Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cho là nhiều lỗ hổng khiến việc bảo mật thông tin là thách thức lớn với giới an ninh, tình báo nước này.
Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida (Ảnh: NYT).
Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình cựu Tổng thống Donald Trump từ lâu đã khiến giới an ninh, tình báo Mỹ đau đầu. Một cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết, khu nghỉ dưỡng là nơi diễn ra nhiều hoạt động dành cho các thành viên như chơi golf, tiệc tùng, khiến nơi này trở thành "ác mộng" với việc giữ bảo mật các thông tin của chính phủ.
Hiện giờ, Mar-a-Lago tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý sau khi FBI bất ngờ khám xét nơi ở riêng của ông Trump và mang đi 11 bộ tài liệu mật hôm 8/8.
Ông Trump gọi đây là vụ việc "chưa từng có tiền lệ". Ông khẳng định, những tài liệu cất giữ ở Mar-a-Lago đều đã giải mật và đề nghị FBI trả lại ngay lập tức một số tài liệu.
Khu biệt thự rộng khoảng 81.000m2 ở Palm Beach, Florida là khu nghỉ dưỡng dành cho giới nhà giàu. Sau khi hết nhiệm sở vào tháng 1/2021, gia đình ông Trump trở lại đây sinh sống. Hàng chục thùng carton đồ đạc của gia đình ông được gói ghém vội vã và chuyển từ Nhà Trắng đến Mar-a-Lago. Một phần là bởi, ông Trump không thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống. Chỉ đến khi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn rằng ông buộc phải rời Nhà Trắng, đồ đạc mới được gói ghém và chuyển đi không theo bất cứ hệ thống nào.
"Ông Trump mang theo rất nhiều tài liệu, trong đó có các báo cáo tình báo. Tôi có thể dễ dàng hình dung ra những ngày cuối cùng hỗn loạn tại Nhà Trắng bởi vì ông ấy không nghĩ sẽ phải rời đi cho đến phút chót, họ chỉ kịp ném tất cả vào thùng, trong đó có nhiều thứ mà ông ấy đã tích cóp suốt 4 năm", John Bolton, cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng, cho biết.
Một số thùng có chứa tài liệu mật được chuyển đến Mar-a-Lago sau khi ông Trump hết nhiệm kỳ. Khi các nhà điều tra liên bang tới Mar-a-Lago hồi tháng 6 để trao đổi với ông Trump và luật sư của ông về những tài liệu mật, họ đã bày tỏ quan ngại rằng căn phòng chứa tài liệu không được bảo vệ đúng mức. Nhóm của ông Trump đã làm thêm khóa. Tuần trước, các đặc vụ FBI quay trở lại nhưng lần này là với lệnh khám xét Mar-a-Lago để xác định liệu ông Trump có vi phạm Đạo luật gián điệp, cản trở công lý hay sai phạm trong xử lý tài liệu của chính phủ hay không.
Việc bảo mật thông tin ở Mar-a-Lago là thách thức lớn với giới an ninh, tình báo Mỹ khi ông Trump còn đương chức (Ảnh minh họa: Getty).
Theo mô tả của các cựu trợ lý, ông Trump là người cực kỳ ngẫu hứng khi xử lý tài liệu mật. Khi ông Trump còn đương chức, khách mời ra vào Mar-a-Lago phải tuân thủ nhiều quy định, trong đó có việc không được phép chụp ảnh. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng tuân thủ nghiêm ngặt quy định này.
"Mar-a-Lago là một nơi có rất nhiều lỗ hổng từ khi Trump tuyên bố ứng cử và bắt đầu chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ vài năm trước. Nếu bạn làm việc cho bất kỳ cơ quan tình báo nào, bạn cũng đều chú ý đến nơi đầy rẫy lỗ hổng này", Aki Peritz, cựu chuyên gia phân tích chống khủng bố của CIA, cho biết.
Ví dụ, trong một sự kiện năm 2017 khi ông Trump tiếp đón cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ở Mar-a-Lago. Bữa tối của họ bị gián đoạn bởi một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Các bức ảnh do những người có mặt ở Mar-a-Lago chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, hai nhà lãnh đạo đang chăm chú xem tài liệu trong khi trợ lý của ông Trump làm việc trên máy tính. Tại một thời điểm, các nhân viên sử dụng đèn pin trên điện thoại di động của họ để chiếu sáng các tài liệu mà các nhà lãnh đạo đang đọc.
Giữ bảo mật thông tin từ các thành viên của Mar-a-Lago là một chuyện, ngăn chặn các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn từ bên ngoài lại là một vấn đề khác.
Năm 2019, một nữ doanh nhân 33 tuổi đến từ Thượng Hải bị bắt vì xâm phạm nơi từng được coi là "Nhà Trắng mùa đông". Thời điểm bị bắt, Yujing Zhang đã sở hữu 4 điện thoại di động, một máy tính xách tay, một ổ cứng gắn ngoài và một ổ USB. Các công tố viên cũng tìm thấy hàng loạt thiết bị điện tử như máy dò tín hiệu để phát hiện camera ẩn và hàng nghìn USD tiền mặt trong phòng khách sạn của người phụ nữ này. Một công dân Trung Quốc khác, Lu Jing, cũng bị buộc tội xâm phạm Mar-a-Lago vào cuối năm đó.
Giới chức trách Mỹ không bao giờ xác định được động cơ của một trong hai người phụ nữ khi cố gắng vào câu lạc bộ. Lu được cho là không có tội, Zhang cuối cùng bị kết án 8 tháng tù giam.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/dinh-thu-cua-ong-trump-thach-thuc-lon-voi-gioi-an-ninh-tinh-bao-my-20220815154604613.htm