Dù chính quyền Mỹ đến nay vẫn chưa giải thích rõ ràng những vật thể lạ không xác định bị bắn hạ cuối tuần qua là gì, nhưng căng thẳng Mỹ - Trung liên quan đến các cáo buộc do thám tiếp tục leo thang.
Mỹ cho biết đã vớt được nhiều phần quan trọng của khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ - Ảnh: REUTERS
Kể từ sau khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu "do thám" của Trung Quốc ngày 4-2, Washington tiếp tục bắn hạ ba vật thể không xác định ở phía bắc bang Alaska, lãnh thổ Yukon của Canada và mới đây là trên hồ Huron, bang Michigan.
Cùng lúc một khinh khí cầu lớn khác của Trung Quốc được cho là đang bay qua Costa Rica, Colombia và Venezuela. Mỹ cũng cáo buộc đội khinh khí cầu do thám của Trung Quốc hoạt động khắp bắc bán cầu trong những năm qua.
Không phải người ngoài hành tinh
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 13-2, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby trấn an mọi người: "Tôi không nghĩ người dân Mỹ cần phải lo lắng về người ngoài hành tinh". Ông nói sẽ có thêm thông tin sau khi vớt được các mảnh vỡ của những vật thể đó.
Tương tự, Nhà Trắng khẳng định "không có dấu hiệu nào về người ngoài hành tinh hoặc hoạt động ngoài trái đất", trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho rằng những thiết bị này chỉ gây ra mối đe dọa với hàng không dân sự và thu thập thông tin tình báo.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp một số chi tiết về khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ. Ngày 13-2, họ cho biết đã thu hồi xong các phần quan trọng của nó, gồm các cảm biến và thiết bị điện tử.
Tuy nhiên tất cả vẫn chưa giải đáp được các câu hỏi: nguồn gốc hay mục đích của các vật thể lạ là gì? Thay vào đó, ông Kirby tiếp tục nêu những cáo buộc về chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.
"Nó đã hoạt động từ chính quyền trước (của tổng thống Donald Trump), nhưng họ không phát hiện ra. Chúng tôi đã phát hiện, chúng tôi theo dõi nó... Chúng tôi biết rằng những khinh khí cầu do thám này của Trung Quốc đã bay qua hàng chục quốc gia trên nhiều lục địa trên thế giới, bao gồm một số đồng minh và đối tác thân cận nhất của chúng tôi", ông nhấn mạnh.
Lầu Năm Góc nói khinh khí cầu Trung Quốc bị phát hiện hoạt động ở Mỹ Latin, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Đông Á và châu Âu, trong vài năm qua.
Trung Quốc phản ứng gay gắt
Ngày 14-2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Mỹ đã đưa hơn 10 khinh khí cầu tầm cao bay trái phép vào không phận Trung Quốc và của các nước khác kể từ tháng 5-2022. "Mỹ cần tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và đưa ra lời giải thích cho Trung Quốc về việc này", Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân.
Phát biểu này cũng tương tự cáo buộc Bắc Kinh đưa ra một ngày trước đó nhưng phía Mỹ đã lên tiếng bác bỏ. "Cũng chẳng phải chuyện hiếm khi Mỹ xâm phạm không phận của các nước khác. Chỉ từ năm ngoái thôi, khinh khí cầu Mỹ đã bay phi pháp trên bầu trời Trung Quốc hơn 10 lần mà không hề có sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu. Bắc Kinh cũng khẳng định không hay biết gì về ba vật thể mới nhất bị Mỹ bắn hạ.
Quan hệ Mỹ - Trung chìm sâu thêm trong căng thẳng kể từ lúc khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ. Bắc Kinh cho rằng Mỹ đã phản ứng thái quá trước một khinh khí cầu dân sự của họ bị gió thổi lạc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy kế hoạch thăm Bắc Kinh và Washington mới đây đưa vào danh sách đen năm công ty và một viện nghiên cứu của Trung Quốc liên quan đến chương trình khinh khí cầu.
Theo giới quan sát, việc đẩy vấn đề khinh khí cầu lên cao trào, gồm việc thông báo cho hàng chục nước, cho thấy Washington đang muốn tập hợp và thuyết phục các đồng minh về nguy cơ bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Tuy nhiên, nó cũng kéo quan hệ hai nước tiếp tục đi xuống.
Khi được hỏi liệu sự cố khinh khí cầu và phản ứng của Bắc Kinh có cản trở quan hệ Mỹ - Trung hay không, ông Kirby nói: "Điều đó chắc chắn không giúp chúng tôi tiến tới theo cách mà chúng tôi muốn".
Vì sao liên tục phát hiện các vật thể lạ?
Sở dĩ ba vật thể liên tiếp bị phát hiện cuối tuần qua là vì Bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD) đã điều chỉnh radar để chủ động dò tìm chúng sau sự việc khinh khí cầu Trung Quốc.
Ngoài ra, các vật thể này nhỏ hơn nhiều so với khinh khí cầu Trung Quốc và cũng bay tầm thấp hơn nên thời gian để Washington bắn hạ cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, ông David Deptula, cựu phó tham mưu trưởng phụ trách tình báo của không quân Mỹ, cho biết vụ việc cũng đặt ra thách thức đối với hệ thống hiện tại của Mỹ.
"Các khinh khí cầu khó bị radar phát hiện vì chúng làm từ vật liệu mỏng và không có nhiều thiết bị trên đó", ông Deptula nhận định trên tờ Financial Times.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/my-chua-co-loi-giai-cho-cac-vat-the-la-20230214230141431.htm