Quân đội Nga sở hữu nhiều loại vũ khí uy lực giúp lực lượng này có thể hóa giải mối đe dọa từ xe tăng phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Đầu tháng 1/2023, Mỹ, Đức, Anh cùng nhiều quốc gia phương Tây khác đã đạt được đồng thuận trong việc cung cấp các xe tăng chiến đấu chủ lực M-1 Abrams, Leopard và Challenger cho quân đội Ukraine.
Loại vũ khí uy lực trên đặt ra một mối đe dọa rất lớn cho lực lượng thân Nga tại chiến trường Ukraine. Giới quan sát đồng thời nhận định, xe tăng phương Tây có thể là nhân tố xoay chuyển cục diện xung đột giữa Moscow và Kiev, khi chúng sẽ giúp quân đội Ukraine áp đảo lại ưu thế hỏa lực của Nga và tiến hành những chiến dịch phản công lớn nhằm giành lại lãnh thổ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định Nga đã có sự chuẩn bị trước viễn cảnh phải đối đầu trực tiếp với xe tăng phương Tây và đang sở hữu những vũ khí chiến lược nhằm hóa giải mối đe dọa này.
Cường kích "xe tăng bay" Su-25
Là một cường quốc quân sự, Không quân Nga sở hữu trong biên chế nhiều loại máy bay uy lực với khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu khác nhau của đối phương. Trong số này, Sukhoi Su-25 là cường kích được thiết kế với mục đích chính là chống tăng và chi viện cho các lực lượng chiến đấu trên mặt đất.
Cường kích Su-25 của Không quân Nga chuẩn bị chiến đấu (Ảnh: Youtube).
Được bắt đầu thiết kế và chế tạo từ những năm 60 của thế kỷ trước bởi các kỹ sư từ phòng thiết kế Sukhoi của Liên Xô, Su-25 chính thức đi vào trang bị trong quân đội Liên Xô vào năm 1981.
Tuy có tốc độ bay tối đa lên tới 956km/h và trần bay 6.700m, điểm nổi trội của cường kích này là khả năng bay ổn định ở độ cao thấp và tấn công chính xác các mục tiêu quân sự của đối phương.
Ngoài một khẩu pháo 2 nòng cỡ 30mm với 250 viên đạn, Su-25 có thể mang hơn 4 tấn đạn dược, bao gồm tên lửa, rocket, bom điều khiển và không điều khiển, thậm chí cả pháo bổ sung. Nó được trang bị các tấm thép và titan dày từ 6mm đến 25mm xung quanh buồng lái, các bộ phận của thân máy bay và cánh, cũng như các bình nhiên liệu. Nhờ lớp giáp này mà Su-25 được mệnh danh là "xe tăng bay".
Với những tính năng trên, Su-25 có thể được xem là khắc tinh của các loại xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của đối phương. Tuy nhiên, tại chiến trường Ukraine, các cường kích này đang gặp phải khó khăn từ các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) mà phương Tây viện trợ cho chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Để đối phó với MANPADS, các kỹ sư Nga được cho là đã trang bị cho các phiên bản Su-25 SM3 của Không quân Nga hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk-25.
Hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk-25 được thiết kế và phát triển bởi Viện nghiên cứu Ekran có trụ sở tại thành phố Samara, Nga. Hệ thống này được sử dụng với mục đích bảo vệ các máy bay chiến đấu và trực thăng của Nga khỏi mối đe dọa từ các tên lửa dẫn đường và tên lửa vác vai của đối phương thông qua các cơ chế gây nhiễu quang học và điện tử.
"Các hệ thống Vietbsk này được đặt trong các thùng chứa ở khu vực mũi của cường kích Su-25 SM3. Trước đó, chúng đã được thử nghiệm trên trực thăng Ka-25 tại chiến trường Syria và tại đây không một trực thăng Ka-25 nào của Nga bị bắn hạ bởi các tên lửa vác vai của quân khủng bố", một nguồn tin gần gũi với Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ.
Với sự bảo vệ của hệ thống Vietbsk, các chuyên gia quân sự nhận định cường kích Su-25 của Nga nhiều khả năng sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm của các xe tăng phương Tây tại Ukraine.
Sự kết hợp của trực thăng Ka-52 và tên lửa Vikhr-1
Một quân bài nữa có thể được quân đội Nga sử dụng để đối phó với các xe tăng phương Tây tại Ukraine chính là sự kết hợp giữa trực thăng tấn công Ka-52 "Cá sấu" cùng tên lửa dẫn đường chống tăng Vikhr-1.
