Công nghệ che giấu vị trí tàu được dùng trong ngành hàng hải toàn cầu khi nhiều chính phủ và các công ty vận tải muốn tìm cách lách các lệnh trừng phạt, thực hiện các hoạt động kinh doanh bí mật.
Các tàu di chuyển trên một vùng biển (Ảnh minh họa: Stock).
Một tàu chở dầu cũ nát chờ nạp nhiên liệu tại cảng từ một nhà máy lọc dầu khổng lồ của Venezuela vào một buổi sáng tháng 12/2021.
Hàng loạt con tàu bị bỏ hoang nằm la liệt trên vùng biển Caribbean, vốn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế và phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, trên màn hình máy tính, con tàu mang tên là Reliable xuất hiện cách đó gần 300 hải lý, trôi dạt vô định ngoài khơi bờ biển St. Lucia ở Caribbean.
Theo các kênh truyền định vị vệ tinh, Reliable đã không đến Venezuela trong ít nhất một thập niên.
Các nhà nghiên cứu dữ liệu vận chuyển đã xác định hàng trăm trường hợp tương tự Reliable: truyền dữ liệu Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) có chứa tọa độ GPS giả mạo, để thực hiện các hoạt động kinh doanh bí mật và thậm chí là bất hợp pháp, đồng thời lách luật và lệnh trừng phạt quốc tế.
Trong năm qua, Windward, một công ty thu thập dữ liệu hàng hải lớn cung cấp nghiên cứu cho Liên Hợp Quốc, đã phát hiện hơn 500 trường hợp tàu đánh lừa vị trí GPS để che giấu vị trí hoạt động.
Các tàu sử dụng công nghệ che giấu vị trí tàu vốn chỉ dành cho lực lượng hải quân tiên tiến nhất thế giới. Về bản chất, công nghệ này tái tạo hiệu ứng của ứng dụng điện thoại di động VPN, khiến vị trí con tàu hiện thị ở một nơi, trong khi về mặt thực tế nó lại ở nơi khác.
Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc được cho là cũng sử dụng công nghệ này để ẩn náu hoạt động trong các vùng biển được bảo vệ ngoài khơi Nam Mỹ.
Các tàu chở dầu che giấu các điểm dừng ở các cảng dầu của Iran và các tàu chở container gây rối loạn các hành trình ở Trung Đông.
Một quan chức tình báo giấu tên của Mỹ, người đã thảo luận về các đánh giá bí mật của chính phủ cho biết, chiến thuật GPS giả này còn thường được sử dụng trong việc buôn lậu vũ khí và ma túy.
"Việc thao túng vị trí GPS không phải được thực hiện bởi quốc gia nào, mà bởi công ty bình thường sở hữu công nghệ này. Quy mô vi phạm thật đáng kinh ngạc", cựu sĩ quan hải quân Israel Matan Peled, đồng sáng lập Windward, nhận xét.
Windward cho biết, sau khi mọi việc bị phanh phui ở các quốc gia vướng lệnh trừng phạt của Mỹ, chiêu bài này hiện đã lan rộng đến tận Australia và Nam Cực.
Matan Peled, người sáng lập Windward, cho biết: "Mọi việc đang xảy ra với một tốc độ đáng kinh ngạc và đáng sợ".
Theo một nghị quyết về hàng hải của Liên Hợp Quốc có gần 200 quốc gia ký kết vào năm 2015, tất cả các tàu lớn phải mang và vận hành thiết bị phát đáp vệ tinh, được gọi là hệ thống nhận dạng tự động hoặc AIS, truyền dữ liệu nhận dạng và vị trí điều hướng của tàu.
Các bên ký kết nghị quyết, thực tế bao gồm tất cả các nước ven biển, có nghĩa vụ theo các quy tắc của Liên Hợp Quốc để thực thi các hướng dẫn này trong phạm vi quyền hạn của họ.
