Xung đột Nga - Ukraine đứng trước bước ngoặt khi phương Tây đồng loạt tuyên bố sẽ cung cấp xe tăng cho Ukraine, một động thái mà Nga cho rằng cực kỳ nguy hiểm và sẽ đẩy căng thẳng lên một nấc mới.
"NẮM ĐẤM THÉP" CHO UKRAINE
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 25/1 thông báo trước quốc hội rằng, nước này sẽ gửi 14 xe tăng Leopard tới Ukraine sau nhiều tháng cân nhắc cũng như đàm phán căng thẳng với các thành viên NATO. "Đây là kết quả của các cuộc tham vấn chuyên sâu với các đối tác quốc tế và châu Âu gần gũi nhất của Đức", thông cáo của chính phủ Đức cho hay.
Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden phê chuẩn viện trợ 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Phát biểu từ Nhà Trắng, ông Biden nói rằng, những xe tăng "uy lực nhất thế giới" này sẽ "giúp Ukraine tăng cường năng lực bảo vệ lãnh thổ và đạt được các mục tiêu chiến lược" cả trong tương lai gần và xa.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby lý giải, quyết định gửi xe tăng M1 Abrams cho Ukraine là do tình hình xung đột thực địa ở Ukraine thay đổi. "Kể từ khi cuộc chiến này bắt đầu cách đây 11 tháng, chúng tôi đã và đang phát triển các khả năng mà chúng tôi cung cấp cho Ukraine, tùy vào tình hình thực địa", ông Kirby nói.
Nhiều quốc gia khác ở châu Âu cũng bày tỏ mong muốn viện trợ một số xe tăng của họ cho Ukraine. Anh tuyên bố viện trợ 12 xe tăng Challenger 2 do nước này sản xuất cho Ukraine. Ba Lan sẵn sàng cấp khoảng 70 xe tăng gồm Leopard và các loại khác.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết chính phủ của ông sẽ "xem xét nghiêm túc" việc mua 18 xe tăng Leopard 2 từ Đức và gửi chúng tới Ukraine.
Tây Ban Nha cũng cho biết, họ sẵn sàng phối hợp với các đồng minh để gửi xe tăng cho Kiev, theo hãng tin EFE của Tây Ban Nha, trong khi Na Uy được cho là đang xem xét đóng góp thêm.
Theo giới chức Ukraine, đến nay, nước này đã nhận được cam kết viện trợ 321 xe tăng từ các quốc gia phương Tây.
Đây là một bước đột phá trong nỗ lực hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho Kiev. Nói cách khác, Ukraine sẽ sớm sở hữu một loại xe tăng hiện đại, thứ sẽ giúp tăng cường đáng kể kho vũ khí của họ trước cuộc giao tranh trên bộ mới được dự đoán xảy ra vào mùa xuân.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, xe tăng Leopard có thể hoạt động tại Ukraine sau khoảng 3 tháng nữa. Trong khi đó, kế hoạch sử dụng xe tăng Abrams sẽ phải chờ đợi lâu hơn, vì Mỹ cần vận chuyển thành công xe tăng vượt qua Đại Tây Dương và hệ thống của Abrams cũng phức tạp hơn.
Một số nước cam kết viện trợ xe tăng hiện đại cho Ukraine tính đến ngày 27/1/2023 (Đồ họa: Statista)
VÌ SAO UKRAINE CẦN XE TĂNG?
Ngay từ đầu cuộc xung đột, quân đội Ukraine đã sử dụng xe tăng thời Liên Xô sẵn có trong kho và do các đồng minh Đông Âu viện trợ. Kể từ đó đến nay, Kiev đã mất hàng trăm xe tăng. Hiện giờ, Ukraine mong muốn bổ sung lực lượng thiết giáp của mình bằng các mẫu xe tăng hiện đại của phương Tây để cải thiện rõ rệt năng lực trước nguy cơ leo thang chiến sự vào mùa xuân.
Sĩ quan cấp cao nhất của quân đội Ukraine, tướng Valerii Zaluzhniy, hồi tháng 12/2022 cho biết Nga nhiều khả năng sẽ tấn công vào bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3.
"Nếu Ukraine muốn có bất kỳ cơ hội nào để tiến hành cuộc phản công, họ cần có sự cơ động với súng hạng nặng. Họ cần thứ gì đó thực sự có thể tiêu diệt xe tăng Nga từ xa", một nhà ngoại giao EU bình luận.
Theo các chuyên gia, địa hình bằng phẳng của Ukraine khiến chiến trường này phù hợp với xe tăng cơ động. Ukraine cần xe tăng để giành lại các vị trí kiên cố ở những thành phố dọc chiến tuyến.
Một xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất (Ảnh: Creative).
Ukraine lo ngại các hệ thống tên lửa pháo binh đa nòng HIMARS do Mỹ chế tạo, vốn đã phát huy sức mạnh trong các chiến dịch phản công vào mùa thu năm ngoái, sẽ tỏ ra kém hiệu quả hơn trong lần tới vì đối phương đã di chuyển ra xa ngoài tầm bắn. Điều này khiến xe tăng trở nên cần kíp hơn đối với Kiev. "Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức một cuộc phản công thứ hai nếu không có lực lượng mạnh hơn", Anthony King, giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Warwick ở Anh, lập luận khi nêu lý do Ukraine cần xe tăng vào thời điểm này.
