Hôm nay (5-9), nước Anh sẽ có tân thủ tướng thay ông Boris Johnson. Ngoại trưởng Liz Truss hoặc cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak sẽ được xướng tên là chủ nhân ngôi nhà số 10 Downing vào buổi trưa (giờ địa phương).
Ngoại trưởng Liz Truss (trái) và cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak - Ảnh: AFP
Những lần trước, việc thay thế thủ tướng ở Anh ít được để ý do ít tác động đến thế sự. Lần này thì khác, bởi trong hơn sáu tháng qua, nước Anh đóng vai trò "đầu tàu" của cuộc đối kháng Nga ở Ukraine.
Nga sẽ tiếp tục thất vọng
Còn nhớ hôm 7-7, khi hay tin ông Boris Johnson sẽ phải từ chức sau những sự cố liên quan đến vài cuộc giải lao của ông trong dinh thủ tướng giữa mùa dịch, Điện Kremlin đã bày tỏ ngay thái độ qua tuyên bố của người phát ngôn Dmitri Peskov: "Chúng tôi hy vọng sẽ có ngày những người chuyên nghiệp hơn và có khả năng đưa ra các quyết định thông qua đối thoại sẽ lên nắm quyền ở Anh".
Thậm chí, ông Peskov không buồn giấu giếm cảm xúc: "Ông ta (tức ông Boris Johnson) không ưa chúng tôi lắm và chúng tôi cũng chẳng ưa gì ông ta!". Đúng là hai bên Nga và Anh không ưa nhau, đặc biệt là Điện Kremlin, nên mới bỏ qua mọi kiềm chế về mặt ngoại giao để... mong đối phương sớm bị thay thế.
Ngược lại, ở bên kia chiến tuyến, cố vấn tổng thống Ukraine, Mykhaïlo Podoliak, trên Twitter bày tỏ lời cảm ơn đến ông Boris Johnson vì đã hiểu mối đe dọa từ Nga và đã luôn đứng đầu sự hậu thuẫn cho Ukraine cũng như "đã lãnh trách nhiệm trong những thời khắc khó khăn nhất".
Quay trở lại phát ngôn của ông Peskov, việc Điện Kremlin mong người thay thế ông Johnson "chuyên nghiệp hơn" và "dễ đối thoại" có phải là chấp thuận các yêu cầu, đề nghị của phía Nga?
Trong quá khứ gần, ngay trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt được khởi động, đã từng có những đàm phán giữa phía Nga, Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh Nga - Mỹ và dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh Nga - NATO.
Phía Nga yêu cầu Mỹ thực hiện các cam kết: không tiếp tục mở rộng NATO về phía đông; không kết nạp thêm các nước đã từng là thành viên của Liên Xô vào NATO; không thiết lập căn cứ quân sự ở các nước đã từng là thành viên Liên Xô nhưng chưa phải là thành viên NATO; không sử dụng kết cấu hạ tầng quân sự của những quốc gia này để tiến hành các hoạt động quân sự; không phát triển hợp tác quân sự với những quốc gia này...
Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã thẳng thừng bác bỏ những đề nghị này của Nga.
Nếu một tân thủ tướng Anh "chuyên nghiệp hơn" và "dễ đối thoại hơn" trong ý nghĩa đó thì e rằng Nga sẽ tiếp tục thất vọng, bởi vì hai ứng viên thay thế ông Borish Johnson đều cứng rắn có thừa.
Hôm 23-8, nhân quốc khánh Ukraine, nữ Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss, ứng viên sáng giá cho chiếc ghế thủ tướng Anh, đăng một bài viết trên tờ The Telegraph có những đoạn như: "Nước Anh cung cấp 2,3 tỉ bảng Anh viện trợ quân sự cho Ukraine, hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu" và "Nếu tôi trở thành thủ tướng, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo ngọn lửa tự do ở Ukraine tiếp tục cháy sáng" và "Ukraine sẽ không có đồng minh nào tốt hơn nước Anh".
