24
/
144136
Washington cấp tập tăng cường liên minh trước Bắc Kinh
washington-cap-tap-tang-cuong-lien-minh-truoc-bac-kinh
news

Washington cấp tập tăng cường liên minh trước Bắc Kinh

Thứ 3, 14/03/2023 | 10:15:03
2,215 lượt xem

Mỹ đã và đang thực hiện một loạt động thái để củng cố, đẩy mạnh hợp tác quân sự với các đồng minh để đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hôm qua (13.3), Thủ tướng Anh Rishi Sunak đến TP.San Diego (bang California, Mỹ) để có cuộc gặp với Tổng thống chủ nhà Joe Biden và Thủ tướng Úc Anthony Albanese. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Sunak đến Mỹ trên cương vị Thủ tướng Anh.

Mỹ củng cố quan hệ với các đồng minh

Theo truyền thông Anh, kết quả cuộc gặp dự kiến công bố việc cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc theo thỏa thuận của nhóm AUKUS (gồm Mỹ, Anh, Úc) ngay từ khi được hình thành vào năm 2021. Trước đó, Reuters dẫn một số nguồn tin thân cận cho hay Canberra dự kiến mua tới 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia của Washington và việc tiếp nhận sẽ diễn ra trong thập niên 2030. Trong tương lai gần, Mỹ dự kiến điều động tàu ngầm hạt nhân đến đồn trú tại Úc từ năm 2027. Những chương trình hợp tác này của AUKUS nhằm ứng phó các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Gần đây và sắp tới, Mỹ đã và đang đẩy mạnh việc củng cố hợp tác với các đồng minh ở Indo-Pacific. Ngày 10.3 vừa qua, phái đoàn cấp cao của Mỹ và Canada đã có cuộc đối thoại lần đầu về Indo-Pacific. Động thái này diễn ra sau khi cuối năm ngoái, Canada công bố chiến lược về Indo-Pacific.

Washington cấp tập tăng cường liên minh trước Bắc Kinh - Ảnh 1.

Tàu ngầm USS Mississippi thuộc lớp Virginia của Mỹ trong một lần cập cảng thăm Úc

Dự kiến, trong tháng 4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thăm chính thức Mỹ và có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden. Tuần trước, Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao của Hàn Quốc tiết lộ nước này có kế hoạch "chủ động tăng tốc" việc tham gia các nhóm chuyên trách của "Bộ tứ" (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ). Nhiều thông tin nhận định Seoul có thể sẽ là thành viên tiếp theo của nhóm này.

Cùng ngày 13.3, tờ South China Morning Post dẫn phát biểu từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ngày 12.3 đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ đối với chính phủ của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr về việc tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ. Vừa qua, Washington và Manila thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ ở Philippines. Không những vậy, hai bên còn xem xét điều động lực lượng tuần duyên để tuần tra chung ở Biển Đông. Mỹ cùng với Philippines và Nhật Bản, Úc cũng dự định tuần tra hải quân chung ở Biển Đông.

Chính vì thế, giới quan sát nhận định Washington đang tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác để đối phó các hành động của Bắc Kinh ở Indo-Pacific.

Tăng cường hợp tác, thu hẹp khoảng cách

Trả lời Thanh Niên ngày 13.3, PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công - Trường Khoa học xã hội - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) nhận định: "Các đồng minh của Mỹ đang muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Washington. Chính quyền của Tổng thống Yoon cũng thể hiện mong muốn khẳng định vai trò chiến lược ở Indo-Pacific. Canada cũng đã xây dựng chiến lược Indo-Pacific từ tháng 11.2022. Các nước muốn phối hợp duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực. Tuy nhiên, nếu AUKUS tập trung vào khả năng quân sự, thì Canada và Hàn Quốc có xu hướng phối hợp về chính sách chung với các nước có cùng chí hướng. Các đồng minh của Mỹ đang liên kết chặt chẽ hơn với nhau thông qua ngoại giao tích cực".

Cũng trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (Chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản; Học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore) chỉ ra: "Trong bối cảnh Mỹ cho rằng các mối đe dọa ngày càng lớn từ CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Nga, nên với Mỹ thì điều cấp thiết là củng cố lực lượng đối trọng. Do sức ảnh hưởng đang bị suy giảm trên quy mô toàn cầu, Washington  muốn các đồng minh đóng vai trò lớn hơn trong việc ngăn chặn các mối đe dọa".

