Lãnh đạo Crimea cho biết cơ quan an ninh Nga đã vô hiệu hóa một nhóm "khủng bố Hồi giáo" sau khi một loạt vụ nổ bí ẩn xảy ra trên bán đảo.
Binh sĩ Nga tuần tra tại trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Crimea (Ảnh: AFP).
"Tất cả họ đều bị bắt giữ. Hoạt động của những kẻ khủng bố đã được điều phối, đúng như dự đoán, từ lãnh thổ Ukraine", Sergei Aksyonov, lãnh đạo Crimea, thông báo trên Telegram hôm nay 17/8.
Ông Aksyonov cho biết 6 đối tượng bị Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt giữ là thành viên của nhóm Hồi giáo Hizb ut-Tahrir bị cấm ở Nga.
FSB không xác nhận liệu những người bị bắt có liên quan tới vụ nổ tại căn cứ quân sự ở Dzhankoi, bắc Crimea hôm 16/8 và một căn cứ khác ở tây Crimea tuần trước hay không. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy 8 máy bay quân sự của Nga đã bị phá hủy sau các cuộc tấn công.
Tuy nhiên, FSB đề cập đến Dzhankoi và thành phố Yalta, hai địa điểm mà nhóm khủng bố được cho là đã bị "vô hiệu hóa". Các nhà chức trách Nga trước đó cáo buộc có kẻ phá hoại đứng sau các vụ nổ ở Dzhankoi.
FSB cho biết nhóm khủng bố này đã chiêu mộ những người Hồi giáo địa phương và cáo buộc họ thực hiện các hành vi khủng bố.
Ukraine cảnh báo tấn công cầu Crimea
Cố vấn của Tổng thống Ukraine cho rằng cây cầu nối Crimea với lục địa Nga "nên bị phá hủy" trong bối cảnh hàng loạt vụ nổ bí ẩn xảy ra tại căn cứ quân sự của Nga trên bán đảo.
"Đây là một công trình xây dựng bất hợp pháp và là cửa ngõ chính để tiếp viện cho quân đội Nga ở Crimea", ông Mikhail Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói với Guardian hôm 16/8, giải thích lý do Kiev muốn tấn công cầu Crimea.
Ông Podolyak là quan chức Ukraine mới nhất xác nhận ý định của Kiev nhằm tấn công cây cầu nối bán đảo Crimea với lục địa Nga. Với chiều dài 19 km, cầu Crimea là cây cầu dài nhất châu Âu và có chi phí xây dựng khoảng 4 tỷ USD.
Cầu Crimea được xây dựng bắc qua eo biển Kerch sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga dựa trên kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014. Công trình bao gồm 1 cây cầu đường bộ và 1 cây cầu đường sắt, đảm bảo lưu thông hành khách và hàng hóa từ bán đảo sang lục địa Nga và ngược lại.
Trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, cầu Crimea đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Moscow lập tuyến tiếp tế hậu cần cho lực lượng đang kiểm soát khu vực nam Ukraine. Hiện Nga coi Crimea là điểm tập kết binh sĩ, trang thiết bị để tiếp viện cho lực lượng ở miền Nam và miền Đông Ukraine - nơi Ukraine đang phản công mạnh.
Ông Vadim Skibitskiy, người phát ngôn Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, hồi giữa tháng trước tuyên bố Kiev coi bán đảo Crimea là mục tiêu hợp pháp cho vũ khí tầm xa của phương Tây.
Vị trí bán đảo Crimea (Ảnh: AFP).
Mặc dù Ukraine không chính thức thừa nhận đứng sau các vụ tấn công tại Crimea, song cố vấn của Tổng thống Ukraine cảnh báo những vụ việc như vậy có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai.
"Tôi đồng ý với Bộ Quốc phòng Nga khi cơ quan này dự đoán sẽ có nhiều sự việc như vậy xảy ra trong 2, 3 tháng tới. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy nhiều vụ việc hơn xảy ra", ông Podolyak cho biết.
Sau những vụ nổ rung chuyển Crimea, nhiều ý kiến kêu gọi Moscow đáp trả Kiev. Hồi tháng 4, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo sẽ đáp trả bằng cách tấn công vào các trung tâm đầu não ở thủ đô Kiev của Ukraine. Tháng trước, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, Ukraine sẽ phải đối mặt với ngày "phán xét" nếu tấn công Crimea.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/nga-tuyen-bo-vo-hieu-hoa-khung-bo-o-crimea-sau-loat-vu-no-bi-an-20220817154423769.htm