Ứng viên thủ tướng còn lại, cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, cũng phát biểu quyết liệt nhân dịp quốc khánh Ukraine. Trong một lá thư gửi dân chúng Ukraine đăng ngay trên tờ Kyiv Post của nước này, ông Sunak nhấn mạnh cam kết: "Người Anh sẽ mãi là đồng minh mạnh mẽ nhất của quý vị".
Thành ra, cho dù ai sẽ thay thế ông Boris Johnson, nước Anh sẽ vẫn là "đầu máy" kéo "cỗ xe lửa" Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.
EU thiếu "đầu tàu"
Nước Anh có mức độ can dự riêng của mình trong chiến sự Ukraine: không dồi dào vật chất bằng Mỹ song dứt khoát hơn NATO và EU vốn đang ngày càng phân tán.
Tính phân tán, nếu không muốn nói là phân hóa, của EU và NATO là một thực tế dài bằng lịch sử của hai định chế này. Có giai thoại vào năm 1970 cho rằng khi nói về châu Âu, Henry Kissinger buông lời mỉa mai: "Gọi cho châu Âu ư? Gọi số điện thoại nào?" - hàm ý nói châu Âu chẳng biết nước nào là "đầu tàu".
Tất nhiên, cũng có lúc châu Âu (lúc đó là Tây Âu) cho thấy có "đầu tàu", chính xác là một cặp "đầu tàu" với ông Helmut Schmidt (thủ tướng Tây Đức) và Valéry Giscard d'Estaing (tổng thống Pháp) từ năm 1974 rất thân thiết với nhau...
Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng và sau đó là chiến tranh Ukraine, hai ông Olaf Scholz (thủ tướng Đức) và Emmanuel Macron (tổng thống Pháp) đã chưa tỏ ra là những "đầu tàu" mạnh mẽ, cũng như còn lâu mới sát cánh với nhau như cặp bài trùng Helmut Schmidt & Giscard d’Estaing.
Sự thiếu gắn kết này càng lộ rõ trong cuộc đối đầu với nước Nga khi mà cuộc chiến tranh hiện nay không chỉ là quân sự mà là kinh tế, thương mại, tài chính, năng lượng... mà trong đó các vũ khí trừng phạt Nga do phương Tây đề ra nay rơi vào tình trạng "gậy ông đập lưng ông".
Nước Anh sẽ làm thế nào để vừa đóng vai trò "đầu tàu" của châu Âu vừa tự cứu mình trong cuộc khủng hoảng thiếu thốn hiện tại rõ ràng là bài toán khó dành cho tân thủ tướng nước này.
Ông Zelensky ca ngợi ông Johnson Trong bài viết cho số báo ngày 4-9 của The Mail on Sunday (Anh), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi Thủ tướng Anh Boris Johnson như "một người bạn thực sự" đối với Ukraine trước khi ông Johnson rời nhiệm sở. "Tại mỗi cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa chúng tôi, Boris đều có một câu hỏi rất hay: Còn gì nữa không? Bạn cần gì nữa? Nó đã trở thành từ khóa của chúng tôi. Tin tôi đi, không nhiều chính trị gia sẵn sàng làm điều này", ông Zelensky bày tỏ lòng biết ơn đối với ông Johnson. Tổng thống Ukraine cũng bày tỏ sự trân trọng đối với tình đoàn kết của Anh với Ukraine kể từ khi chiến sự diễn ra, đồng thời hứa sẽ tạo dựng "mối quan hệ thân thiết" với thủ tướng mới. Cũng trong bài viết, ông Zelensky gửi lời cảm ơn Ngoại trưởng Anh Liz Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, gọi hai quan chức này là "những nhà lãnh đạo tuyệt vời và những người bạn của Ukraine". (MINH KHÔI) |
Theo Danh Đức/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tan-thu-tuong-anh-va-the-su-nong-bong-20220905074743709.htm