Trực thăng Ka-52 "Cá sấu" được coi là một trong những máy bay hiện đại nhất của lực lượng vũ trang Nga và được thiết kế để đối phó với các phương tiện chiến đấu bộ binh bọc thép, xe tăng và trực thăng của đối phương. Trực thăng này còn có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát và yểm trợ hỏa lực bộ binh khi cần thiết.
Là phiên bản 2 chỗ ngồi của trực thăng Ka-50, trực thăng Ka-52 có thể hoạt động 24/24 và trong mọi điều kiện thời tiết. Trực thăng này được trang bị pháo tự động cỡ nòng 30mm và cũng có thể mang tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser, tên lửa không đối không tầm ngắn, các loại bom và tên lửa khác. Ka-52 có thể đạt vận tốc trên 290km/h và bay cao gần 5.000m.
Tại Ukraine, quân đội Nga có thể kết hợp Ka-52 với một loại tên lửa vô cùng hiện đại mà lực lượng này đang sở hữu, đó là Vikhr-1. Loại tên lửa này được trang bị nhiều tính năng hiện đại và chỉ mới được ra mắt trước công chúng tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Army 2020.
Vikhr có khối lượng 45kg, dài 2,8m, đường kính 130mm, đầu đạn nặng 8-12kg, sử dụng nhiên liệu rắn, có thể xuyên phá lớp giáp bằng thép dày đến 1.000mm.
Tên lửa Vikhr-1 có khả năng tấn công nhiều mục tiêu khác nhau ở khoảng cách lên tới 8km. Ngoài ra, loại vũ khí này cũng có thể đánh trúng các mục tiêu đang di chuyển ở vận tốc tới 800km/h. Vận tốc cực đại của Vikhr-1 đạt 610m/s, qua đó làm tăng hiệu quả chiến đấu của trực thăng tấn công và giảm khả năng bị tổn thương bởi các hệ thống phòng không của đối phương.
Được trang bị hệ thống ngắm bắn và dẫn đường tự động sử dụng các kênh vô tuyến, hồng ngoại và laser, tên lửa này có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 12km. Sau đó, đầu dò cực nhạy của Vikhr-1 sẽ tiến hành quét địa hình, lưu trữ dữ liệu về khoảng cách và kích thước của mục tiêu cũng như chướng ngại vật xung quanh. Mục tiêu sau đó sẽ bị khóa và tên lửa sẽ lao đến tiêu diệt mục tiêu bằng đầu đạn nổ phân mảnh được trang bị ngòi nổ tiếp xúc.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận các cuộc thử nghiệm tên lửa Vikhr-1 đã diễn ra ở chiến trường Syria và đạt hiệu quả đáng kinh ngạc. Theo đó, xác suất bắn trúng mục tiêu đứng yên của Vikhr-1 lên tới 95%.
Siêu tăng T-14 Armata
Sự xuất hiện của M1-Abrams, Challenger và Leopard tại Ukraine trong tương lai gần khiến giới quan sát bày tỏ sự tò mò về động thái tiếp theo của quân đội Nga. Một số chuyên gia quân sự cho rằng để cân bằng ưu thế với các chiến xa phương Tây, Moscow sẽ buộc phải điều đến Ukraine T-14 Armata, các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất trong quân đội nước này. Ukraine vì vậy đứng trước cơ hội trở thành chiến trường đầu tiên chứng kiến màn đối đầu giữa các "siêu tăng" của Nga và phương Tây.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata hiện đại nhất trong biên chế quân đội Nga (Ảnh: Wikipedia).
T-14 Armata là một xe tăng chiến đấu chủ lực do công ty cơ khí Uralvagonzavod của Nga chế tạo. Nó chính thức được giới thiệu tới công chúng nhân dịp lễ duyệt binh Ngày chiến thắng năm 2015. Sở hữu dàn khí tài "khủng" cùng cấu tạo hiện đại và kiên cố, "siêu tăng" này của Nga được gọi với danh hiệu "bất khả chiến bại" nhờ khả năng chống chọi mọi đòn tấn công và có thể tung ra những "nắm đấm" hỏa lực mạnh mẽ.
T-14 Armata được trang bị pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ nòng 125mm có khả năng phóng tên lửa dẫn đường bằng laser 3UBK21 Sprinter có thể bay xa 12 km. Xe tăng này còn được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động Afghanit, gồm radar và các bộ cảm biến, có khả năng phát hiện và tiêu diệt các tên lửa dẫn đường và đạn chống tăng đang được bắn về phía nó. Ngoài ra, lớp giáp phản ứng nổ Malachit cũng giúp xe tăng này giảm 50% khả năng xuyên phá của phần lớn đạn chống tăng hiện đại.
