Người phát ngôn Điện Kremlin nêu phản ứng của Nga nếu Mỹ chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine.
Tên lửa Patriot của quân đội Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ).
Khi được hỏi liệu Điện Kremlin có đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev rằng, các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot sẽ trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp của Nga, nếu các khí tài này được Mỹ chuyển cho Ukraine hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: "Chắc chắn là như vậy".
"Tuy nhiên, tôi sẽ không bình luận vào lúc này vì đây hiện mới là thông tin của giới truyền thông. Chúng ta hãy chờ đợi một số thông tin chính thức", ông Peskov nói thêm.
Tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin đưa ra sau khi Reuters dẫn nguồn thạo tin ngày 13/12 cho hay, Mỹ đang hoàn tất kết hoạch chuyển các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine và có thể công bố ngay trong tuần này. Kế hoạch của Lầu Năm Góc vẫn cần sự phê chuẩn của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trước khi trình Tổng thống Joe Biden ký duyệt.
Hiện chưa rõ Washington có ý định viện trợ bao nhiêu tổ hợp Patriot. Một số quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói, khi kế hoạch hoàn tất, các lá chắn Patriot sẽ nhanh chóng được chuyển cho Ukraine, trong khi binh sĩ Ukraine sẽ được đào tạo vận hành tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức.
Cựu Tổng thống Medvedev đã tuyên bố vào cuối tháng 11 rằng những vũ khí như lá chắn Patriot sẽ là mục tiêu hợp pháp của Nga nếu một thành viên NATO chuyển giao chúng cho Ukraine.
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng, tầm bắn từ 70-160km, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết với trần bay của mục tiêu lên đến 24km.
Patriot có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu từ trên không, bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, với tốc độ lúc tấn công mục tiêu của tên lửa lên đến Mach 5, tương đương 6.125km/h. Hệ thống này có thể nhận biết hơn 100 mục tiêu khác nhau cùng một lúc và theo sát tối đa 8 mục tiêu liên tục.
Cùng với những vũ khí uy lực được phương Tây viện trợ như pháo phòng không tự hành Gepard hay tên lửa NASAMS, các tổ hợp Patriot được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực tác chiến của Ukraine nhằm chống lại tên lửa và máy bay chiến đấu của Nga.
Giới chức Ukraine nhiều lần thừa nhận, khí tài mà họ cần nhất lúc này là các hệ thống phòng không nhằm đối phó với những đợt tập kích tên lửa quy mô lớn của Nga vài tuần qua. Financial Times dẫn lời người phát ngôn của Không quân Ukraine Yurii Ihnat cho biết quân đội Ukraine đang phải đối mặt với những thiếu hụt nghiêm trọng trong kho vũ khí phòng không của nước này.
Theo Politico, bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc gửi các hệ thống Patriot cho Ukraine sẽ yêu cầu Lầu Năm Góc phải có các kế hoạch dự phòng, đồng thời vẫn phải đảm bảo khả năng phòng thủ tối thiểu cho các lực lượng Mỹ đang được triển khai ở nhiều khu vực khác nhau.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/nga-canh-bao-tan-cong-neu-la-chan-thep-cua-my-duoc-trien-khai-o-ukraine-20221215002414783.htm