Sự kiện Iran và Saudi Arabia - hai cường quốc đối thủ ở Trung Đông - thông báo tái lập quan hệ ngoại giao đã gây bất ngờ. Nhiều ý kiến đánh giá cấu hình mới cho khu vực đang thành hình. Các xung đột trong khu vực có thể được giải tỏa.
Báo Iran đưa tin thỏa thuận Iran - Saudi lên trang nhất ngày 11-3 - Ảnh: Icibeyrouth
Sự kiện hai cựu thù ở Trung Đông là Iran và Saudi Arabia tuyên bố bình thường hóa quan hệ, mở lại cơ quan ngoại giao ở mỗi nước được xem là bước đột phá lớn trong quan hệ quốc tế và có thể dẫn đến nhiều hệ quả. Gần như ngay lập tức, quyết định công bố vào ngày 10-3 này được khắp nơi chào đón và ngợi khen.
Thông điệp không mấy tế nhị mà Trung Quốc gửi đi là trong khi Mỹ là cường quốc quân sự vượt trội ở vùng Vịnh thì Trung Quốc là sự hiện diện ngoại giao hùng mạnh và ngày càng gia tăng.
TS Jon Alterman (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS)
Iran và Saudi đã cắt đứt quan hệ ngoại giao từ năm 2016, nhưng mâu thuẫn có nguồn gốc sâu xa từ lịch sử và tôn giáo. Iran theo dòng Hồi giáo Shia, còn Saudi theo dòng Sunni. Hai dòng Hồi giáo này đã chia rẽ từ thế kỷ thứ VII. Gần đây hơn, Iran hỗ trợ các nhóm Shia trong khi Saudi hậu thuẫn các nhóm Sunni trong các xung đột trong khu vực.
Saudi đã từng giúp Iraq trong chiến tranh chống Iran năm 1980 - 1988. Trong nội chiến kéo dài từ năm 2011 ở Syria, Iran đứng về phía Tổng thống Bashar al-Assad, còn Saudi hỗ trợ quân nổi dậy. Tại Yemen, trong nội chiến từ năm 2014, Saudi ra sức giúp đỡ chính phủ lưu vong, ngược lại Iran lại "chống lưng" cho phiến quân Houthi.
Theo báo The Hill (Mỹ), nếu Saudi quyết định dừng hậu thuẫn cho quân nổi dậy ở Syria, quân đội chính phủ chắc chắn sẽ chiếm được lợi thế chiến lược và ngày tàn của quân nổi dậy có thể sắp đến. Tại Yemen, Saudi đã gây sức ép để kết thúc nội chiến và đầu năm nay thông báo đã đạt được nhiều tiến bộ. Với thỏa thuận Iran - Saudi, cuộc chiến giữa quân chính phủ và quân nổi dậy ở Yemen có khả năng đi đến hồi kết.
TS chính trị học Hasni Abidi - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thế giới Ả Rập và Địa Trung Hải tại Genève (Thụy Sĩ) - nhận xét niềm tin giữa Iran và Saudi đã tan vỡ từ lâu, vì vậy họ đã chọn Trung Quốc làm trung gian trong quá trình đàm phán nối lại quan hệ.
Ba năm trước, Trung Quốc đã bày tỏ thái độ quan tâm làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi bởi Bắc Kinh có nhiều ưu tiên quan trọng đối với Saudi (mua số lượng dầu thô đáng kể từ nước này) cũng như đối với Iran.
Vai trò của Trung Quốc trong thỏa thuận Iran - Saudi có thể làm suy yếu vị thế của Mỹ ở Trung Đông. Mỹ có quan hệ lâu đời với Saudi nhưng gần đây lại phát sinh căng thẳng, nhất là sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại dã man vào năm 2018.
Còn với Iran, quan hệ hai nước đã căng thẳng từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, vì vậy Washington khó lòng đứng ra dàn xếp một thỏa thuận thành công như Bắc Kinh đã làm được.
Thỏa thuận Iran - Saudi là dấu hiệu Trung Quốc sẽ tham gia nhiều hơn vào các cam kết ngoại giao ở Trung Đông. Nhà phân tích Jonathan Panikoff - giám đốc chương trình Sáng kiến an ninh Trung Đông Scowcroft (Mỹ), nhận xét: "Đây có thể là lời cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ rằng rời Trung Đông và từ bỏ quan hệ với các đồng minh đôi lúc gây khó chịu, thậm chí là tàn nhẫn nhưng lâu đời, đơn giản là bạn sẽ để lại khoảng trống cho Trung Quốc lấp đầy".
Israel bị việt vị
Thỏa thuận Iran - Saudi có thể là tin không mấy tốt lành đối với Israel. Từ lâu Israel đã chỉ trích gay gắt chương trình hạt nhân của Iran và phản đối thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (Iran hạn chế chương trình hạt nhân để được Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt).
Gần đây, Israel đã tăng cường quan hệ với một số láng giềng Ả Rập, phần lớn thông qua thỏa thuận hòa bình Abraham 2019 (thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain).
Sudan và Morocco đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Israel đang trông đợi bình thường hóa quan hệ với Saudi nhằm cô lập Iran và hình thành liên minh khu vực đề phòng có hành động quân sự đối với Iran. Bây giờ, toan tính của Israel xem như "đổ sông đổ biển". Thỏa thuận Iran - Saudi vô hình trung đã giúp Iran thoát khỏi thế cô lập.
Tuy nhiên, Saudi và Iran sẽ còn tiếp tục đàm phán nhiều hồ sơ gai góc khác. Cần chờ xem Iran thể hiện thái độ hợp tác đến mức nào mới có thể đánh giá toàn diện hệ quả lâu dài của thỏa thuận Iran - Saudi.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ngoi-no-trung-dong-da-duoc-thao-20230313075110536.htm