặt với làn sóng trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga đã hướng sang Trung Quốc. Và hiện nay, trước các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn, Nga cũng chuyển hướng thị trường sang Trung Quốc.
Nga và Trung Quốc đã điều các máy bay ném bom tuần tra chung trên vùng biển ở Đông Bắc Á khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Nhật Bản hồi tháng 5/2022 (Ảnh: Reuters).
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2022 tăng hơn 29% so với năm trước và đạt mức kỷ lục hơn 190 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Nga tăng gần 13%, đạt hơn 76 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Nga tăng hơn 43%, đạt hơn 114 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, Tổng thống Putin cần Bắc Kinh giúp củng cố nền kinh tế đang gặp khó khăn do hứng chịu trừng phạt và tình hình chiến sự. Đối với nhà lãnh đạo Nga, Bắc Kinh ngày càng trở thành huyết mạch cho đầu tư và thương mại của Moscow. Sau khi các nước phương Tây hạn chế mua dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga vào năm ngoái, Trung Quốc đã giúp bù đắp sự sụt giảm bằng cách mua thêm năng lượng từ Nga.
Các quan chức Mỹ nhận định, khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ, Nga đã đề nghị Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự và hỗ trợ kinh tế. Giới chức Mỹ gần đây cũng nói rằng, Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng ở Ukraine, nhưng Bắc Kinh hoàn toàn bác bỏ.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn người đồng cấp Putin xem ông như một đồng minh cùng chí hướng trong chiến lược chống lại sự thống trị của Mỹ và phương Tây. Trong một bài viết đăng trên một tờ báo Nga hôm 20/3, ông Tập cho biết Trung Quốc và Nga cần hợp tác để vượt qua các thách thức trong vấn đề an ninh của họ, bao gồm "các hành vi bá quyền, thống trị và bắt nạt gây thiệt hại lớn".
Ông Tập đã theo đuổi lập trường cứng rắn hơn chống lại điều mà ông gọi là "nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc". Nhà lãnh đạo này đã kêu gọi các ngành công nghiệp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.
Trung Quốc đã mua nhiều vũ khí tân tiến hơn từ Nga để hiện đại hóa quân đội và cả hai nước đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung. Năm ngoái, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở thăm Tokyo, Trung Quốc và Nga đã điều máy bay ném bom tuần tra chung gần các khu vực phòng không của Nhật Bản trong động thái được cho là mang "thông điệp sâu sắc" gửi đến ông Biden.
Theo Thanh Thành/Dân trí (nguồn AP, New York Times)
https://dantri.com.vn/the-gioi/vi-sao-nga-trung-ngay-cang-xich-lai-gan-nhau-20230321170735905.htm