"Tuy nhiên, các quan hệ đối tác và đồng minh của Mỹ không tránh khỏi sự khác biệt lẫn cạnh tranh. Điển hình, Nhật Bản cùng với Anh và Ý hợp tác phát triển chiến đấu cơ mới mà không có sự tham gia của Mỹ. Còn Hàn Quốc thì dù là một bên tham gia chương trình chiến đấu cơ F-35 nhưng vẫn bị hạn chế việc làm chủ hoàn toàn công nghệ của dòng chiến đấu cơ này. Rồi "liên minh chip bán dẫn" do Washington dẫn đầu cũng đã tác động để các nhà sản xuất chip nhớ Hàn Quốc cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc, chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ", GS Sato phân tích.

Ông cũng nhận định: "Một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Hàn sắp đến sẽ cố gắng thu hẹp những bất đồng giữa hai bên đồng thời "hâm nóng" nỗ lực hướng tới hợp tác ba bên chặt chẽ hơn, bao gồm cả Nhật Bản. Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol đã có sự thay đổi về chính sách đối ngoại theo xu hướng cứng rắn với Triều Tiên nhưng cởi mở hơn với Nhật Bản nhằm tranh thủ Washington tăng cường cam kết với Seoul. Cũng nằm trong nỗ lực này, Seoul đã hủy bỏ quyết định đình chỉ đối với thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo cùng Tokyo".

Xu thế hợp tác mới

Ở khía cạnh khác, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: "Mô hình hợp tác song phương hoặc đa phương với ít thành viên như AUKUS đang trở thành xu hướng phát triển, khi các mô hình hợp tác đa phương với nhiều thành viên vốn khó có thể đạt đồng thuận cao, nhất là với các mô hình hợp tác ở khu vực đang bị Trung Quốc tác động mạnh. Liên minh kiểu AUKUS sẽ loại bỏ nhược điểm vừa nêu, khó bị chia rẽ nên dễ dàng tăng cường phối hợp để đẩy mạnh năng lực răn đe ở Indo-Pacific trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy".

"AUKUS lẫn "Bộ tứ" đang là các mô hình ẩn chứa khả năng răn đe cần thiết để ứng phó sự trỗi dậy của Trung Quốc vốn đang tìm cách kiểm soát Biển Đông và nhiều khu vực khác ở Indo-Pacific", PGS Nagy kết luận. 

Mỹ - Hàn bắt đầu tập trận, Triều Tiên phóng thử tên lửa từ tàu ngầm

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 13.3 đưa tin CHDCND Triều Tiên vừa tập trận phóng tên lửa hành trình chiến lược từ tàu ngầm thành công. Tên lửa phóng từ tàu ngầm "8.24 Yongung" ở vùng biển phía đông nước này vào ngày 12.3, bay khoảng 1.500 km trong hơn 126 phút, trước khi trúng mục tiêu trên biển.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho hay quân đội đang trong tình trạng báo động cao và cơ quan tình báo nước này đang phối hợp với Mỹ để phân tích chi tiết về cuộc phóng, theo Reuters. Quân đội Hàn Quốc và Mỹ ngày 13.3 bắt đầu cuộc tập trận chung Lá chắn Tự do kéo dài 11 ngày, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ. 

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/washington-cap-tap-tang-cuong-lien-minh-truoc-bac-kinh-185230313141147707.htm

  • Từ khóa

'NATO chưa sẵn sàng cho cuộc chiến kéo dài'

NATO trong thời gian dài đã quá chú trọng vào hoạt động chống khủng bố, thay vì để tâm đến một đối thủ hùng mạnh.
16:23 - 24/11/2024
281 lượt xem

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam

Đầu giờ chiều 24-11, chuyên cơ chở Tổng thống Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt...
16:18 - 24/11/2024
267 lượt xem

Giới trí thức Hàn Quốc quá thất vọng, yêu cầu tổng thống từ chức

Tính đến ngày 22-11, hơn 3.000 giáo sư và nhà nghiên cứu từ 55 trường đại học tại Hàn Quốc đã đồng loạt chỉ trích và kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ...
12:12 - 24/11/2024
366 lượt xem

Pháp để ngỏ chuyện đưa quân đến Ukraine, Nga cảnh báo Pháp, Anh

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot khẳng định Paris không đặt ra bất kỳ “lằn ranh đỏ” nào liên quan đến việc hỗ trợ Ukraine.
08:29 - 24/11/2024
482 lượt xem

Nga tuyên bố tiếp tục tấn công bằng tên lửa Oreshnik

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ tiến hành nhiều cuộc tấn công nữa bằng tên lửa siêu thanh mới “không thể đánh chặn” mang tên Oreshnik.
20:41 - 23/11/2024
769 lượt xem