Về phía phương Tây, theo báo Wall Street Journal, đằng sau quyết định chuyển hàng loạt xe tăng chủ lực cho Ukraine là nỗi lo rằng thời gian có thể đang đứng về phía Nga.
Mỹ và đồng minh từng tin rằng nếu họ giúp Ukraine vượt qua mùa đông khó khăn, giành được thế chủ động trên một số mặt trận, Nga có thể sẽ tìm cách rút khỏi cuộc xung đột và ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, niềm tin đó đang dần lung lay khi cuộc chiến sắp bước sang năm thứ hai. Nga thậm chí được cho là đang chuẩn bị một đợt tấn công quy mô lớn mang tính bước ngoặt. Điều này khiến một số nước phương Tây lo ngại Nga sẽ giành lợi thế trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.
Vì vậy, quan điểm của phương Tây hiện nay là cung cấp cho Ukraine những vũ khí tiên tiến hơn, giúp nước này áp đảo hỏa lực Nga và thay đổi cục diện chiến sự. Tuy nhiên, họ vẫn có sự thận trọng nhất định để tránh nguy cơ một cuộc đối đầu trực diện NATO - Nga. Đó là lý do các nước này đến nay vẫn nói "Không" với đề nghị cung cấp chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa cho Kiev.
XE TĂNG CÓ GIÚP UKRAINE XOAY CHUYỂN CỤC DIỆN?
Các khí tài viện trợ trước đây, như hệ thống tên lửa HIMARS của Mỹ, rất quan trọng trong việc giúp Ukraine ngăn chặn bước tiến của Nga và thực hiện một loạt cuộc phản công thành công trong những tháng vừa qua. Kiev hy vọng rằng cái mà họ gọi là "nắm đấm thép" của phương Tây sẽ giúp chọc thủng các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga ở phía Đông, phá vỡ hành lang đất liền mà Moscow đang cố gắng thiết lập kéo dài đến bán đảo Crimea ở phía Nam, đồng thời ngăn chặn cuộc tấn công lớn của Nga vào mùa xuân.
Xe tăng đại diện cho vũ khí tấn công trực tiếp mạnh nhất được cung cấp cho Ukraine cho đến nay, một hệ thống được trang bị và bọc thép hạng nặng được thiết kế để đối đầu trực diện với kẻ thù thay vì bắn từ xa. Nếu được sử dụng đúng cách với sự huấn luyện cần thiết, chúng có khả năng giúp Ukraine giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ trước lực lượng Nga vốn đã có thời gian thiết lập tuyến phòng thủ.
Điều chưa rõ ràng hiện nay là liệu Ukraine có thể tiến hành một cuộc tấn công và giành chiến thắng hay không vào thời điểm mà Nga được cho là sẽ công bố đợt động viên thứ hai sau khi đã huy động 300.000 quân.
Theo Wall Street Journal, 13 nước thành viên của NATO đang sở hữu gần 2.400 xe tăng Leopard 2, con số này về lý thuyết là đủ để giúp Ukraine tăng cường năng lực thiết giáp và phần còn lại cũng đủ để họ tự vệ. Tuy nhiên, gần 400 xe đang cất giữ trong kho và tình trạng của những chiếc do quân đội nắm giữ lại không chắc chắn.
Tháng 8/2022, Tây Ban Nha nhận thấy 327 xe tăng Leopard trong tình trạng tồi tệ và không thể gửi 10 chiếc tới Ukraine nếu không bỏ ra hàng tháng liền để sửa chữa. Câu hỏi đặt ra là liệu có bao nhiêu chiếc Leopard 2 chất lượng tốt có thể sẵn sàng tung vào chiến trường.
Theo giới quan sát, số lượng xe tăng mà phương Tây cam kết viện trợ quá hạn chế để có thể đáp ứng nhu cầu của Ukraine trong khi Nga sở hữu lực lượng xe tăng áp đảo lên tới hàng nghìn chiếc. "Tương quan lực lượng (xe tăng) có lợi cho Nga", Dara Massicot, nhà nghiên cứu tại Rand Corp, tổ chức nghiên cứu toàn cầu có trụ sở tại bang California (Mỹ), nhận định.
Đó là chưa kể đến việc vận hành và bảo dưỡng những khí tài này trên một chiến trường rộng lớn như ở Ukraine là một thách thức rất lớn. Xe tăng của Đức và Mỹ có các bộ phận và chế độ bảo dưỡng khác nhau, và cả hai loại đạn của các xe tăng này đều khác với loại xe tăng thời Liên Xô mà Ukraine đang sở hữu. Ngoài ra, xe tăng phương Tây có tải trọng lớn hơn nhiều có nguy cơ không phù hợp với nhiều cầu, đường ở Ukraine, gây thách thức cho hoạt động triển khai.
