Những gì đã diễn ra tại Hạ viện càng khắc họa rõ nét hơn những chia rẽ sâu sắc mà nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden vẫn chưa thể vượt qua.
Chuyện “trăm năm có một” ở Mỹ tới khuya qua vẫn chưa đến hồi kết khi ứng viên Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục không thể ngồi vào chiếc ghế chủ tịch hạ viện dù đã qua 6 vòng bỏ phiếu sau hơn 2 ngày. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1923, Hạ viện Mỹ không bầu ra được “người cầm búa” ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Đến 12 giờ ngày 5.1 (giờ Mỹ), Hạ viện Mỹ tiếp tục ngày làm việc thứ ba với hy vọng phá vỡ thế bế tắc.
Các nghị sĩ Cộng hòa thảo luận tại Hạ viện
“Cả thế giới đang nhìn vào”
Hôm qua, Tổng thống Joe Biden chia sẻ rằng mặc dù cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện không phải vấn đề của ông nhưng nhà lãnh đạo vẫn cảm thấy đây là chuyện xấu hổ vì cách họ giải quyết đã mất quá nhiều thời gian. Ông cũng cho rằng tình trạng này đang gây ảnh hưởng đến hình ảnh của nước Mỹ.
“Và thế giới đang nhìn vào đấy. Họ đang theo dõi xem liệu chúng ta có thể hành động cùng nhau hay không”, ông Biden nói với báo giới trước khi lên chuyên cơ để tới bang Kentucky dự sự kiện khởi công xây dựng cầu cùng với ông Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện. Theo truyền thông Mỹ, việc hai người xuất hiện chung là nỗ lực của ông Biden nhằm thu hút sự chú ý của cử tri về khả năng hợp tác của lưỡng đảng.
Nhân tố Byron Donalds
Trong bối cảnh hỗn loạn đó, một hạ nghị sĩ Cộng hòa khác lại gây chú ý khi nhận được 20 phiếu bầu cho vị trí Chủ tịch Hạ viện. Ông Byron Donalds là nghị sĩ da màu 44 tuổi, đại diện bang Florida và được tờ The Hill mô tả là ngôi sao đang lên. Ông Donalds từng bày tỏ quan điểm về chống phá thai và ủng hộ quyền dùng súng. Trong 2 vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông Donalds bầu cho ông McCarthy, nhưng đến vòng thứ ba chuyển sang ủng hộ nghị sĩ Cộng hòa của bang Ohio Jim Jordan. Trong khi đó, ông Jordan vẫn duy trì phiếu bầu cho ứng viên McCarthy.
Phát biểu và chuyến đi trên của chủ nhân Nhà Trắng được thực hiện ngay trước thềm dấu mốc tròn hai năm sự kiện đáng buồn của nước Mỹ. Vào ngày 6.1.2021, khi lưỡng viện quốc hội Mỹ nhóm họp đếm phiếu đại cử tri để chính thức tuyên bố chiến thắng cho ông Biden, cuộc họp lâu nay vốn chỉ mang tính hình thức đã biến thành "ngày phán quyết" sau hàng tá động thái gây tranh cãi của ông Donald Trump - người khi đó là đương kim tổng thống. Nhưng đâu chỉ vậy, ngày 6.1.2021 đã biến thành bạo loạn và đổ máu ngay tại Đồi Capitol, đẩy nước Mỹ vào tình thế chia rẽ sâu sắc, nền dân chủ Mỹ bị đe dọa.
“Cuối cùng chúng ta đã thoát ra được vấn đề liên quan sự kiện 6.1. Mọi thứ đã ổn. Bây giờ đây, lần đầu tiên sau 100 năm, chúng ta lại không thể vượt qua ư?”, Tổng thống Biden hôm qua gửi đi thông điệp tìm kiếm sự đoàn kết.
Cựu Tổng thống Trump - người thường bị réo tên khi nhắc về sự chia rẽ của nước Mỹ - không im lặng về cuộc hỗn loạn lần này. Ông đã kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện bỏ phiếu cho ông McCarthy. Ông Trump đã gọi nhưng người trong đảng ông không trả lời. Theo Reuters, họ phớt lờ lời kêu gọi ấy, thậm chí nhắn gửi ngược lại rằng ông Trump nên nói với ứng viên McCarthy hãy rút lui.
Đảng Cộng hòa tiến thoái lưỡng nan
Đảng Cộng hòa vốn dĩ có thể đón nhận niềm vui khi giành được quyền kiểm soát Hạ viện, thế nhưng chính những đấu đá và rạn nứt nội bộ đã dẫn đến tình cảnh lúc này. Người được chọn để lãnh đạo phe đa số trong Hạ viện lại bị chính những người cùng đảng khước từ. Dù nhận được phiếu của phần đa nghị sĩ Cộng hòa nhưng khoảng 20 thành viên cứng rắn nhất quyết không ủng hộ ông McCarthy. Ông hiện không sẵn sàng lùi bước mà đang nỗ lực thuyết phục, trong khi cũng chưa có dấu hiệu nào rõ ràng về khả năng thay thế ứng viên.
Việc trì hoãn càng lâu thì phe Cộng hòa sẽ càng thêm khó dù không thể xảy ra kịch bản phe Dân chủ có thể giành ghế Chủ tịch Hạ viện. Bế tắc của phe Cộng hòa sẽ khiến các quá trình lập pháp khác tại Hạ viện không thể tiến hành. Điều đó cũng đồng nghĩa đảng Cộng hòa chưa thể thúc đẩy những kế hoạch hay dự luật nào có thể khiến chính quyền Tổng thống Biden và phe Dân chủ lo lắng. Và nó cũng báo trước những khó khăn của phe Cộng hòa trong thời gian tới khi phe bảo thủ không dễ dàng thỏa hiệp, dù là vì lợi ích trước mắt và lớn hơn của đảng. Đảng Cộng hòa giờ đây có lẽ phải tìm kiếm thêm giải pháp bằng các cuộc họp kín.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nuoc-my-chia-re-nhin-tu-cuoc-bo-phieu-o-ha-vien-post1539385.html