Sự phản đối của nhóm nghị sĩ cực hữu trong Đảng Cộng hòa là điều đã được dự báo, nhưng dường như ông Kevin McCarthy đã quá tự tin về việc sẽ nắm được ghế chủ tịch Hạ viện.
Ông Kevin McCarthy đưa tay lên mặt trong lúc nói chuyện với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Đồi Capitol ở Washington, Mỹ, trong buổi bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện vào ngày 3-1 Ảnh: Reuters
Sự chủ quan đó dẫn đến thất bại chưa từng có của Đảng Cộng hòa trong 100 năm qua.
Sau ba lần bỏ phiếu nhưng không ai có đủ 218 phiếu ủng hộ tối thiểu, Hạ viện Mỹ đã hoãn lại quy trình chọn chủ tịch Hạ viện mới và đồng ý triệu tập lại vào trưa 4-1 (giờ Mỹ) để bầu lại. Nguyên nhân vì 19 nghị sĩ cực hữu của Đảng Cộng hòa đã cương quyết chống lại ông McCarthy và "trở cờ" bỏ phiếu cho ứng viên khác.
Nguyên tắc thỏa hiệp
Trong suốt nhiều năm, chuyện lãnh đạo phe đa số Hạ viện Mỹ trở thành chủ tịch Hạ viện là điều gần như đương nhiên và được quyết định ngay trong lần bỏ phiếu đầu tiên. Ngoại trừ năm 1923, khi ông Frederick H. Gillett của Đảng Cộng hòa phải vượt qua tới chín lần bỏ phiếu mới được ngồi vào vị trí tưởng như nghiễm nhiên ấy.
Lịch sử đã lặp lại đúng 100 năm sau, vào ngày 3-1 (giờ Mỹ), khi ông McCarthy không nhận đủ phiếu bầu dù đã có đến ba lần bỏ phiếu.
Diễn biến bất ngờ nhưng nằm trong cảnh báo nhiều tuần qua đã làm tê liệt Hạ viện Mỹ ngay trong ngày đầu tiên cầm quyền của Đảng Cộng hòa, trì hoãn lễ tuyên thệ nhậm chức của hàng trăm nghị sĩ. Nó cũng làm đình trệ hoạt động lập pháp và cho thấy sự chia rẽ nội bộ sâu sắc có nguy cơ khiến thế đa số của Đảng Cộng hòa trở nên không thể kiểm soát.
"Tôi sẽ ở lại cho đến khi chúng ta giành chiến thắng", ông McCarthy nói với báo giới Mỹ giữa lần bỏ phiếu thứ hai và thứ ba. Việc ông không rút lui đồng nghĩa Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu thêm nhiều lần nữa.
Vào năm 1923, sau ba ngày căng não thương thuyết với nhóm nghị sĩ cấp tiến cùng đảng với lời hứa sẽ thay đổi một số quy tắc hoạt động của Hạ viện, ông Frederick H. Gillett mới giành đủ số phiếu cần thiết. Cho đến lúc này, không ai biết số lần Hạ viện phải bỏ phiếu sẽ là bao nhiêu bởi nó còn tùy vào mức độ thỏa hiệp của ông McCarthy với nhóm nghị sĩ chống đối.
Bình luận về thất bại của ông McCarthy, trang Atlantic đưa ra một câu ngắn gọn: Thỏa thuận với ma quỷ là chết người, nhưng trên Đồi Capitol, đó là cách để sống sót. Không loại trừ khả năng ông McCarthy sẽ học theo tiền bối, đề xuất thay đổi quy tắc hoạt động của Hạ viện. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa quyền lực và hình ảnh của ông sẽ suy giảm.
Nội bộ Đảng Cộng hòa chia rẽ
Đối với Đảng Dân chủ, những gì diễn ra trong ngày 3-1 là một trò mua vui, như dân biểu Robin Kelly của bang Illinois đã đùa trên Twitter trước khi bước vào phòng họp: "Tôi đã chuẩn bị sẵn bỏng ngô rồi". Rõ ràng với cách biệt số ghế hiện tại không quá lớn giữa hai đảng tại Hạ viện, màn đấu đá nội bộ của Đảng Cộng hòa là cơ hội tốt để Đảng Dân chủ quan sát và khai thác, khoét sâu sự chia rẽ của đối thủ.
Dân biểu Andy Biggs của bang Arizona, người cầm đầu "cuộc nổi loạn" như mô tả của báo New York Times, chỉ thu được 10 phiếu trong lần bỏ phiếu đầu tiên. Nếu ông McCarthy tiếp tục lúng túng, các đảng viên Cộng hòa có thể chuyển phiếu bầu của họ sang một giải pháp thay thế, như nhân vật số 2 là dân biểu Steve Scalise của Louisiana. Tuy nhiên, ông Scalise đã thể hiện sự ủng hộ với ông McCarthy khi tuyên bố Hạ viện sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho đến khi ông McCarthy trở thành chủ tịch Hạ viện.
Trong ba lần bỏ phiếu đầu tiên, ông McCarthy chủ yếu ngồi yên tại chỗ và không mặc cả với nhóm chống đối giữa các lần bỏ phiếu. Một số nghị sĩ là đồng minh của ông thì túm tụm với các trợ lý của ông McCarthy để vạch ra các bước tiếp theo. Các đảng viên Cộng hòa theo đường lối trung dung thì không bình tĩnh như ông McCarthy, họ đã rất giận dữ khi chứng kiến các nghị sĩ cực hữu liên tục công kích.
"Tôi nghĩ họ nên cảm thấy xấu hổ - dân biểu Mike Lawler của New York nói về nhóm chống đối - Họ không được chuẩn bị cho việc quản lý và giờ lại gieo rắc nghi ngờ cho người dân Mỹ".
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhóm chống đối sẽ nhượng bộ. Dân biểu Chip Roy của bang Texas, một trong những người cầm đầu phe chống lại ông McCarthy, tuyên bố sẽ không rút lui cho đến khi nào họ có thể đứng lên và đấu tranh cho dân Mỹ bất kể chủ tịch Hạ viện thuộc đảng nào.
Theo giới quan sát, không loại trừ khả năng nhóm này đang muốn thay đổi cách thức hoạt động của Hạ viện Mỹ, bao gồm cả việc hạ bệ người đứng đầu chỉ bằng một số lượng nhỏ phiếu đồng ý.
"Đây không phải là vấn đề giữa các cá nhân mà là vì tương lai của đất nước này", ông Roy nói.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ quyền lực thế nào?
* Được mệnh danh là người quyền lực nhất nhánh lập pháp
* Đứng thứ hai trong danh sách kế nhiệm tổng thống Mỹ, sau phó tổng thống
* Đứng đầu một cơ quan nơi thông qua mọi dự luật liên bang
* Đứng đầu cơ quan có quyền khởi xướng thủ tục luận tội tất cả các thành viên nhánh hành pháp
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ha-vien-my-va-cai-dop-100-nam-20230105074513317.htm