Dana Goward, cựu quan chức cấp cao của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Mỹ, cho biết, cho đến nay tất cả các công ty lớn của nền kinh tế toàn cầu đều nỗ lực duy trì một trật tự được xây dựng trên các hệ thống định vị vệ tinh như GPS (Mỹ), GLONASS (Nga), GALILEO (Châu Âu), IRNSS (Ấn Độ), BEIDOU của (Trung Quốc), QZSS (Nhật Bản)...
Mối lo từ căng thẳng Nga - phương Tây
Nhưng căng thẳng gia tăng giữa phương Tây, Nga và Trung Quốc có thể thay đổi điều đó. Ông Goward nói: "Chúng ta có thể đang tiến tới một điểm uốn cong".
Các nhà phân tích và các quan chức an ninh phương Tây cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với nhập khẩu năng lượng của Nga do hậu quả xung đột ở Ukraine có thể thúc đẩy hoạt động thương mại ngầm trong những tháng tới.
Một "nền kinh tế bóng tối" quy mô lớn có nguy cơ làm leo thang mối lo giả mạo và can thiệp hàng hải lên mức cao chưa từng thấy.
Các quan chức tình báo Mỹ xác nhận, tình trạng thao túng AIS lan rộng là mối lo về an ninh quốc gia ngày càng gia tăng và là một kỹ thuật phổ biến giữa các nước bị trừng phạt.
Các quan chức cho biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng nổi lên như một nguồn cung cấp một số ví dụ tinh vi nhất về "lách" AIS. Các hoạt động bất hợp pháp của ngành đánh bắt cá Trung Quốc được cho là xảy ra thường xuyên trong những năm gần đây. Các tàu cá còn được trang bị những máy kéo, thiết bị sóng âm, và lưới đánh cá khổng lồ, có những chiếc lớn gấp đôi tàu tuần tra hải quân thông thường.
Windward là một trong những công ty chính cung cấp dữ liệu ngành vận tải biển cho các tổ chức quốc tế, chính phủ và tổ chức tài chính - bao gồm Liên Hợp Quốc, các cơ quan chính phủ Mỹ và các ngân hàng như HSBC, Société Générale và Danske Bank.
Một cơ quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chuyên giám sát việc tuân thủ các lệnh trừng phạt của Triều Tiên đã sử dụng dữ liệu của Windward để xác định các tàu vi phạm luật pháp quốc tế.
Nghiên cứu của công ty Israel cho thấy một phần hoạt động bên trong của ngành vận tải biển thường không rõ ràng và quản lý lỏng lẻo.
Dror Salzman, Giám đốc sản phẩm của Windward, lần đầu tiên phát hiện một con tàu dân sự truyền tín hiệu vị trí giả vào đầu năm ngoái tại Venezuela. Một tàu chở dầu mang tên Berlina đã truyền dữ liệu đang trôi dạt vô định bên ngoài vùng biển của quốc gia Nam Mỹ này.
Trên thực tế, Berlina không ở gần vị trí truyền đi của nó vào thời điểm đó. Theo Vortexa, một công ty dữ liệu vận tải khác, con tàu khi đó đang tải dầu ở cảng José, miền Đông Venezuela.
Tàu chở dầu cập cảng Punto Fijo, Venezuela (Ảnh: NYT).
Mỹ là quốc gia duy nhất cấm giao dịch với công ty dầu khí nhà nước của Venezuela, có nghĩa là việc vận chuyển dầu của Berlina không bị cấm ở Venezuela hoặc đảo Síp, nơi con tàu được đăng ký.
Nhưng vì vai trò quá lớn của Washington trong lĩnh vực tài chính toàn cầu, nhiều tàu cố gắng che giấu sự hiện diện của họ ở Venezuela để tránh bị các ngân hàng, công ty bảo hiểm và khách hàng tẩy chay.
Sau khi học cách phát hiện chuyển động của "tàu ma", các nhà nghiên cứu của Windward nhận ra công nghệ này đang phát triển với tốc độ cực nhanh.