Những xe tăng cũng có thể sẽ không kịp chuyển đến Ukraine cho một cuộc tấn công hoặc phản công vào mùa xuân. Binh sĩ Ukraine cần học cách vận hành và những bên viện trợ cần bảo trì, bảo dưỡng xe tăng nằm trong kho hoặc huy động thêm từ nhà thầu quốc phòng.
Yohann Michel, chuyên gia nghiên cứu tại IISS, ước tính, sẽ mất hai tháng để huấn luyện lính Ukraine sử dụng Leopard 2 cũng như đưa xe tăng vào chiến tuyến. Quá trình này thậm chí dài hơn đối với Abrams của Mỹ. Điều đó có nghĩa là Kiev sẽ chỉ sẵn sàng tấn công hoặc phòng thủ khi thời tiết ấm lên, mặt đất khô ráo hơn. Do vậy, Nga sẽ có nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch đối phó như tăng cường các khả năng phòng thủ, củng cố đội xe tăng của lực lượng Nga và tấn công phủ đầu các vị trí của lực lượng Ukraine.
Tuy phần lớn mang ý nghĩa biểu tượng và khó xoay chuyển cục diện chiến sự, nhưng quyết định của phương Tây cho thấy các nước này đã vượt qua "lằn ranh đỏ" từ trước đến nay vốn ngăn cản họ cung cấp phương tiện bọc thép hạng nặng cho Ukraine. Ngoài ra, đây cũng được coi là thành công về mặt chính trị và quân sự của Ukraine trong nỗ lực không ngừng nhằm hối thúc phương Tây tăng cường viện trợ.
Viện trợ xe tăng cho Ukraine là một quyết định quan trọng, vì xe tăng không giống như các hệ thống phòng không hay tên lửa chống tăng, không phải là vũ khí phòng thủ. Chúng được thiết kế để tấn công mạnh vào các mục tiêu của đối phương trong một cuộc xung đột trên bộ. Tuy nhiên, để giúp Ukraine giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, phương Tây có thể phải xem xét thêm những phương án viện trợ khác như máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa - những khí tài mà hiện tại họ vẫn coi là "lằn ranh đỏ".
"Việc cung cấp vũ khí mang tính hạn chế của phương Tây không phải là một chiến thắng có tính quyết định của Ukraine mà là làm gia tăng sự tiêu hao và hao mòn của các lực lượng Nga", Mikhail Barabanov tại Trung tâm Phân tích và Công nghệ chiến lược có trụ sở tại Moscow, nhận định.
NHỮNG LỰA CHỌN CỦA NGA
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Nga đã chỉ trích các cam kết viện trợ xe tăng của phương Tây dành cho Ukraine là hành động nguy hiểm có thể khiến xung đột leo thang lên một nấc mới. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow coi đây là bằng chứng cho thấy phương Tây ngày càng can dự trực tiếp vào xung đột Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ quyết định của phương Tây và cách thức đáp trả sẽ không chỉ hạn chế ở xe bọc thép.
Các chuyên gia cho rằng, các chỉ huy Nga sẽ cố phán đoán Ukraine có thể sử dụng khí tài mới ở đâu, như thế nào, và nên phản ứng ra sao. Moscow sẽ phải quyết định làm thế nào để cân bằng giữa công và thủ, nên phủ đầu hay chờ đến khi Ukraine mở đợt phản công mới.
"Nếu người Nga chuẩn bị cho các hoạt động tấn công và thất bại, điều đó sẽ khiến các hoạt động phòng thủ trở nên khó khăn hơn nhiều và họ sẽ dễ bị Ukraine phản công", Ed Arnold, một nhà nghiên cứu tại Viện Các lực lượng Thống nhất Hoàng gia Vương quốc Anh, nhận định.
Nga đã mất không ít xe tăng ngay ở giai đoạn đầu xung đột khi kế hoạch bao vây, kiểm soát Kiev thất bại. Nguồn xe tăng hiện tại của Moscow có thể vẫn đủ đáp ứng cho một trận đấu xe tăng lớn, song vấn đề là nguồn nhân lực kíp lái.
"Vấn đề của Nga là không có đủ kíp chiến đấu xe tăng được đào tạo bài bản vì họ đã mất quá nhiều người trong những ngày đầu của cuộc chiến", chuyên gia Massicot nói. Bà cho biết, Nga đang huấn luyện một phần tân binh trong đợt điều động 300.000 người để vận hành xe tăng thay vì các vai trò bộ binh cơ bản.
Nếu Nga triển khai thêm xe tăng, họ sẽ phải tính toán giữ lại đội hình đó để đối phó với lực lượng tiếp viện của Ukraine, hoặc hành động sớm hơn, trước khi Kiev tiếp nhận xe tăng của phương Tây. Tuy nhiên, Nga đã và đang cố giành kiểm soát các vị trí từ lực lượng Ukraine với thành công hạn chế, do vậy khả năng nhanh chóng đạt được bước tiến hơn nữa vẫn chưa chắc chắn.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/nam-dam-thep-cua-phuong-tay-co-tao-buoc-ngoat-cho-xung-dot-nga-ukraine-20230205210229160.htm