Nhật Bản sẽ sớm công bố những kế hoạch mở rộng năng lực phòng thủ của nước này trong vòng 5 năm tới, với những điều chỉnh quan trọng nhằm ứng phó áp lực đến từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Tên lửa Tomahawk
Sau đây là một số điểm then chốt dự kiến sẽ xuất hiện trong chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản:
Năng lực phản công
Chi quốc phòng Nhật Bản dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027. Lâu nay ngân sách dùng cho quân sự của nước này chỉ dao động khoảng 1% GDP.
Một phần ngân sách sẽ dành cho việc sở hữu các tên lửa dùng để phá hủy những điểm khai hỏa tên lửa của lực lượng đối địch có thể đe dọa Nhật Bản. Năng lực này gọi chung là năng lực phản công.
Để trang bị năng lực trên, Nhật Bản được cho đang cân nhắc mua khoảng 500 tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất.
Nâng cấp tên lửa
Nhật Bản cũng muốn triển khai hơn 1.000 tên lửa hành trình tầm xa, đủ sức bắn tới lãnh thổ Triều Tiên hoặc khu vực bờ biển của Trung Quốc, theo báo Yomiuri.
Chính quyền Tokyo nhiều khả năng sẽ chi 5.000 tỉ yen (37 tỉ USD) cho việc phát triển và chế tạo năng lực tên lửa nội địa”, theo Hãng tin AFP dẫn lời ông James Brady, Phó chủ tịch Hãng tư vấn Teneo (trụ sở thành phố New York, bang New York, Mỹ).
Dòng tên lửa Type-12 đất đối không cải tiến, các nền tảng phóng đa dạng hóa và vũ khí lướt tốc độ cao cũng có thể nằm trong danh sách được nâng cấp trong thời gian tới, ông Brady bổ sung.
Nhật Bản dự kiến có kế hoạch xây dựng khoảng 130 kho chứa mới và hoàn tất vào năm 2035 để bảo quản tên lửa như Tomahawk và các loại đạn dược khác.
Tên lửa đất đối hạm Type 88 của Nhật Bản
Các hòn đảo phía nam
Để đối phó nguy cơ từ Trung Quốc, Nhật Bản dự kiến tăng cường sự hiện diện quân sự ở nhóm đảo cực nam của nước này.
Kyodo News dẫn nội dung dự thảo kế hoạch cho thấy Nhật Bản muốn tăng số đơn vị phòng thủ tên lửa đạn đạo của JSDF trên quần đảo Nansei, chuỗi đảo trải dài từ đảo Kyushu đến gần Đài Loan, từ 4 lên 11 vào năm tài khóa chấm dứt tháng 3.2032.
Trong số 7 đơn vị bổ sung, 6 đơn vị được đặt ở phía nam đảo Okinawa và 1 còn lại được triển khai trên đảo Amami-Oshima thuộc tỉnh Kagoshima. Đến thời điểm hoàn thành, Nhật Bản sẽ sở hữu 14 đơn vị đất đối không có năng lực đánh chặn tên lửa.
Bên cạnh đó, Tokyo muốn tăng quân số đóng tại phía nam đảo Okinawa từ 2.000 lên 3.000 quân.
Nhật Bản tăng cường hoạt động diễn tập chung với Mỹ trong thời gian tới
Cấu trúc quân sự
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ được tái tổ chức, với Lực lượng phòng vệ mặt đất, trên biển, trên không sẽ được đặt bên dưới một bộ tư lệnh chung, nhằm phản ứng nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp, theo báo Nikkei Asia.
Cũng cùng mục đích trên, chính phủ Nhật Bản muốn tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quân đội sử dụng các cảng biển và sân bay dân sự trong thời chiến. Thời điểm áp dụng dự kiến từ tháng 3.2024.
Giới chức Nhật Bản cũng hướng đến tăng cường phối hợp với lực lượng Mỹ nhằm chuẩn bị cho nguy cơ bùng nổ khủng hoảng xung quanh eo biển Đài Loan.
Để phục vụ mục tiêu này, Tokyo sẽ thành lập các đơn vị mới chịu trách nhiệm quản lý máy bay không người lái và những tài sản phục vụ chiến tranh mạng, cải thiện năng lượng thu thập thông tin và tăng cường trang bị bom lướt, vũ khí bội siêu thanh.
Nhật Bản cũng dự kiến gia tăng số đơn vị phòng thủ đất đối hạm từ 5 lên 7, đồng thời gia tăng hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển với các lực lượng tuần duyên nước ngoài.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nhung-diem-chinh-trong-chien-luoc-quoc-phong-moi-cua-nhat-ban-post1531751.html