"Những gì có vẻ chỉ mang tính địa phương hóa lúc đầu đã sớm lan rộng ra gần như tất cả các khu vực hàng hải khắp thế giới", công ty cho biết trong một báo cáo vào cuối năm ngoái.
Mọi việc có thể được giảm thiểu khi Liên Hợp Quốc áp dụng các giao thức bảo mật chặt chẽ hơn cho phần mềm được các nhà sản xuất thương mại, quan chức hàng hải và chuyên gia dữ liệu vệ tinh cài đặt trong bộ phát đáp AIS.
Từ quân đội đến dân sự
Công nghệ giả mạo tín hiệu vệ tinh, từ chính con tàu hoặc từ một vị trí xa, đã tồn tại trong nhiều thập niên, nhưng trước đây chỉ được sử dụng trong quân sự, theo Windward.
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, bộ phát đáp AIS cấp quân sự, hoặc ít nhất là phần mềm tái tạo tác dụng của nó, dường như đã được bán trên thị trường chợ đen, lan truyền nhanh chóng giữa những người buôn bán hàng hóa bất hợp pháp và bị trừng phạt.
Cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ đẩy nhanh tiến độ áp dụng chiến thuật vị trí giả mạo này.
Sau khi xung đột bùng nổ vào tháng 2, Cục Hàng hải của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đã báo cáo các trường hợp thao túng và gây nhiễu AIS ở Biển Đen gia tăng mạnh. Điều này trùng hợp với cáo buộc của Mỹ và Ukraine rằng, Nga đang cố gắng che giấu việc xuất khẩu dầu và buôn ngũ cốc tịch thu của Ukraine.
Khoảng 40% trường hợp thao túng AIS mà Windward xác định được thực hiện bởi các tàu đăng ký ở các quốc gia có khả năng thực thi luật pháp quốc tế.
Ví dụ, hai con tàu Reliable và Berlina, vốn chở dầu của Venezuela, cả hai đều thao túng AIS trong khi được đăng ký tại đảo Síp, một thành viên của EU, nơi tự coi mình là "trung tâm quản lý tàu lớn nhất châu Âu".
Về tổng thể, Windward cho biết, việc phân tích hệ thống truyền AIS của họ đã xác định được 18 tàu đăng ký tại Síp đã thao túng tọa độ vị trí của chúng.
Riêng Lloyd's List Intelligence, một công ty dữ liệu vận chuyển khác, đã phát hiện nhiều tàu giống nhau gần đây đã bắt đầu giao dịch dầu của Venezuela đang bị Mỹ trừng phạt.
Việc các tàu đăng ký ở một quốc gia EU chuyên thao túng AIS cho thấy những tiến bộ trong công nghệ cho phép một số chủ tàu kiếm được lợi nhuận từ hàng hóa bị trừng phạt, đồng thời hưởng lợi từ các dịch vụ tài chính và các biện pháp bảo vệ pháp lý của châu Âu.
Thứ trưởng vận tải biển của Síp, Vassilios Demetriades, cho biết hành vi thao túng bất hợp pháp thiết bị trên tàu có thể bị phạt tiền hoặc phạt hình sự theo luật của hòn đảo. Nhưng ông cho rằng, giá trị và độ tin cậy của AIS như một thiết bị định vị là khá hạn chế.
Theo các tài liệu công ty của Síp, tàu Reliable thuộc một công ty do doanh nhân người Hy Lạp Christos Georgantzoglou, 81 tuổi làm chủ. Con tàu vượt Đại Tây Dương lần đầu tiên ngay sau khi công ty của ông Georgantzoglou mua nó vào năm ngoái, và đã truyền dữ liệu các địa điểm xung quanh quần đảo Đông Caribbean kể từ đó, theo phân tích của Windward.
Nhưng hồ sơ công ty dầu khí nhà nước của Venezuela cho thấy, tàu Reliable đã làm việc cho chính phủ nước này trong thời gian đó.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/moi-lo-ngai-ve-hanh-trinh-cua-nhung-con-tau-ma-tren-bien-20220904102222415.htm