Dưới thời của Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr., Phillipines có nhiều động thái về chính sách đối ngoại với dấu hiệu khác biệt đáng kể so với giai đoạn ông Rodrigo Duterte lãnh đạo.
Binh sĩ Mỹ và Philippines tập trận đổ bộ chung
Sự chuyển hướng của tân lãnh đạo
Những ngày này, quân đội Mỹ và Philippines đang tiến hành cuộc tập trận chung có sự tham gia của Nhật Bản và Hàn Quốc trong vai trò quan sát viên. Kéo dài từ ngày 3 - 14.10, cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ cùng 530 binh sĩ Philippines.
Mới đây, Tổng thống Marcos cũng đã có chuyến công du đến Mỹ và gặp Tổng thống chủ nhà Joe Biden vào ngày 24.9. Trong cuộc gặp, ông Marcos đã nhấn mạnh vai trò của Mỹ ở khu vực. Những động thái trên của Malila được đánh giá là nhằm làm nóng lại mối quan hệ với Washington sau nhiều trúc trắc dưới thời ông Duterte.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Bloomberg cũng trong ngày 24.9, Tổng thống Marcos cũng xác nhận chính quyền Manila muốn nối lại các cuộc thương thuyết với Trung Quốc về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông. Cụ thể, ông cho hay Philippines muốn tìm kiếm sự thỏa hiệp với Trung Quốc về lĩnh vực hợp tác khai thác dầu khí, và nằm trong phạm vi luật pháp Philippines cho phép. Đối với những điều chưa đồng thuận thì ông cho rằng hai bên sẽ tiếp tục tìm kiếm những biện pháp khác để thúc đẩy nỗ lực hợp tác.
Cũng liên quan vấn đề đối ngoại, trong một phát biểu tại một sự kiện gần đây, thượng nghị sĩ Philippines Imee Marcos đã nêu ra đề xuất về kế hoạch đối ngoại gồm 7 điểm. Là chị gái của Tổng thống Marcos và đang đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Philippines, nghị sĩ Imee Marcos nhấn mạnh trong kế hoạch trên là: “Đừng bắt chúng tôi lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”. Trong đó, bà đề cập các kế hoạch bao gồm hợp tác giữa Manila với Washington lẫn Bắc Kinh.
Khôi phục sự cân bằng
Trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) nhận định: “Tổng thống Marcos đang đưa chính sách đối ngoại trở lại nguyên tắc đảm bảo rủi ro khá quen thuộc thời hậu Chiến tranh lạnh”.
“Người tiền nhiệm của ông Marcos là Tổng thống Duterte đã đặt nặng vấn đề lợi ích kinh tế thông qua các khoản viện trợ được hứa hẹn bởi Trung Quốc để đổi lấy một quan hệ chặt chẽ hơn giữa Bắc Kinh và Manila. Nền tảng chiến lược tập trung xây dựng hạ tầng của ông Duterte phụ thuộc vào nguồn viện trợ phát triển cơ sở hạ tầng lớn từ Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Quan hệ đối tác với Trung Quốc thuận lợi hơn cho việc ông Duterte theo đuổi chính sách cứng rắn trong cuộc chiến chống ma túy. Bởi vì không giống như phương Tây, Trung Quốc không đòi hỏi các đảm bảo về nhân quyền và dân chủ khi giải ngân viện trợ”, GS Sato phân tích.
Theo vị chuyên gia, Tổng thống Marcos đang cố gắng khôi phục sự cân bằng trong chính sách đối ngoại của đất nước bằng cách tái nhấn mạnh mối quan hệ với Mỹ. Theo Thỏa thuận thăm viếng mở rộng giữa các lực lượng (được nhất trí trong năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Duterte), hai bên duy trì sự hiện diện hạn chế của thủy quân lục chiến Mỹ ở miền nam Philippines để cùng nhau xây dựng năng lực cho các lực lượng Philippines chống khủng bố. “Chính phủ Marcos đồng thời đàm phán về khả năng phát triển chung về dầu khí ở Biển Tây Philippines (Biển Đông) với Trung Quốc. Nhấn mạnh đến nhu cầu năng lượng của đất nước, Philippines cũng nhận được bảo đảm một số hỗ trợ liên quan năng lượng từ Mỹ”, GS Sato chỉ ra.
Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: “Tổng thống Marcos đã thể hiện sự trung lập hơn về chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Đồng thời, ông tiếp tục thắt chặt hợp tác với Mỹ mà trong đó một số thỏa thuận đã đạt được trong giai đoạn cuối của chính quyền Tổng thống Duterte sau khi ông Duterte nhận ra Bắc Kinh không thực hiện các hứa hẹn trước đó như cam kết đầu tư vào Philippines hay ngưng đẩy mạnh vùng xám ở Biển Đông”.
Về an ninh và quốc phòng, theo chuyên gia Nagy, Manila ngày càng nhận ra rằng Philippines có thể gặp các bất trắc trước sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực, điển hình như các căng thẳng ở một số khu vực biển gần Philippines hồi tháng 5.2021.
“Tổng thống Marcos thay đổi chính sách thông qua cách thức ngoại giao ít ồn ào hơn và tăng cường hợp tác với các bên thứ 3 như Nhật Bản và Úc”, PGS Nagy nhận định.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/philippines-dang-quay-xe-trong-quan-he-doi-ngoai-post1508478.html