Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu các nhà lập pháp Nga hôm 17-1 thông qua đạo luật chấm dứt sự tham gia của Nga trong 21 hiệp ước và điều lệ liên quan đến Hội đồng Châu Âu.
Dự luật chấm dứt các hiệp ước đã được đệ trình lên Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin, theo các điều khoản của Luật Liên bang Nga năm 1995.
Trước đó, Moscow đã rút khỏi cơ quan nhân quyền vào tháng 3 năm ngoái khi cho rằng cơ quan này đã bị Mỹ và các đồng minh dẫn dắt để phục vụ các mục tiêu chính trị của phương Tây.
Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu các nhà lập pháp Nga thông qua đạo luật chấm dứt sự tham gia của Nga trong 21 hiệp ước và điều lệ liên quan đến Hội đồng Châu Âu. Ảnh: Reuters
Trong số 21 hiệp ước sẽ ngừng áp dụng có hiến chương của Hội đồng châu Âu (COE), Công ước Bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, Công ước châu Âu về trấn áp khủng bố, Hiến chương châu Âu về tự quản địa phương và Hiến chương Xã hội châu Âu.
COE được thành lập vào năm 1949 bởi một số quốc gia Tây Âu với sứ mệnh thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Nga gia nhập tổ chức này vào năm 1996 và năm 1998 đã phê chuẩn công ước nhân quyền.
Đến tháng 2-2022, 42 trong số 47 thành viên bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Moscow với lý do xung đột ở Ukraine. Nga đã lên án quyết định "chính trị công khai" của cơ quan vốn trên danh nghĩa trung lập nhưng đứng về phía Mỹ và NATO, đồng thời rút khỏi COE vào ngày 15-3-2022.
Moscow cũng tuyên bố chỉ gửi số tiền đóng góp theo tỉ lệ trong năm 2022 cho ngân sách COE, khoảng 5,7 triệu euro.
Hồi tháng 6-2022, Tổng thống Putin đã ký đạo luật tuyên bố tất cả các phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu sau ngày 15-3-2022 là vô hiệu đối với Nga. Moscow cũng chính thức bãi bỏ công ước chấp nhận quyền tài phán của Hiến chương châu Âu về nhân quyền (ECHR) vào tháng 9-2022.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-quyet-khai-tu-21-hiep-uoc-voi-chau-au-20230118083936232.htm