Được thiết kế theo dạng module, xe tăng T-14 Armata có thể được dễ dàng sửa chữa và nâng cấp khi cần thiết. Bên cạnh đó, thiết kế này cũng giúp xe tăng chiến đấu chủ lực đời mới của Nga có khả năng bảo vệ chống lại các vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học.
"T-14 Armata đại diện cho bước thay đổi mang tính cách mạng nhất trong thiết kế xe tăng trong nửa thế kỷ qua", một quan chức Nga nhận xét về loại xe tăng hiện đại nhất trong biên chế quân đội nước này.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, đã có nhiều người bày tỏ sự hoài nghi về khả năng thực chiến của loại xe tăng này, khi nó chưa từng được "thử lửa" trong thực tế. Tuy nhiên, vào cuối tháng 12/2022, những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy ít nhất 4 xe tăng Armata đang được vận chuyển tới gần biên giới với Ukraine. Điều này cho thấy quân đội Nga có thể đang chuẩn bị những bước cuối cùng trước khi đưa T-14 Armata vào tham chiến.
Tên lửa chống tăng vác vai
Tên lửa chống tăng vác vai từ lâu đã được xem là một loại vũ khí rất phù hợp nhằm chống lại các xe tăng của đối phương trong chiến tranh phi đối xứng. Với giá thành rẻ, nhỏ gọn và độ cơ động cao, ngay cả các tên lửa chống tăng đơn giản nhất cũng có thể đánh bại một siêu tăng hiện đại nếu có được góc bắn và cự ly phù hợp. Tại Ukraine, nhiều xe tăng của các Nga và Ukraine đã bị các tên lửa chống tăng vác vai do Liên Xô sản xuất tiêu diệt.
Vì vậy, nhiều nhà phân tích nhận định các tên lửa chống tăng vác vai của Nga cũng có thể gây ra khó khăn cho xe tăng phương Tây nếu được sử dụng một cách hợp lý. Đặc biệt, trong danh sách 10 tên lửa chống tăng tốt nhất thế giới do Defence View công bố, Nga sở hữu 2 đại diện là 9M123 Khrizantema cùng Kornet.
Tên lửa chống tăng 9M123 Khrizantema được gắn lên xe chiến đấu bộ binh bọc thép của Nga (Ảnh: Wikipedia).
9M123 Khrizantema là tên lửa chống tăng dẫn đường uy lực của Nga, được thiết kế để đối phó với các thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại từ phương Tây. Nhờ các phương tiện dẫn đường quang học, tổ hợp này có thể phát hiện mục tiêu sau màn khói dày đặc, trong điều kiện sương mù hoặc tầm nhìn bị hạn chế.
Đạt tốc độ siêu thanh, tên lửa của tổ hợp này có thể bắn trúng lớp giáp thép dày tới 1.200mm. Tên lửa cũng có khả năng bắn trúng mục tiêu ở cự ly tới 6.000m.
Với Kornet, tên lửa này được phát triển bởi Phòng Thiết kế công cụ KBP của Nga từ những năm 90 của thế kỷ trước. Mục tiêu của tổ hợp tên lửa Kornet là tấn công và vô hiệu hóa xe tăng cùng các mục tiêu bọc thép khác của đối phương, bao gồm cả hệ thống phòng thủ di động hiện đại.
Binh sĩ Nga khai hỏa tên lửa chống tăng Kornet trong một cuộc tập trận vào năm 2017 (Ảnh: Wikipedia).
Phiên bản mới nhất của tổ hợp Kornet được chế tạo theo dạng module và hoạt động theo nguyên tắc "bắn rồi quên". Hệ thống chống tên lửa Kornet có thể vượt qua các phương tiện bảo vệ hiện đại bằng cách phóng 2 tên lửa cùng một lúc.
Đạn tên lửa của tổ hợp Kornet có thể đạt tốc độ siêu âm và tầm bắn lên tới 10km. Phiên bản cải tiến của tổ hợp này là "Kornet-D" có khả năng xuyên giáp lên tới 1.300mm và được trang bị hệ thống ngắm và điều khiển bán tự động. Đầu dò laser và cảm biến hồng ngoại cũng cho phép nó đánh trúng mục tiêu một cách chính xác.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/quan-bai-chien-luoc-giup-nga-vo-hieu-hoa-moi-de-doa-tu-xe-tang-phuong-tay-20230202150123337.htm